MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

''Quản lý hoạt động bán khống đang ở thế bí''

Bán khống là một dạng giao dịch dân sự và mang tính tự nguyện. Nếu như một trong các bên coi đây là giao dịch vô hiệu thì vẫn có thể kiện ra Tòa để yêu cầu giải quyết.

Tình trạng bán khống chứng khoán đang diễn ra khá công khai, là một thực trạng nhức nhối với cơ quan quản lý, nhưng lại rất khó để có đủ chứng cứ pháp lý ra quyết định xử phạt. Ông Trần Minh Hải – Luật sư về lĩnh vực tài chính – chứng khoán – ngân hàng (Công ty luật Basico) cho rằng: Có hai vấn đề ở đây gây ra sự khó khăn trong việc xử phạt ở đây:

Thứ nhất, các nhà đầu tư và Công ty chứng khoán đã tìm cách hợp thức hóa giao dịch bán khống chứng khoán của họ.

Do bán khống chứng khoán là một nhu cầu kinh doanh thực sự và được tiến hành trên thực tế để tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua dự đoán về sự tăng giảm giá chứng khoán, nên tất yếu các giao dịch bán khống chứng khoán sẽ vẫn diễn ra trên cơ sở hợp tác giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.

Để tránh các chỉ đạo ngăn cấm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, họ sẽ ẩn chứa nội dung bán khống chứng khoán ở những dạng hợp đồng, giao dịch với tên gọi khác, chẳng hạn như hợp đồng tư vấn mua bán chứng khoán mà bên tư vấn là nhà đầu tư thực sự, trong đó thể hiện nội dung họ tư vấn cho công ty chứng khoán nên bán một số lượng chứng khoán nào đó và mua lại vào một thời điểm xác định trên cơ sở phân định lời lỗ từ sự tư vấn…

Vậy nên, không dễ cho cơ quan quản lý Nhà nước quy kết ngay được đâu là giao dịch bán khống chứng khoán, mặc dù ai cũng hiểu hoạt động này diễn ra ngày càng công khai.

Thứ hai, khó là do chính cơ quan quản lý Nhà nước cũng ở thế bí.

Trước một nhu cầu kinh doanh có thực, cần có văn bản điều chỉnh nghiệp vụ tạo hành lang pháp lý để điều tiết thì luôn luôn là đòi hỏi chính đáng của thị trường với cơ quan quản lý hơn là việc ngăn cấm và xử lý sai phạm từ cơ quan này.

Không làm rõ được nội dung nghiệp vụ, giao dịch, không điều chỉnh được giới hạn kinh doanh mà chỉ ra những ngăn cấm nguyên tắc, thì chính việc này cũng đẩy cơ quan quản lý Nhà nước vào thế khó xử lý được các hoạt động bán khống chứng khoán.

Nếu không xử lý thì các giao dịch muôn hình vạn trạng ẩn chứa nội dung bán khống sẽ phát sinh nhiều, và có thể có hậu quả từ sự thiếu nguyên tắc giao dịch pháp lý, còn nếu xử phạt các loại giao dịch này, thì mang nặng tính quy chụp, không phù hợp với đặc tính thị trường chứng khoán.

Vậy hoạt động bán khống ở Việt Nam và một số nước trên thế giới có khác nhau nhiều không? Văn bản quy định của các nước đối với hoạt động này như thế nào?

Có sự khác nhau giữa Việt Nam và những nước có thị trường chứng khoán lâu đời, phát triển về hoạt độngbán khống chứng khoán.

Sự khác nhau nằm ở yếu tố kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm quản lý và điều này được thể hiện cuối cùng bằng những quy tắc điều chỉnh nghiệp vụ.

Những quy tắc này thường quy định rõ khái niệm thế nào là hoạt động bán khống chứng khoán (short selling), với nhiều loại hình bán khống chứng khoán thông thường và cả loại hình phái sinh với những tên gọi khác nhau.

Trong đó mỗi thể loại sẽ có quy tắc giao dịch riêng và tính ngắn hạn, dài hạn riêng.

Trong trường hợp, cơ quan quản lý phát hiện tình trạng bán khống và xử phạt thì trách nhiệm sẽ quy về cá nhân (nhà đầu tư) hay công ty chứng khoán?

Trường hợp này sẽ phải căn cứ vào chế tài quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Tuy nhiên, hiện nay bán khống chứng khoán chưa là hành vi vi phạm cụ thể quy định trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này.

Do vậy, nếu như có bị xử lý, thì chắc chỉ có công ty chứng khoán bị xử lý nhưng trên cơ sở xác định một lỗi khác nào đó.

Giả sử, nhà đầu tư cho phép CTCK sử dụng tài khoản của mình để thực hiện việc bán khống, khi tranh chấp xảy ra liệu họ có đòi được tiền của mình không khi mà đã có các văn bản ký với các CTCK trước đó?

Về nguyên tắc đây là một dạng giao dịch dân sự và mang tính chất tự nguyện, tự thỏa thuận.

Nếu như hồ sơ, tài liệu thể hiện nhà đầu tư đã tự mình xác lập giao dịch một cách tự nguyện, thì phải chịu trách nhiệm về các quyết định của chính mình.

Tuy nhiên, nếu như một trong các bên coi đây là giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, thì vẫn có thể kiện ra Tòa để yêu cầu giải quyết.

Trong trường hợp này, giải quyết hậu quả từ giao dịch vô hiệu là một vấn đề vô cùng phức tạp và xử lý ra sao lại do Tòa án quyết định.

Có ý kiến cho rằng, nếu bán khống là nhu cầu có thực của thị trường thì cơ quan quản lý nên hợp thức hóa quan hệ vay, mượn chứng khoán sẽ được tính đến khi thị trường phát triển ổn định hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi bán khống chứng khoán là một trong những dạng giao dịch tạo nên sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.

Nếu cho rằng hoạt động này đầy rủi ro, thì tôi thấy rằng nếu là rủi ro mất vốn do quyết định hoạt động đầu tư thì yếu tố này luôn gắn kèm với yếu tố lợi nhuận và là một phần tất yếu của các nghiệp vụ trên thị trường chứng khoán trong tất cả các nghiệp vụ chứ không của riêng bán khống chứng khoán.

Còn những rủi ro khác phát sinh, thì chủ yếu là phát sinh trong quan hệ giữa các bên giao dịch khi mà những khái niệm chưa được làm sáng tỏ, những giới hạn chưa được phân định rõ và những hậu quả chưa được thỏa thuận rõ ràng.

Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra quy định hướng dẫn làm rõ khái niệm bán khống chứng khoán ở Việt Nam, đưa ra các điều kiện triển khai nghiệp vụ, các hạn mức, giới hạn tham gia giao dịch bán khống.

Như vậy, thị trường chứng khoán mới có đủ các nghiệp vụ làm gia tăng tính hấp dẫn của nó.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên