MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả soát xét đặc biệt SBS: Đến 30/6/2012 vốn CSH âm 256 tỷ đồng, thuộc diện kiểm soát đặc biệt

SBS lên kế hoạch tái cấu trúc nguồn vốn bằng việc xin ý kiến cổ đông về việc gộp cổ phiếu theo một tỷ lệ thích hợp (dự kiến là 3,8:1) để đưa giá trị thực của cổ phiếu về bằng giá trị sổ sách.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài gòn Thương tín (SBS) công bố tình hình hoạt động và thực trạng tài chính tính đến thời điểm 30/06/2012t rên cơ sở Báo cáo soát xét đặc biệt của Công ty Kiểm toán Ernst & Young.

Theo đó:

· Tổng tài sản của SBS tại thời điểm 30/6/2012 đạt 1.480 tỷ đồng (trong đó tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 878,4 tỷ đồng)

· Tổng nợ phải trả: 1.736 tỷ đồng

· Vốn chủ sở hữu: - 256 tỷ đồng

· Lợi nhuận chưa phân phối (- 1.772) tỷ đồng

Tổng lỗ lũy kế đến thời điểm 30/06/2012 là 1.772 tỷ đồng, phát sinh chủ yếu do việc trích lập dự phòng bổ sung cho danh mục đầu tư và khoản phải thu trong các năm 2010 và 2011.

Nguyên nhân gây lỗ được xác định do cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó một số nguyên nhân chủ yếu là: nhận định sai lầm về xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán, danh mục đầu tư tài chính được duy trì tương đối lớn trong khi giá cổ phiếu liên tục biến động giảm, cơ chế giám sát yếu kém và sự buông lỏng kiểm soát rủi ro của Ban Lãnh đạo SBS trước đây.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, một số cá nhân là cán bộ và nhân viên cũ của SBS có dấu hiệu vi phạm các quy chế, quy định về giao dịch, báo cáo và công bố thông tin. Hiện nay, các vi phạm này đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Tình hình hoạt động hiện tại:

Hiện tại, SBS vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường. Khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đến thời điểm 30/6/2012 là 207,6 tỷ đồng và được gửi tại tài khoản chuyên biệt tại Sacombank.

SBS cam kết việc đảm bảo sự tách bạch và an toàn tài sản của tất cả các khách hàng, nhà đầu tư.

Các giải pháp khắc phục:

Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của SBS đã xây dựng Đề án tái cấu trúc toàn diện hoạt động của SBS hướng tới các mục tiêu sau:

Đảm bảo cho SBS đáp ứng đủ các điều kiện về vốn và tỷ lệ vốn khả dụng theo quy định hiện hành, đảm bảo cho SBS hoạt động bình thường;

Khắc phục triệt để các tồn tại và yếu kém trước đây, tạo nền tảng cho SBS hoạt động một cách an toàn, hiệu quả và bền vững;

Nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Biện pháp cấp bách hiện nay là việc tái cấu trúc nguồn vốn để đảm bảo 2 mục tiêu: (1) Khôi phục vốn điều lệ ở mức cao hơn vốn pháp định cần thiết; và (2) đảm bảo chỉ tiêu vốn khả dụng theo quy định hiện hành.

Việc tái cấu trúc nguồn vốn dự kiến sẽ được thực hiện theo hướng sau:

Bước 1: Đề nghị trái chủ thực hiện việc chuyển đổi 800 tỷ trái phiếu thành vốn cổ phần, theo tỷ lệ 1:1 để tăng cường vốn chủ sở hữu cho Sacombank-SBS;

Bước 2: Trình xin ý kiến của cổ đông về việc gộp cổ phiếu theo một tỷ lệ thích hợp (dự kiến là 3,8:1) để đưa giá trị thực của cổ phiếu về bằng giá trị sổ sách và phát hành cổ phiếu mới để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn khả dụng.

Việc thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nguồn vốn và khôi phục hoạt động của Sacombank-SBS cần phải có sự đồng thuận của các cổ đông, cũng như sự phê chuẩn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tái cấu trúc nguồn vốn, SBS sẽ thực hiện các giải pháp tái cấu trúc về tổ chức, vận hành và định hướng lại hoạt động kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu của đã đề ra. Kế hoạch tái cấu trúc của SBS sẽ được Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành xem xét cẩn trọng để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho cổ đông và cho Công ty trong bối cảnh hiện tại.

Với thực trạng tài chính hiện nay, SBS đã thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt và theo quy định hiện hành SBS có quỹ thời gian tối đa là 06 tháng để khôi phục các chỉ tiêu an toàn tài chính nhằm đảm bảo SBS trở lại hoạt động bình thường.

Do vậy, SBS mong muốn nhận được sự chia sẽ của cổ đông và sự quan tâm hỗ trợ của Cơ quan quản lý Nhà nước để Đề án Tái cấu trúc toàn diện hoạt động của SBS được triển khai thành công. Qua đó có thể tạo nên một giải pháp điển hình cho việc cải thiện bức tranh tài chính của thị trường nói chung và của các công ty niêm yết nói riêng.

Thiết nghĩ, với bối cảnh thị trường hiện nay, chúng ta nên chấp nhận một công ty chứng khoán có quy mô vốn hóa thấp hơn trước đây nhưng thật sự lành mạnh về tài chính nhằm đạt được mục tiêu: quyền lợi của Cổ đông, Nhà đầu tư được đảm bảo, sự lành mạnh của thị trường tài chính được duy trì và cải thiện hơn.

Thông tin này được đăng tải trên HoSEwebsite SBS

Trang 1, 2


phuongmai

SBS

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên