MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SBS: Có hay không cuộc chơi làm giá cổ phiếu?

Ban giám đốc SBS đã phê duyệt cho Bộ phân môi giới 300 tỷ đồng để tự doanh trong khoản thời gian từ từ 01/09/2010 đến 01/12/2010.

“Họ bày cuộc chơi, giăng sẵn cái bẫy như thiên la địa võng, khiến những người như chúng tôi không tài nào biết được” là những ý kiến bức xúc của cổ đông đối với Ban lãnh đạo SBS trước đây.

Từ lỗ 167 tỷ đồng, nối tiếp 99 tỷ đồng, 353 tỷ đồng và đến 660 tỷ đồng… nâng lỗ luỹ kế của SBS lên đến gần 1,500 tỷ đồng sau 6 năm hoạt động. Và con số lỗ này vẫn chưa dừng lại…

Không dừng lại ở tài liệu tố cáo Ban lãnh đạo tiền nhiệm của SBS đã không nghiêm túc trong quá trình điều hành, giấu lỗ trong thời gian dài được HĐQT mới của SBS giải trình, cổ đông tiếp tục có những tài liệu gửi về để minh chứng cho việc làm giá cổ phiếu SBS, SCR, DLG và Toàn Thịnh Phát (trên OTC) của Ban lãnh đạo này. Đó là thực hiện giao dịch nội gián, cho người thân quen vay ưu đãi và khách hàng vay mua cổ phiếu nhằm thu lợi bất chính, sử dụng tiền nhà đầu tư sai mục đích…

Theo tài liệu, vào ngày 01/09/2010 Ban lãnh đạo SBS đã chính thức phê duyệt kế hoạch hoạt động tự doanh của Khối môi giới. Đây là “sản phẩm đặc biệt dành cho hoạt động tự doanh của Khối môi giới” với nguồn vốn thử nghiệm 3 tháng (từ 01/09/2010 đến 01/12/2010) là 300 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm. Trong đó gồm 3 sản phẩm Blocktrade, Trading desk và Trade cùng khách hàng.

Cụ thể, Blocktrade (tìm các deal có giá rẻ về bán lại cho khách hàng) sẽ sử dụng tài khoản Công ty T.V (017C11…) để thực hiện, SBS chuyển tiền vào tài khoản công ty này theo hợp đồng hợp tác đầu tư.

Trading desk (mua bán chứng khoán trên sàn) sử dụng 3 tài khoản cá nhân tại SBS (017C79…, 018C79…, 017C79…) và 2 tài khoản khác tại công ty chứng khoán VNDirect (VND) và 1 công ty khác nhằm tạo tính thanh khoản và gia tăng giá trị giao dịch cho cổ phiếu SBS. Sản phẩm cuối cùng là Trade cùng khách hàng sẽ sử dụng 3 tài khoản cá nhân (017C179…, 017C79…, 017C79…) cùng thực hiện với khách hàng tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu DLG.

Bản kế hoạch cũng nêu rõ các ràng buộc đối với những tài khoản trên như không được là tài khoản của các thành viên ban điều hành; các tài khoản chỉ được sử dụng cho mục đích trading, không được thực hiện giao dịch cá nhân…

Đến ngày 30/06/2011, theo báo cáo kết quả thực hiện thì vào thời điểm tháng 12/2010, SBS đã ghi nhận hơn 75.4 tỷ đồng lãi từ hoạt động này.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, theo giải trình của Khối môi giới SBS: “…thị trường liên tục xấu, dẫn đến giá chứng khoán liên tục giảm mạnh. Đến nay, tất cả các sản phẩm hầu như đều không có lợi nhuận sau 5 tháng của năm 2011, ngoại trừ sản phẩm Trade cùng khách hàng mã DLG”. Theo đó, thời gian này mức lỗ mà SBS phải chịu là 18.5 tỷ đồng đối với sản phẩm Trading desk, còn sản phẩm Trade cùng khách hàng có lãi 5.5 tỷ đồng.

Bản báo cáo cũng cho thấy, hàng tồn trên các tài khoản này dự kiến lỗ hơn 258 tỷ đồng. Khối môi giới SBS đã đề nghị ghi nhận khoản lỗ hoạt động kinh doanh của mình vào kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2011. Tuy nhiên, vấn đề này không làm ảnh hưởng đến sổ sách kế toán và trích dự phòng của SBS do đã ghi nhận một khoản lỗ tương ứng hàng tháng.

Trở lại hiện tại, Ban lãnh đạo đương nhiệm vẫn đang tích cực tìm hiểu và làm rõ những vấn đề tồn tại với SBS. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Sacombank, ông Lê Hùng Dũng - đại diện nhóm cổ đông lớn cho biết: "Nếu tình trạng thua lỗ của SBS là do khách quan biến động thị trường thì cổ đông cũng phải chia sẻ và chấp nhận, nếu có sai phạm nào khác sẽ báo cáo lại với cổ đông trong đại hội 2013".

Và cũng còn hơn 1 tháng nữa thì phần nào “bức màn” quá khứ hoạt động của SBS sẽ được vén lên khi đơn vị kiểm toán Ernst & Young công bố kết quả kiểm toán. Ernst & Young là đơn vị chưa từng thực hiện việc kiểm toán cho SBS, hiện đang thực hiện “kiểm toán soát xét đặc biệt” nhằm phân tích và đánh giá thực trạng tài chính của SBS trong 2 tháng.

Mặc dù chưa thể xác thực hoàn toàn những tài liệu có được từ cổ đông trên, tuy nhiên, sau con số lỗ khủng và hàng loạt những ý kiến của các bên về SBS, với vai trò quản lý và giám sát thì các đơn vị chức năng sẽ có những động thái gì để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là những cổ đông nhỏ lẻ!

Một vài thống kê cho thấy, biến động giá của cổ phiếu SBS không quá lớn trong giai đoạn từ 01/09 - 01/12/2010. Theo đó, cổ phiếu này chỉ tăng 2,700 đồng, tương đương 11.84%, từ 22,800 đồng lên 25,500 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Giao dịch bình quân mỗi phiên đạt vài chục ngàn đơn vị, phiên cao nhất đạt gần 260 ngàn đơn vị (12/10/2010). Tuy nhiên, SBS chỉ thực sự bứt phá trong 1 tháng cuối của năm 2010 khi tăng vọt 30%, tức 7,600 đồng lên trên 33,000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch mỗi phiên đều đạt từ vài trăm ngàn đơn vị trở lên. Phiên cao nhất đạt 665 ngàn đơn vị (28/12/2010). Và liên tục từ đó, cổ phiếu SBS trượt dài không có điểm dừng và hiện đang ngấp nghé trên mốc 3,000 đồng/cp.

Trong khi đó, mã DLG chạy một mạch từ 16,200 đồng lên 25,300 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) trong vòng 3 tháng kể từ 01/09/2010, tương ứng mức tăng 56% và giao dịch trên dưới 100 ngàn đơn vị mỗi phiên.

Cổ phiếu SCR kể từ khi niêm yết (9/11/2010) đến hết năm đó đã tăng giá hơn 20% từ 20,100 đồng lên 24,200 đồng/cp. Thanh khoản đạt khá cao, với bình quân vài trăm ngàn đơn vị mỗi phiên và cũng không ít phiên đạt cả triệu đơn vị.

Theo Minh An
Vietstock

phuongmai

Từ Khóa:
Trở lên trên