MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mạnh của Trung Quốc: Ai sợ Huawei ?

06-08-2012 - 13:31 PM | Tài chính quốc tế

Sự nổi lên của Huawei đang gieo rắc nỗi sợ hãi về vấn đề an ninh mạng cho cả thế giới. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đang bắt đầu có được những thắng lợi bước đầu trên thị trường toàn cầu. Huawei vừa vượt qua Ericsson để trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. 

Mặc dù rất nhiều người nước ngoài không thể phát âm đúng tên của Huawei (một số người thậm chí còn gọi là Hawaii), tập đoàn này đang ngày càng hùng mạnh hơn, có khả năng đối đầu với những “ông lớn” trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.  

Huawei chính là lá cờ đầu trong cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào các thị trường phương Tây. Trong giai đoạn khởi đầu, Ren Zhengfei, người sáng lập Huawei, cũng đã phải vật lộn rất vất vả đề giành giật thị phần ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, sau những năm phát triển như vũ bão, giờ đây Huawei không chỉ chiến thắng ở Trung Quốc mà còn vươn ra thế giới.

Ở châu Âu, hơn 1 nửa các thiết bị viễn thông 4G là do Huawei cung cấp. Đồng thời, Huawei cũng đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường điện thoại di động. Giá trị của gã khổng lồ này đã lên tới 32 tỷ USD với 140.000 nhân công và phục vụ khách hàng ở 140 nước.

Nỗi sợ hãi mang tên Huawei

Sự thành công của Huawei đáng được ngưỡng mộ, nhưng chính nó cũng gieo rắc sự sợ hãi cho cả thế giới chứ không chỉ cho các đối thủ cạnh tranh. 

Huawei được cho là có quan hệ quá chặt chẽ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Các nước phương Tây lo ngại rằng mạng lưới viễn thông mà Huawei đang xây dựng ở khắp nơi trên thế giới đang được sử dụng để theo dõi cả thế giới trong thời bình và sẽ ngay lập tức bị ngừng hoạt động nếu chiến tranh xảy ra. Giới quan sát nhận định Huawei chính là thứ vũ khí đẩy uy lực của Trung Quốc. 

Thậm chí, một vài nước đã đưa ra những phản ứng phòng vệ quyết liệt. Hồi đầu năm, Australia đã “cấm cửa” Huawei để tự xây dựng mạng viễn thông. Huawei cũng vấp phải nhiều khó khăn trong việc mở rộng hoạt động thương mại tại Ấn Độ. Trong khi đó, Mỹ đang tiến hành điều tra liệu Huawei có dính dáng đến những vụ tấn công của tin tặc xảy ra liên tiếp gần đây hay không. 

Các chính phủ phương Tây cũng đang nghi ngờ về các khoản vay lãi suất thấp và các khoản tài trợ xuất khẩu được cấp tràn lan cho các công ty trong đó có Huawei. Ủy ban châu Âu (EC) đang tiến hành các cuộc điều tra và nhiều người nghi ngờ Huawei nhận được sự trợ giúp lớn của chính phủ Trung Quốc để có thể thực hiện các hoạt động gián điệp. 
 
Thông thường, những lập luận chống lại các hàng hóa nhập khẩu phải được xem xét cẩn thận bởi rất có thể đây là công cụ để các nhà kinh tế tuân theo chủ nghĩa bảo hộ đánh bại các tập đoàn mới nổi có được sự phát triển vượt bậc. 

Tuy nhiên, lo lắng về an ninh trong lĩnh vực viễn thông vấn là điều hợp lý: những báo cáo gần đây cho thấy các hacker Trung Quốc đã cố gắng ăn cắp bí mật thương mại của các công ty phương Tây. Là 1 công ty tạo lập mạng lưới viễn thông, không có gì là khó khăn để Huawei có thể phát tán các phần mềm độc hại (malware) và ăn cắp các dữ liệu nhạy cảm.  

Đi tìm giải pháp 

Tuy nhiên, ngăn cấm Huawei tham gia vào các hợp đồng thương mại cũng thực sự là 1 sai lầm. Có 2 lí do giải thích cho điều này. Đầu tiên, những lợi ích mà nền kinh tế thu được từ sự cạnh tranh của Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung là rất lớn. Cuộc đua đang diễn ra góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đem lại của cải. Các sản phẩm có giá rẻ nhưng hiệu quả của Huawei là nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công của cuộc cách mạng viễn thông ở châu Phi.

Thứ 2, các nhà sản xuất Trung Quốc đã trở thành một phần không thể tách rời của chuỗi sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu. Nếu như Huawei hay ZTE – một hãng viễn thông lớn khác của Trung Quốc – bị cấm trong khi các hãng lớn khác như Alcatel-Lucent hay Ericsson được phép hoạt động tự do, các chính trị gia có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, vẫn không có gì có thể đảm bảo an toàn. 

Để giải quyết triệt để vấn đề này, giải pháp ở đây là các hoạt động phải được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các doanh nghiệp chứ không riêng gì các công ty Trung Quốc. Chính phủ nên qui định rõ ràng các điều kiện mà các công ty viễn thông cần phải có để hoạt động. Các thiết bị cũng cần được đảm bảo an toàn cho dù được sản xuất bởi bất cứ ai. Điều này có nghĩa là cần phải biết rõ nguồn gốc của phần cứng cũng như phần mềm và cần phải có 1 hệ thống kiểm tra chuỗi cung ứng sản phẩm. 

Chắc chắn là hệ thống kiểm tra gắt gao sẽ khiến chi phí bị đội lên, nhưng chi phí này vẫn thấp hơn rất nhiều so với những thiệt hại mà cách làm như hiện nay gây ra. Cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ khiến cạnh tranh bị bóp méo và giá cả tăng lên mà thôi. 

Huawei cũng có thể góp phần làm dịu nỗi lo của nhà đầu tư. Cấu trúc sở hữu không rõ ràng và văn hóa hay giấu giếm của Huawei đã phá hủy danh tiếng của chính nó. Huawei cần phải minh bạch và cởi mở hơn nữa. Niêm yết trên sàn chứng khoán có thể giải quyết được vấn đề này. 

Minh Anh

huongnt

Economist

Trở lên trên