MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

40% doanh nghiệp niêm yết không đạt chuẩn mới theo Nghị định 58

Rất may chuẩn niêm yết mới không áp dụng cho các DN đang niêm yết bởi nếu không 40% doanh nghiệp sẽ phải rời sàn hoặc tăng vốn – điều này dường như bất khả thi trong tình hình thị trường hiện nay.

Nghị định 58 hướng dẫn các quy định về Luật chứng khoán sửa đổi đã được Chính phủ ban hành, trong đó quy định các điều kiện để được niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX đều được nâng lên so với trước, áp dụng kể từ ngày 15/9/2012.

Theo đó, để được niêm yết trên sàn HoSE, các doanh nghiệp phải có vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng (trước đó là 80 tỷ), sàn Hà Nội là 30 tỷ đồng (trước đó là 10 tỷ). Ngoài ra các doanh nghiệp phải thỏa mãn có ROE tối thiểu 5%, không có lỗ lũy lế, cổ đông nội bộ phải cam kết nắm giữ một tỷ lệ cổ phiếu nhất định…

34% doanh nghiệp trên sàn HOSE và 45% doanh nghiệp sàn Hà Nội không đạt chuẩn niêm yết theo Thông tư 58

Theo thống kê của CafeF, hiện trên sàn HoSE có 90 mã có ROE dưới 5%, có 30 doanh nghiệp có vốn dưới 120 tỷ đồng và 26 doanh nghiệp có lỗ lũy kế tính tại thời điểm kết thúc năm 2011. 


Số doanh nghiệp không đạt chuẩn niêm yết mới trên sàn HoSE

Sàn Hà Nội có 144 mã có ROE dưới 5%, 72 mã có lỗ lũy kế và 56 mã có vốn dưới 30 tỷ đồng.


Số doanh nghiệp không đạt chuẩn niêm yết mới trên sàn Hà Nội

Như vậy nếu xét theo chỉ tiêu ROE, thì có đến 33% (1/3) doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn không đạt tiêu chuẩn, tính theo chỉ tiêu lỗ lũy kế sẽ có 14% doanh nghiệp không đạt chuẩn, tính theo số vốn điều lệ, có 80 doanh nghiệp không đủ vốn theo yêu cầu.

Tính chung, có 34% doanh nghiệp trên sàn HoSE và 45% doanh nghiệp trên sàn Hà Nội không đạt chuẩn theo Thông tư 58.

Do Nghị định này không hồi tố với các doanh nghiệp đang niêm yết để tránh sự xáo trộn, nên các doanh nghiệp hiện đang niêm yết cho dù không đạt chuẩn mới nhưng vẫn được niêm yết bình thường cũng như không phải chuyển sàn.

Bởi nếu quy định mới này được áp dụng cho những doanh nghiệp đang niêm yết, 40% doanh nghiệp sẽ phải rời sàn hoặc phải tăng vốn – và nhiệm vụ này dường như bất khả thi trong tình hình thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, việc áp dụng nghị định kể từ ngày 15/9/2012 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết trên hai Sở.

18 doanh nghiệp bơ vơ trước chuẩn mới

Thống kê ở thời điểm hiện tại, có 49 DN đang chờ niêm yết trên sở GDCK Hà Nội và 17 DN chờ niêm yết trên sở GDCK TP.HCM (trong đó có 3 DN đã được chấp thuận). Tuy nhiên 18/66 doanh nghiệp này có vốn điều lệ thấp hơn chuẩn của Thông tư 58.


Các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết trên hai Sở

Như vậy, hoặc là các doanh nghiệp này phải đẩy nhanh quá trình niêm yết cổ phiếu trên sàn trước ngày 15/9 hoặc phải chờ đến khi tăng vốn cho đủ điều kiện rồi mới được niêm yết.

Với tình hình thị trường hiện tại, việc tăng vốn gấp đôi, gấp ba là điều ngoài khả năng của doanh nghiệp (nhất là với các công ty sách, xây dựng điện, vật liệu xây dựng… những ngành hiện không hấp dẫn với nhà đầu tư). Việc chậm chễ niêm yết trên sàn có thể khiến cổ đông của những công ty này phải “chờ dài cổ” mới đến ngày cổ phiếu giao dịch (thậm chí có những công ty đã nộp hồ sơ từ năm 2007, 2008 như công ty Điện-chiếu sáng, hay công ty Meinfa…).

Với các công ty trên thị trường OTC, chỉ tiêu “không có lỗ lũy kế đến năm gần nhất” cũng là một gánh nặng cho các công ty này. Điển hình như trường hợp của Chứng khoán MB (MBS) khi lỗ lũy kế của công ty này hiện ở mức 500 tỷ đồng, do đó ban lãnh đạo công ty không đặt mục tiêu niêm yết sớm mà thời gian này tập trung củng cố và phát triển công ty.

Việc nâng cao chuẩn niêm yết là điều thị trường đã chờ đợi từ lâu bởi nó sẽ sàng lọc cổ phiếu ngay từ “cửa soát vé”, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên