MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng khó đạt kế hoạch lợi nhuận

15-10-2012 - 14:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến nay, nhiều NHTM chưa công bố kết quả kinh doanh quý III-2012 nhưng nhiều dự báo lợi nhuận sẽ không giữ được đà tăng như cùng kỳ năm ngoái.

Bởi lẽ, tăng trưởng tín dụng chậm chạp, nợ xấu gia tăng và doanh thu ở nhiều mảng kinh doanh khác chưa cải thiện, thậm chí bị lỗ nặng, là những rào cản các NHTM thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận.

Nguồn thu chính sụt giảm

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ đầm đìa, hơn ai hết các NHTM rất ngại công bố, cập nhật kết quả lợi nhuận hàng tháng, hàng quý cho nhà đầu tư và cổ đông. Thậm chí nhiều NHTM nhỏ đã giấu lợi nhuận.

Đến nay đã bước sang tháng 10 nhưng mới có duy nhất DongA Bank công khai lợi nhuận 9 tháng năm 2012 trong báo cáo chi trả cổ tức quý III cho cổ đông.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của NH đến tháng 9 là 1.042 tỷ đồng, hoàn thành 69,4% kế hoạch năm 2012.

Chỉ tiêu huy động vốn của NH tăng khá tốt, hoàn thành 91,55% kế hoạch cả năm, tổng dư nợ cuối kỳ đạt 47.728 tỷ đồng, tăng 1,19% so với tháng trước và đạt 94,33% kế hoạch năm. Tuy nhiên, nợ xấu của DongA Bank lại tăng 2,61% (tăng 0,1% so với tháng 8).

Dù không công bố con số cụ thể, nhưng Sacombank cũng cho biết kết thúc tháng 9 NH đã hoàn thành 60% trên kế hoạch lợi nhuận 3.400 tỷ đồng cả năm.

Lợi nhuận trước thuế Eximbank xây dựng cho cả năm là 4.600 tỷ đồng nhưng 8 tháng NH này đã đạt 2.800 tỷ đồng. Dù không chắc đạt 100% nhưng lãnh đạo NH cho biết sẽ nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra năm nay.

Dù mức lợi nhuận của nhiều NHTM được đánh giá khá nhưng cũng chỉ đạt 60-70% kế hoạch, không như mọi năm đến đầu quý VI đã có NH hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Đặc biệt, năm nay khối NHTMCP dự báo mức lợi nhuận khá khiêm tốn do các mảng kinh doanh chính là tín dụng tăng trưởng rất chậm, dù liên tiếp đưa ra các gói tín dụng lãi suất thấp.

Chỉ một số NHTM nhà nước hoặc NHTMCP có mức tăng trưởng khá do có những khoản vay liên quan đến các dự án của Chính phủ, còn hầu hết NHTMCP nhỏ có lợi nhuận rất khiêm tốn và giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Như trong báo cáo tài chính 6 tháng năm 2012 của KienLongbank, cho thấy lợi nhuận sau thuế hợp nhất soát xét đạt 174,7 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó các hoạt động dịch vụ và mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ. Đặc biệt, nợ xấu nhóm 3, 4, 5 của NH này đến ngày 30-6 đạt 2,73%.

Có thể thấy hiện nay 70-80% lợi nhuận của hầu hết NH vẫn đến từ tín dụng, vì thế tăng trưởng tín dụng thấp chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận. Nhiều NHTM ước lợi nhuận giảm mỗi tháng vài chục tỷ đồng.

Hoặc tỷ lệ cho vay trên huy động trên thị trường dân cư tại nhiều NHTM trước đây rất cao 80-100%, nhưng hiện nay chỉ khoảng 50-60%.

Trong khi hoạt động liên NH những tháng cuối năm vẫn èo uột với tỷ lệ giao dịch rất thấp do các NHTM thận trọng hơn trong xét duyệt cho vay theo Thông tư 21 của NHNN. Và để gia tăng mảng doanh thu chính, các NHTM buộc phải đẩy lãi suất cho vay xuống để gia tăng tín dụng, chấp nhận lấy tốc độ tăng trưởng bù lãi suất nhằm tạo đà cho tăng trưởng tín dụng những năm tới.

Chật vật nguồn thu khác

Theo một lãnh đạo NHTMCP, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng muốn tăng trưởng không dễ, bởi thời điểm này nhiều doanh nghiệp vay nợ chủ yếu để nuôi nợ, đảo nợ. Và như vậy, nếu không cẩn trọng, các NHTM tiếp tục gánh nợ xấu từ các NH khác.

Hiện nay, giải pháp được nhiều NHTM đẩy mạnh là mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, việc mua TPDN thời điểm này cũng rất rủi ro. Theo Nghị định 90 của Chính phủ về phát hành TPDN, doanh nghiệp chỉ có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm, có lãi của 1 năm trước năm phát hành, có báo cáo tài chính được kiểm toán, đủ điều kiện an toàn vốn…

Thực tế các điều kiện này chưa đảm bảo an toàn cho các NHTM mua trái phiếu, bởi chưa có quy định giám sát khoản tiền doanh nghiệp dùng làm gì sau khi phát hành trái phiếu. Do vậy các NHTM cũng khó phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Ngoài ra, dù TPDN đang có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi, lên đến 18-22%/năm và rất linh hoạt nhưng kỳ hạn dài, nên trong thời buổi khó khăn hiện nay nếu làm ăn khó khăn, rủi ro cho các NHTM cũng không nhỏ.

Bên cạnh đó, mảng kinh doanh vàng và ngoại tệ ở một số NHTM cũng đang gặp khó khăn. Thị trường ngoại tệ gần như không sóng cùng với trạng thái bị thu hẹp, đã khiến các NH không còn kiếm lợi nhuận “khủng” từ mảng này như trước đây, thậm chí có NH bị lỗ kinh doanh vàng cả hàng ngàn tỷ đồng. Để bù đắp lợi nhuận sút giảm, nhiều NHTM dù đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất nhưng tăng thu các loại phí quản lý tài khoản, giải ngân, quản lý tài sản bảo đảm…

Một biện pháp nữa được các NHTM áp dụng là kiến nghị NHNN cho phép các NH được thu phí rút tiền ATM nội mạng (cũng là nhằm khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt). Thực ra vấn đề này đã được các NHTM kiến nghị nhiều lần nhưng NHNN vẫn chưa chính thức cho phép.

Nhiều chuyên gia cho rằng nhiều NHTM đã đổ vốn đầu tư vào mảng dịch vụ ATM chưa thu hồi được lợi nhuận, nay đang phải gánh nặng chi phí lớn cho mảng dịch vụ này, góp phần làm mảng kinh doanh chính là tín dụng sụt giảm. Đó là lý do vì sao các NHTM tỏ ra sốt ruột trong việc thu phí dịch vụ ATM nội mạng.

Theo Thanh Như
SGĐTTC

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên