MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị lạm dụng tài khoản, nhà đầu tư… im lặng

“Đây là hậu quả của thời gian các công ty chứng khoán thi nhau mở rộng, cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng này ảnh hưởng đến các công ty chứng khoán khác, làm mất niềm tin của nhà đầu tư”.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, nhà đầu tư không chỉ đối diện với nỗi lo thua lỗ mà còn phải đối mặt với nguy cơ tài khoản mở tại công ty chứng khoán bị lạm dụng. Điều đáng nói, những vụ lạm dụng tài khoản ngày càng xảy ra trắng trợn do được tiếp tay bởi chính sự im lặng của các nạn nhân.

Bỗng nhiên nhận được trát phạt 40 triệu đồng của UBCK Nhà nước vì mua một lượng lớn cổ phiếu mà không công bố thông tin, thành viên Hội đồng quản trị của 1 doanh nghiệp niêm yết quá ngạc nhiên vì từ lúc mở tài khoản đến giờ ông chưa hề giao dịch lần nào. Khi đến công ty chứng khoán tìm hiểu thì câu trả lời dành cho ông là một tập sao kê dày vài trăm trang ghi chi tiết hàng trăm giao dịch mua bán cổ phiếu với tổng số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng. Trong số đó có cả những giao dịch mua vào hàng triệu cổ phiếu của DN mà ông đang là cổ đông nội bộ.
 
Đại diện chủ tài khoản cho biết: “Sau khi nhận thông báo bị phạt, chúng tôi đến tận công ty chứng khoán tìm hiểu và yêu cầu cung cấp sao kê thấy tổng lượng tiền giao dịch trong tài khoản của ông Kỳ lên tới 341 tỷ đồng. Chúng tôi xin khẳng định rằng, người của công ty chứng khoán đã tự ý giao dịch trên tài khoản ông Kỳ và còn có viện scan chữ ký. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Uỷ ban chứng khoán làm rõ vụ việc này”. 
                      
Trong trường hợp khác, cổ đông sáng lập 1 công ty chứng khoán đang niêm yết cho biết, khi đến công ty chứng khoán để lưu ký và bán số cổ phần mình đã góp vốn thì mới biết số cổ phần này đã không cánh mà bay.
 
Sao kê giao dịch thể hiện: Từ 2 năm trước, ai đó đã mạo danh chữ ký cổ đông này để lưu ký cổ phiếu bà đang sở hữu, mở tài khoản mang tên bà. Chỉ 2 ngày sau họ đã bán sạch số cổ phiếu này đi. Bản sao kê cũng ghi rõ, số tiền mười mấy tỷ đã được rút ra ngay sau đó. Khi sự việc vỡ lở, trong biên bản làm với nhà đầu tư, công ty chứng khoán cũng thừa nhận đã bán cổ phiếu mà không được sự đồng ý của cổ đông.
 
Cách đây không lâu, trên thị trường cũng lùm xùm vụ việc nhà đầu tư đến công ty chứng khoán đòi tiền gửi trong tài khoản. Tranh cãi một hồi, có nhà đầu tư đã được công ty trả tiền, nhưng vẫn còn hàng chục, hàng trăm nhà đầu khác chưa biết giờ nào mới rút được tiền ra.
 
Có thể thấy một điểm chung trong tất cả các vụ xâm phạm tài khoản là không nhà đầu tư nào dám làm to chuyện, họ sợ những người khác biết sẽ ồ ạt đến rút tiền và công ty chứng khoán sẽ không có tiền trả cho họ. Giải pháp là dọa dẫm đưa vụ việc ra công luận, ra cơ quan điều tra nhưng đồng thời lại giấu rất kín thông tin. Nếu công ty chứng khoán chịu đền bù thì họ cũng ỉm vụ việc đi luôn.
 
Ông Nguyễn Công Tuấn, công ty chứng khoán MB cho rằng: “Đây là hậu quả của thời gian các công ty chứng khoán thi nhau mở rộng, cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng này ảnh hưởng đến các công ty chứng khoán khác, làm mất niềm tin của nhà đầu tư”.  
               
Trong khi các nạn nhân cố gắng giấu kín vụ việc của mình vì những toan tính cá nhân, thì trên thị trường, hàng loạt các vụ lạm dụng tài khoản nhà đầu tư khác đã xảy ra. Lý do là vì các công ty chứng khoán vi phạm không bị răn đe, còn các nhà đầu tư trên thị trường thì lại không được cảnh báo.


Theo Lê Hương

VTV

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên