MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GBS: Chấp nhận đền bù tất cả các khoản hủy lệnh của NĐT

Sau khi bị Trung tâm lưu ký hủy lệnh giao dịch ngày 05 và 06/9 do liên tục mất khả năng thanh toán, GBS đã lên phương án đền bù cho NĐT. Danh sách bị hủy lệnh có nhiều lệnh vài trăm nghìn cổ phiếu.

Đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ 10 ngày và hủy lệnh ngày 5,6/9

Ngày 7/9, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) có Quyết định 157 đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của CTCP Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam từ ngày 07/9 – 30/9/2012 do liên tiếp vi phạm hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.

Ngày 10/9, VSD tiếp tục ra Quyết định 158 đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của GBS từ ngày 11/9 đến ngày 20/9 trừ việc thanh toán giao dịch của các ngày 6,7 và 10/9 (ngày thanh toán là ngày 11,12 và 13/9).

Lý do là trong thời gian bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký GBS vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán tiền dẫn đến việc phải hủy thanh toán giao dịch, gây tổn thất cho khách hàng và gây nguy hại cho hệ thống thanh toán của VSD.

Giải trình về vấn đề này, GBS đã có công văn gửi lại UBCK Nhà nước và hai Sở giao dịch, theo đó, kết quả thanh toán bù từ ngày 31/8, 4 và 5/9 thì công ty thiếu tiền thanh toán bù trừ số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do NĐT chuyển tiền để thanh toán cho công ty chậm nên công ty chưa kịp chuyển tiền về tài khoản của VSD.

Đến ngày 7/9, VSD đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của công ty dẫn đến việc các NĐT thay đổi phương án nộp tiền cho công ty đồng thời do bị hủy giao dịch nên các NĐT không thực hiện được việc bán chứng khoán để có nguồn tiền hỗ trợ thanh toán.

Giao dịch 2 ngày 05 và 06/9 của GBS bị hủy lệnh do GBS mất khả năng thanh toán giao dịch sau khi VSD dã áp dụng các biện pháp theo quy định mà không thể khắc phục được. Theo Điều 12, Thông tư 43/2010 do Bộ Tài Chính ban hành, GBS phải có trách nhiệm đối với các tổn thất phát sinh cho khách hàng và thành viên có liên quan do giao dịch không được thanh toán. Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá mười phần trăm (10%) giá trị của giao dịch bị hủy thanh toán.

Sẵn sàng đền bù các khoản hủy lệnh cho NĐT

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Lê Quý Hòa, Tổng giám đốc GBS, ông Hòa cho biết hoạt động margin tại GBS hiện tại không lớn, các khoản cho vay của công ty giai đoạn này khoảng 170 tỷ đồng và việc mất khả năng thanh toán chỉ là sự việc nhất thời.

GBS chấp nhận đền bù tất cả các khoản hủy lệnh của NĐT tại công ty cũng như các CTCK khác. Ông Hòa cho biết các CTCK khác đã gửi thư về cho GBS và GBS đã có công văn phản hồi để đền bù cho NĐT theo luật (Thông tư 43 – không quá 10% giá trị giao dịch bị hủy thanh toán).

Ông Hòa cũng cho biết công ty mẹ đã gặp UBCK cam kết tiền NĐT không bị ảnh hưởng và các khoản nợ của công ty ở VN được bảo lãnh, không gây hại đến uy tín của Golden Brigde tại Việt Nam.

Về việc bị đình chỉ hoạt động thanh toán giao dịch trong 10 ngày từ ngày 11/9- 20/9, ông Hòa cho biết việc này có ảnh hưởng đến công ty, các khách hàng ở thời điểm hiện tại không đặt lệnh được nhưng trong giai đoạn thị trường lình xình như hiện nay, việc ngừng giao dịch 10 ngày có thể chấp nhận được. Còn đối với các khách hàng muốn chuyển sang công ty khác thì GBS có thể hỗ trợ. Điều băn khoăn nhất của ông Hòa đó là việc tổn hại đến túi tiền của NĐT.

Theo thống kê giao dịch phát sinh bị hủy tại GBS ngày 05/09 là 38,77 tỷ đồng, ngày 06/09 là 39 tỷ đồng, có khá nhiều lệnh lô lớn đặc biệt tại mã SVN, CTI, GBS và VNF.

Danh sách các lệnh hủy tại GBS ở sàn HoSe ngày 05/9



Danh sách các lệnh hủy tại GBS ở sàn Hà Nội ngày 05/9


Danh sách các lệnh hủy tại GBS ngày 06/9
Ý kiến của lãnh đạo VSD và UBCK

Trả lời báo ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh UBCK cho rằng nguyên nhân các CTCK bị mất khả năng thanh toán với VSD là do các công ty này cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán hoặc cho vay margin vượt quy định của Bộ Tài chính, trong khi quản trị rủi ro kém. Ông Sơn cho biết sắp tới sẽ có cuộc họp với Hiệp hội kinh doanh chứng khoán để xem xét cách giải quyết của các bên liên quan thế nào, tuy nhiên ông Sơn cho rằng vấn đề cốt yếu là phải từ ý thức của các CTCK.

Cũng theo báo DTCK, bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc VSD cho biết VSD đang xây dựng thêm các giải pháp mới theo thông lệ quốc tế, như cơ chế Đối tác bù trừ Trung tâm, cơ chế vay và cho vay chứng khoán, cơ chế mua vào tự động…

Phương Mai – Thu Hương – Khánh Linh


phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên