MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất đang ở đáy

28-09-2012 - 17:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Sự bứt phá trong một tháng qua đã làm cho giá vàng tăng 13% so với đầu năm, cao hơn lãi suất mà người gửi tiền đồng nhận được trong 9 tháng là 8 – 9%/năm nếu gửi kỳ hạn trên 1 năm.

“Ngân hàng đồng ý trả lãi suất 14%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền 50 tỷ đồng của chúng tôi”, chủ một doanh ngiệp cho biết. Ông không mừng vì được trả lãi cao, mà băn khoăn không biết vì sao ngân hàng lại chấp nhận như vậy. Lẽ nào ngân hàng đang thiếu thanh khoản?

Sau khi nhiều ngân hàng công khai lãi suất tiết kiệm 13%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng, thì việc lãi suất huy động nhảy thêm 1%/năm nữa cho các khoản tiền gửi lớn cũng không quá bất ngờ.

Một tổ chức tín dụng lý giải việc nâng lãi suất là do muốn cân đối với tỷ lệ vốn huy động trung, dài hạn so với ngắn hạn. Ngân hàng khác “bật mí” e ngại lạm phát sẽ tăng trở lại, nên lãi suất đón đầu. Dù là lý do gì thì lãi suát cũng khó mà xuống nữa và giới kinh doanh càng tin tưởng đáy của lãi suất đã hình thành.

Thực ra lãi suất đã chạm đáy vào tháng 8 khi bất chấp các áp lực hạ lãi suất thêm 1% của các doanh nghiệp và khuyến cáo của một số chuyên gia kinh tế, NHNN kiên quyết giữ trần huy động ở mức 9%/năm. Trong cuộc họp chính phủ cuối tháng 7, khi dự báo tăng trưởng tín dụng kể cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảy tháng đầu năm chỉ đạt 1,06% so với cuối năm ngoái, Thống đốc NHNN vẫn khẳng định ngay cả trong trường hợp có cơ hội giảm thêm, lãi suất cũng chỉ giảm nhỏ giọt 0,25%/năm mỗi lần.

NHNN tỏ ra thận trọng!

Theo một trong những kịch bản mục tiêu được NHNN chuẩn bị, tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 6%, lạm phát 6%, trong đó chỉ số CPI tháng 8 âm 0,15 – 2% và có thể tăng lên từ tháng 9; trần lãi suất huy động không thể thấp hơn 9%/năm, CPI tháng 9 tăng 2,2% so với tháng trước, NHNN sẽ thực sự thận trọng.

Định hướng chính sách tiền tệ, như phát biểu của Thống đốc trong một lần trả lời phỏng vấn TBKTSG rằng “Kiên quyết chống đô la hóa và vàng hóa, tạo ra và sử dụng các công cụ làm cho tiền đồng hấp dẫn. Trong số đó, lãi suất là công cụ đắc lực”.

Lãi suất nói một cách đơn giản là giá. Giá của đồng nội tệ so với vàng và đô la Mỹ liệu có hấp dẫn để người dân nắm giữ?

Chênh lệch lãi suất tiền đồng – đô la Mỹ vẫn đang là 7%/năm. Sự chênh lệch được củng cố bằng sự ổn định đã tương đối lâu của tỷ giá và con số dự trữ ngoại hối mới được công bố 23 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên so với vàng, đồng nội tệ lại không có được lợi thế như với đô la. Sự bứt phá trong một tháng qua của giá vàng đã làm cho vàng tăng giá 13% so với đầu năm, cao hơn lãi suất mà người gửi tiền đồng nhận được trong chín tháng là 8 – 9%/năm nếu gửi kỳ hạn trên 1 năm và 6,75% nếu gửi kỳ hạn ngắn. Tất nhiên, vàng còn những rủi ro khác như giá biến động thất thường mà người sở hữu phải tính đến.

Các ngân hàng rất tỉnh táo với giá vàng cũng như sự đầu cơ vàng đã từng diễn ra trong quá khứ và đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng lãi suất tiết kiệm gần đây.

Lãi suất huy động tăng là tạo một đòn cân chiến lược hợp lý để đưa sức mạnh tiền đồng về mức ngang ngửa với vàng. Hợp lý vì một số ngân hàng đang phải tháo gỡ vấn đề trạng thái vàng âm. Trong bản tin ngày 20/9/2012, công ty chứng khoán TPHCM, trích dẫn báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm có kiểm toán soát xét của Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết các khoản phải thu bằng vàng (thực chất là dư nợ cho vay vàng) của ngân hàng này đến 30/6/2012 lên tới 559.297 lượng. Dư nợ cho vay vàng ở ngân hàng khác như Eximbank, Sacombank, Việt Á…chắc chắn thấp hơn, từ vài chục đến cả trăm ngàn lượng mỗi ngân hàng.

Giới quan sát đã ngạc nhiên với dư nợ cho vay vàng toàn hệ thống như vậy, mà trong những ngày người dân rút tiền, kể cả vàng, chu ryếu ở ACB sau sự việc ông Nguyễn Đức Kiên, NHNN đã không đề cập tới việc cho nhập khẩu vàng. Nguồn lực can thiệp, nếu cần, để chống lưng cho ACB và các TCTD khác của NHNN ở đâu?

Ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập ACB cho biết, NHNN đã cho ngân hàng này vay 250.000 lượng vàng, tương đương 9,25 tấn để chi trả cho người dân trong những ngày đó. Số vàng này ACB chỉ sử dụng phần nhỏ.

NHNN lấy vàng ở đâu để hỗ trợ ACB nếu như không có dự trữ ngoại hối bằng vàng? Liệu có khả năng NHNN vay tạm vàng từ những doanh nghiệp, ngân hàng khác? Trong thời điểm ấy, các ngân hàng khác cũng phải dự trữ thanh khoản vàng để đảm bảo khả năng chi trả người gửi. Còn SJC – doanh nghiệp nhà nước kinh doanh vàng lớn nhất – không thể không dự trữ để đáp ứng nhu cầu mua bán cao hơn ngày thường của người dân.

Nếu Việt Nam có dự trữ ngoại hối bằng vàng và mức dự trữ đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết, thì điều hành chính sách tiền tệ đã có một điểm tựa mới. Nó sẽ cho thấy sự chủ động của cơ quan quản lý và chúng ta có căn cứ để tin tiền đồng tiếp tục giữ được ưu thế trên thị trường tài chính.

Theo Hải Lý

TBKTSG

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên