MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các hãng xếp hạng tín nhiệm có đáng tin?

29-07-2012 - 17:51 PM | Tài chính quốc tế

Các hãng xếp hạng tín nhiệm đã mắc những sai lầm lớn trong thời kỳ khủng hoảng 2008. Dẫu vậy, giờ đây, họ cũng không hề rút ra được bài học nào từ khủng hoảng. Mọi thứ lại quay trở về hiện trạng ban đầu.

Có vẻ như làm việc tại một công ty xếp hạng tín nhiệm là một điều tuyệt vời với mức lương đáng mơ ước đồng thời có thể cung cấp dịch vụ đem đến sự trung thực cho xã hội. Ngành tài chính cần các hãng xếp hạng tín nhiệm khẳng định chắc chắn xem một công ty hay một khoản đầu tư có an toàn hay không và liệt kê các rủi ro đi kèm với nó.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Các hãng xếp hạng tín nhiệm đã mắc những sai lầm lớn trong thời kỳ khủng hoảng 2008. Dẫu vậy, giờ đây, họ cũng không hề rút ra được bài học nào từ khủng hoảng. Mọi thứ lại quay trở về hiện trạng ban đầu.

Trở lại thời kỳ 2008, những khoản nợ dưới chuẩn được các ngân hàng 'nhét' vào các sản phẩm tài chính và bán chúng cho nhà đầu tư – những người tin tưởng rằng mình đang mua 1 thứ tài sản cực kỳ an toàn bởi chúng được xếp hạng AAA, có nghĩa là rủi ro đổ vỡ chỉ là 1%.  

Khi khủng hoảng xảy ra, các tổ chức xếp hạng ngay lập tức hạ bậc tín nhiệm của các sản phẩm này. Chúng bị hạ từ mức cao nhất (AAA) xuống mức thấp nhất (junk) chỉ trong vài ngày. Bạn có thể coi đây là một trò lừa đảo.

Giờ đây, đã 4 năm trôi qua, điều khó tin nhất đã xảy ra – chúng ta không học được bất cứ bài học nào. Tất cả đều giả vờ rằng mọi thứ đang ổn. Cách mà thị trường tài chính cư xử trước khủng hoảng giống như cách mà một người lái motor phản ứng với việc mình sắp bị tai nạn. Thị trường may mắn thoát khỏi thảm họa và phải chịu 1 cú sốc lớn sau khi nhận ra điều gì đáng lẽ đã xảy ra. Tuy nhiên, ngay sau đó, cuộc hành trình vẫn được tiếp tục, thảm họa đến nhưng mọi người đều cho rằng có lẽ mọi thứ không đến nỗi quá tồi tệ. Sự sợ hãi phai nhạt và thậm chí người ta còn quên hẳn những gì đã diễn ra.

Moody's và S&P là 2 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% thị phần. Họ to lớn, giàu có và đầy quyền lực. Theo sau là Fitch, hãng đang cố gắng giành giật thị phần và tăng trưởng. Cuối cùng, có rất nhiều các hãng xếp hạng qui mô nhỏ.

Cách đây khoảng 10 năm, hoạt động của các hãng xếp hạng tín nhiệm có sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt. Trước đó, Moody's được coi là một công ty im ắng, nhàm chán với các chuyên gia phân tích cần mẫn. Moody’s đã có sự thay đổi lớn, bị chi phối bởi khát vọng xếp hạng các công ty.

Hãy tưởng tượng bạn là một tổ chức xếp hạng và nhìn thấy sản phẩm mới đầy tiềm năng. Bạn nhận ra rằng, nếu bạn xếp hạng sản phẩm này, bạn cũng có thể xếp hạng các sản phẩm tương tự. Cứ như vậy, hàng nghìn sản phẩm được xếp hạng và bạn thu được khoản phí khổng lồ.

Sản phẩm thì tăng lên, nhưng các hãng lại cắt giảm chi phí tối đa với số lượng nhân viên được giảm xuống. Và như vậy, rõ ràng là chất lượng xếp hạng sẽ đi xuống bởi thời gian nghiên cứu về tình hình hoạt động cũng như kế hoạch kinh doanh của các công ty bị giảm đi rõ rệt.

Khi được hỏi về khủng hoảng, các hãng tín nhiệm thường lập luận rằng các ngân hàng đã thiết kế ra các sản phẩm tài chính phức tạp. Họ sẽ không thể hiểu được các sản phẩm này khi mà chính các ngân hàng cũng không hiểu.

Tuy nhiên, chính các hãng tín nhiệm đã sai. Với mỗi sản phẩm mới, các nhân viên xếp hạng tín nhiệm cần phải đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi như : “Liệu sản phẩm đã được kiểm tra kỹ lưỡng hay chưa? Chúng có thể thích ứng với rất cả các kịch bản kinh tế không? Chúng sẽ hoạt động như thế nào trong mỗi giai đoạn của chu trình phát triển kinh tế? Sản phẩm sẽ được cải tiến như thế nào qua thời gian? Sản phẩm sẽ như thế nào nếu phát triển thành bong bóng?

Vấn đề ở đây  lại thuộc về sự hạn chế trong nguồn nhân lực gồm những nhân viên thiếu kinh nghiệm. Do chi phí thuê nhân công thiếu kinh nghiệm thấp hơn rất nhiều so với thuê những người giàu kinh nghiệm nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo họ, nhân viên của các hãng xếp hạng tín nhiệm không có năng lực xuất sắc.

Đa số các sản phẩm rủi ro nhất được thiết kế bởi những những người còn non kinh nghiệm. Họ chưa bao giờ chứng kiến sự hoảng loạn của thị trường. Họ còn quá trẻ để biết được bộ mặt thật của thị trường, không thể nhìn ra rằng sản phẩm đang được sử dụng sai trái.

Thị trường tài chính vẫn đang tiếp tục phát triển và ngày càng có nhiều lĩnh vực mà ít người có thể am hiểu tường tận về chúng. Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm lại có quá ít chuyên gia. Cuối cùng thì, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã không thể đem đến sự trung thực cho thị trường mà thay vào đó là những sai lầm nghiêm trọng.

Minh Anh

huongnt

BI

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên