MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều kiện tăng trưởng của TTCK cuối năm: Vẫn phải phụ thuộc tình hình Ngân hàng!

Trên TTCK VN, giá cổ phiếu so với các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang so sánh sự hấp dẫn giữa các thị trường này.

Dù nhìn nhận khá lạc quan về thực tiễn nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào VN, nhưng ông Phạm Ngọc Bích - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng tổ chức CTCK Sài Gòn (SSI) lại giữ cái nhìn khá thận trọng về các quỹ đầu tư.

- Một trong những nhận định của ông gần đây là VN vẫn đang thu hút được nhiều vốn FDI. Vậy, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài - FII thì có diễn tiến thế nào, thưa ông?

Từ đầu năm 2012 đến giờ, dòng tiền của khối đầu tư nước ngoài đi đến các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Nam Mỹ thực tế đã có giảm nhiệt. Cụ thể mức giảm tới 25%.

Nguyên ngân chủ yếu là do khó khăn hiện tại của khối kinh tế khu vực Châu Âu với các quốc gia năng ngập trong nợ nần như: Hy Lạp, Tây Ban Nha. Riêng tại VN, dòng vốn đầu tư gián tiếp FII cũng có giảm nhưng không nhiều. Theo thống kê của SSI thì mức giảm khoảng 5%.

Một điều có thể nhìn thấy là những nhà đầu tư nước ngoài đã chọn vào VN thì đều có quan tâm và hy vọng VN sẽ phục hồi tăng trưởng tốt như trước đây. Trên TTCK VN, giá cổ phiếu so với các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang so sánh sự hấp dẫn giữa các thị trường này và họ đang đầu tư vào Thái Lan, Indonesia. Ngoài ra, hiện nay, họ còn được thu hút bởi thị trường Myanmar.

Ngay trong tháng 9, chúng tôi đã đón một nhóm nhà đầu tư nước ngoài sang thăm VN. Họ vừa thực hiện chuyến thăm Myamar, Srilanka và ngay sau khi thăm Việt Nam, họ sẽ đi Banglades.

Rõ ràng là các nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự so sánh giữa nước này với nước kia, thị trường này với thị trường kia. Nếu mình có tiến bộ nhưng chỉ là tiến bộ với chính mình mà không bằng các nước láng giềng thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn đầu tư sang bên cạnh.

- Ông có nhận xét gì về tác động của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF -Exchange traded fund)) đã hoạt động từ trước đến nay trên TTCK VN, và mới đây nữa là quỹ ETF của Ishare, quỹ iShare MSCI Frontier 100 Index với việc chọn chỉ 7 cổ phiếu tại VN vào rổ danh mục đầu tư của mình?

Quỹ IShare mới lập và thực thi đầu tư khoảng 20 nước, trong đó chiếm phần lớn giá trị đầu tư là các nước Pakistan, Nigeria... VN chỉ chiếm khoảng 2,5% giá trị đầu tư của quỹ, với khoảng 7 cổ phiếu, theo công bố lựa chọn đầu tiên. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ.

Chúng ta thử hình dung ban đầu quỹ này có số tiền khoảng 1 triệu USD, thì với tỷ lệ này, giá trị tiền giải ngân của quỹ vào VN sẽ chỉ là 300.000 USD. Mặc dù vậy trên thị trường tin đồn vẫn rất nhiều cho dù một IShare thuần túy VN thì vẫn chưa thực hiện giải ngân.

Theo chúng tôi biết, quỹ này đang kỳ vọng vào những thị trường phát triển hơn và nghe nói là cũng gặp vấn đề về thanh khoản, bởi hiện nay họ đang đầu tư vào khoảng 100 cổ phiếu có thanh khoản lớn/20 thị trường trong đó chỉ có 7 cổ phiếu của TTVN.

Ngoài ra, 2 quỹ ETF hiện đang hoạt động chính thức tại VN cũng thu hút được sự quan tâm của thị trường. Các CTCK thường xuyên cập nhật rổ danh mục cổ phiếu của họ và nhà đầu tư trên thị trường cũng theo dõi rất sát.

Những cổ phiếu nào được họ loại ra thì xuống giá và những cổ phiếu mới được vào rổ danh mục của họ cũng được NĐT trên thị trường săn đón.

- Ngoài những quỹ chính thức ETF đã có mặt ở VN như đã đề cập, ông có quan sát về dòng tiền và tính chất của dòng tiền “ngoại” trên thị trường?

Tại CTCK SSI chúng tôi có khoảng vài ngàn tài khoản cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài. Tính chất chung có thể nhận thấy là: Nhà đầu tư cá nhân thì thường cũng đầu cơ như nhà đầu tư VN; còn nhà đầu tư tổ chức thì có chiến lược dài hạn hơn.

Nhà đầu tư ngoại vẫn phải “canh” thanh khoản của thị trường để tham gia vào hoặc thoái vốn. Nhưng dòng tiền đầu tư lâu dài như quỹ hưu trí trên thế giới vào VN thì vẫn chưa có.

- Điều gì, ngoài sự biến động và thanh khoản của TTCK VN, khiến các nhà đầu tư nước ngoài thường quan ngại, thưa ông?

Điều họ lo lắng nhất là vấn đề tỉ giá. Thứ hai là sự hoạt động của hệ thống ngân hàng và các chính sách của Chính phủ. Các nhà đầu tư nước ngoài thường rất e ngại sự thay đổi chính sách.

Còn nếu nói một cách cụ thể trong từng giai đoạn thì vào năm ngoái, điều khiến các nhà đầu tư ngoại quan tâm nhất, lo lắng nhất là lạm phát của VN. Năm nay là vấn đề về hoạt động của ngân hàng. Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, điều kiện tăng trưởng của TTCK cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn là câu chuyện của hệ thống ngân hàng.

- Vậy nhà đầu tư nước ngoài hiện nay có đầu tư vào cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng và bất động sản hay không, thưa ông? Tỷ phú Warren Buffett ừng nói là “nên sợ hãi khi người ta tham lam và nên tham lam khi người ta sợ hãi”?

Chúng tôi vẫn thấy các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu ngành tiêu dùng, bán lẻ, nông nghiệp nhiều nhất. Tất nhiên, cũng sẽ có những người có quan điểm ngược lại. Điều đó phụ thuộc vào cá nhân cũng như đánh giá của từng tổ chức đầu tư. Nếu chỉ xem chừng để “bắt chước” hay “đi ngược” lại những chiến lược của họ cũng không phải là cách hay để tránh rủi ro đối với các nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên