MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cay đắng" khi con đặc sản tắc đầu ra

21-09-2012 - 14:27 PM |

Thời gian gần đây, nhiều loại vật nuôi đặc sản (động vật quý hiếm) bị “tắc” đầu ra. Nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản vì nuôi những loại vật nuôi này.

Đặc sản thành… phá sản

Anh Nguyễn Văn Thành hiện là hộ nuôi nhím quy mô nhất xã Lâm Giang (huyện Văn Yên, Yên Bái) với 50 ô chuồng và gần 100 nhím con, nhím bố mẹ. Cách đây 3 năm, khi phong trào nuôi nhím phát triển rầm rộ ở khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương…, anh Thành đầu tư gần 200 triệu để nuôi. Những tưởng sau vài năm anh sẽ hốt bạc, nhưng bây giờ anh không bán được nhím.

“Nhím mấy chục triệu một đôi chỉ là bán nhím giống gây nuôi thôi; còn mua để ăn, chẳng ai dám bó từng ấy tiền để ăn cả. Giờ muốn bán 300.000 - 400.000 đồng/kg nhím cũng không có khách” – anh Thành chán nản.

Chỉ tính riêng tỉnh Bắc Giang đã có hàng trăm mô hình, trang trại nuôi con đặc sản, với số lượng hàng chục, thậm chí cả trăm con mỗi trang trại. Tuy nhiên, hiện đầu ra của hầu hét các con đặc sản đang tắc nghẽn. Hầu hết các chủ trang trại nuôi con đặc sản bán con giống là chính, số lượng bán thịt thương phẩm rất hạn chế. Từ đó dẫn tới tình trạng, những người đi đầu nuôi con đặc sản, thì có được một nguồn thu đáng kể do bán con giống, còn những người nuôi sau thì lâm vào cảnh không bán được thịt thương phẩm.

Không riêng nhím, nhiều loại đặc sản khác cũng đang lâm vào cảnh tắc đầu ra. Anh Nguyễn Văn Đề (thôn Quất, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, Bắc Giang), năm 2010 mua 400 con chim trĩ giống, với giá 120.000 đồng/con về nuôi. Là người đầu tiên nuôi trĩ nên anh trở thành đầu mối cung cấp chim giống chính ở đây. Nhưng hiện nay khi chim giống bão hòa, hàng trăm con chim đến kỳ xuất chuồng, nhưng anh vẫn phải nuôi tiếp, vì không bán được. “Giá chim trĩ thịt khoảng 400.000 đồng/kg, nên rất ít người mua” – anh Đề cho biết.

Đối với lợn rừng, nếu cách đây 2 năm, người nuôi còn bán được giá xấp xỉ 1 triệu đồng/kg, thì hiện giá nhiều chủ trại đưa ra chỉ còn chưa đến 300.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Thành Trung (thôn Lý 2, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang) là một trong những người đi đầu nuôi lợn rừng ở Tân Yên. Trang trại của anh lúc nhiều có tới 100 con lợn rừng/lứa. “Trong nhiều tháng trở lại đây, giá thịt lợn rừng đã liên tục giảm nhưng vẫn không thể bán được”- anh Trung nói.

Không phải “cuộc chơi” của số đông

“Cay đắng” nhất có lẽ là “bài học kinh nghiệm” từ con dế. Anh Nguyễn Văn Tuyên - chủ “nông trang kinh dị” tại xã Đông Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) nuôi từ kỳ đà, kỳ nhông, ốc sên, kiến đen, rết, bò cạp đến dế, chán nản nói: “Khi dế bắt đầu được nhân rộng, các đầu nậu đánh ô tô đi bán giống dế thu về tiền tỷ từ nông dân. Còn nông dân sau một thời gian nuôi, không bán đi đâu được. Dế đổ cho lợn, lợn cũng không ăn phải đốt, phải đào hố chôn”.

Theo anh Tuyên, đặc thù vật nuôi đặc sản là thị trường tiêu thụ rất hẹp. Như dế chỉ dành cho một số quán nhậu chuyên về món côn trùng; bò cạp hay rết chủ yếu bán cho các hiệu thuốc Đông y hay những người có thú ngâm rượu động vật. Vì thế, khi nhiều hộ nông dân nuôi sẽ khiến cung vượt cầu, từ đó dẫn đến dư thừa, thua lỗ. “Nuôi các con đặc sản quý hiếm là để tạo ra những mặt hàng độc, có thế mạnh khi cạnh tranh. Nếu nhiều hộ nuôi thì không còn tính cạnh tranh nữa”– anh Tuyên nói.

PGS - TS Hoàng Văn Tiệu - nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: “ Bộ NNPTNT cần khảo sát nhu cầu tiêu thụ các vật nuôi này của thị trường, từ đó đưa ra những dự báo, khuyến cáo cho nông dân”.

Ông Nguyễn Thế Huy – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến các mô hình nuôi con đặc sản đang có nguy cơ “chết yểu” là do người dân nuôi theo kiểu tự phát. Bên cạnh đó, do giá con giống bị một số đối tượng cơ hội đẩy giá lên quá cao, dẫn đến giá thành tăng gây khó khăn cho đầu ra”.

Vì thế, theo ông Huy, để phát triển ổn định con đặc sản, trước hết chúng ta phải “khống chế” được giá con giống, đồng thời cần nghiên cứu kỹ thị trường và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng cáo các sản phẩm từ con đặc sản. Trong đó phải đặc biệt chú ý đến sự hợp tác sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Đỗ Quang Tùng - Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, Nhà nước cần có những công cụ quản lý, điều tiết việc nuôi động vật hoang dã đặc sản này. “Bởi ngay như chúng tôi, hiện cũng không thể nắm được số lượng những con đặc sản là bao nhiêu để có các giải pháp hỗ trợ người dân” - ông Tùng nói.

Theo Sỹ Lực - Việt Tùng
Dân việt

hangnt

Trở lên trên