MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN thua lỗ, bản danh sách còn tiếp tục

Theo ước tính sơ bộ, trong hơn 60 DN báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý II/2012, 80 - 90% DN đều giảm doanh thu.

Đối với các DN, doanh thu giảm đã là một phần bi kịch. Nhưng nếu doanh thu giảm cộng thêm chi phí tăng thì sẽ trở thành… thảm kịch.

Sa sút nguồn thu

Theo ước tính sơ bộ, trong hơn 60 DN báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý II/2012, 80 - 90% DN đều giảm doanh thu.

Có thể kể ra các trường hợp của Viglacera Đông Triều (DTC, doanh thu giảm 74%), Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX, giảm 67%), Đầu tư Xây dựng Vinaconex (PVV, giảm 52,6%), Xây dựng - Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (TKC, giảm 42%), Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC, giảm 38%), Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC, giảm 23,8%)… Thậm chí, như Sudico (SJS) phải ghi nhận doanh thu thuần âm 1,93 tỷ đồng trong quý V.

Mặc dù mỗi DN có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng nhìn chung, sức tiêu thụ của thị trường giảm là nguyên nhân chính đưa đến kết quả doanh thu giảm. Theo thuyết minh BCTC thì PVX không có nguồn thu bán hàng hóa dù cùng kỳ năm ngoái, Công ty thu được 11 tỷ đồng từ khoản này.

Đối với nguồn thu chính từ hoạt động xây lắp, doanh thu của PVX sụt giảm gần 64%, từ 1.651,6 tỷ đồng của quý II/2011 xuống còn 596,2 tỷ đồng quý II/2012. Có vẻ như chính sách giảm, giãn và hoãn thi công các dự án đầu tư công đã tác động mạnh đến PVX và nhiều DN xây dựng khác. Một số DN có lý do đặc biệt hơn như TKC doanh thu giảm mạnh vì mất nguồn thu đột biến từ chuyển nhượng đất.

Không chỉ thế, đa số DN đều đang phải đương đầu trước thực trạng giá vốn hàng bán tăng. Giá vốn hàng bán của Kinh Đô (KDC) từ chỗ chỉ chiếm 77% doanh thu đã tăng lên mức 84,5% doanh thu. Hay trước diễn biến giá nhiên liệu tăng mạnh (6 tháng 2012, dầu FO tăng 21%, dầu DO tăng 12% so với cùng kỳ), Gemadept (GMD) bị lỗ trong hoạt động vận tải biển.

Thậm chí, nhiều DN như Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), PVV, PVX, DTC… đã lỗ gộp vì giá vốn cao hơn doanh thu. Điển hình như LAF lỗ gộp 67,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp 21,2 tỷ đồng. Giá cả biến động bất thường và sức cầu giảm mạnh đã khiến cho câu chuyện giải phóng hàng tồn kho ở DN đồng nghĩa với chấp nhận lỗ.

Khi hoạt động chính không đem lại kết quả như mong đợi, các DN thường tìm đến nguồn thu tài chính hoặc nguồn thu khác. Tuy nhiên, hoạt động tài chính đã không còn “dễ xơi” cho các DN. Bằng chứng, Bibica (BBC) chỉ thu được hơn 233 triệu đồng từ lãi từ tiền gửi/tiền cho vay, trong khi cùng kỳ, khoản này là 2,47 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi TTCK suy giảm và nhiều công ty làm ăn không thuận lợi, hoạt động đầu tư như của PVX, PVV, LAF bị thất thu về cổ tức, lợi nhuận được chia và chuyển nhượng cổ phiếu. Một số DN như GMD giảm khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá. Chưa kể, nếu DN không thẩm định được khả năng trả nợ của bên đi vay, rủi ro từ khoản phải thu khó đòi sẽ tăng.

Chi phí tăng

Đối với các DN, doanh thu giảm đã là một phần bi kịch. Nhưng nếu doanh thu giảm cộng thêm chi phí tăng thì sẽ trở thành… thảm kịch. Đơn cử, chỉ với chi phí tài chính trong quý II/2012 của KDC tăng hơn 2,3 lần (lên tới 66,1 tỷ đồng), dù KDC còn lãi gộp 63,5 tỷ đồng và có khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 47,2 tỷ đồng thì công ty này vẫn lỗ. Theo thuyết minh BCTC, trong các khoản chi phí tài chính của KDC, nặng nhất là chi phí khác với 108 tỷ đồng.

Ở XMC, chi phí tài chính tăng hơn 4 lần trong quý II/2012 đã khiến cho những thành quả từ lãi gộp tăng, doanh thu tài chính tăng bị phủ sạch. XMC lần đầu tiên góp mặt vào danh sách DN thua lỗ.

Cú ngã đau với mức lỗ gần 300 tỷ đồng trong quý II/2012 của PVX còn do chi phí tài chính của Công ty tăng đột biến hơn 425% so với cùng kỳ, lên 194,6 tỷ đồng. Trong đó, hơn 128,3 tỷ đồng là dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Diễn biến này trái với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, khi PVX được hoàn nhập hơn 23,9 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng lên 6,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái thì được hoàn nhập cũng khiến SJS ghi nhận mức lỗ 13,14 tỷ đồng, tiêu tan những nỗ lực cứu nguy thông qua các giải pháp như giảm mạnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN.

Riêng với LAF, chi phí tăng cũng là lý do khiến khoản lỗ của Công ty bị “khoét rộng” thêm 22 tỷ đồng. Gộp chung, LAF lỗ 88,8 tỷ đồng, dù cùng kỳ năm ngoái, Công ty lãi hơn 8 tỷ đồng.

Theo Ngọc Thủy
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên