MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học chống tham nhũng từ Indonesia

Người dân Indonesia có lý do để vui mừng khi Quốc hội vừa quyết định chấm dứt các cuộc tranh luận về việc hạn chế quyền hành của Ủy ban Chống tham nhũng của nước này.

Ngày 16 và 17-10 vừa qua, tại Quảng Ninh, đã diễn ra hội thảo quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tại đây, bài học về công tác phòng, chống tham nhũng tại Indonesia đã được đề cập như một tham chiếu cả về khía cạnh thành công lẫn thất bại cho Việt Nam.

Người dân Indonesia có lý do để vui mừng khi Quốc hội vừa quyết định chấm dứt các cuộc tranh luận về việc hạn chế quyền hành của Ủy ban Chống tham nhũng của nước này. Sau gần một thập niên tồn tại, cơ quan này và hệ thống tòa án chống tham nhũng đi kèm với nó đã gây được niềm tin lớn nơi công chúng, mặc dù các mối nghi ngờ xung quanh nó vẫn chưa chấm dứt.

Đưa 68 nghị sĩ, 10 bộ trưởng… vào tù

Tham nhũng trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất tại Indonesia, đặc biệt sau thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Suharto, người chỉ chịu rời nhiệm sở vào năm 1998, sau 32 năm tại vị. Các nỗ lực nhằm giải cứu đất nước này khỏi nạn tham nhũng đã đạt được hiệu quả bước đầu vào năm 2002, khi Quốc hội thông qua đạo luật thành lập Ủy ban chống tham nhũng (KPK), cùng với thiết chế tòa án khu vực về tham nhũng.

Kể từ đó tới nay, KPK đã đưa tới 68 nghị sĩ, 10 bộ trưởng, hàng loạt cảnh sát và doanh nhân đầy thế lực của nước này vào tù. Ủy ban này hoạt động hiệu quả đến mức nó ngày càng bị cô lập bởi các cơ quan khác của chính quyền.

Thách thức quyền lực cảnh sát

Nếu hình dung rằng tham nhũng có mặt ở khắp mọi nơi trong chính quyền Indonesia và nhìn vào danh sách những người đã bị cơ quan này cho vào tù, người ta sẽ dễ hiểu tại sao nó lại đứng trước sức ép bị cô lập như vậy.

Về cơ bản, KPK cần sự hỗ trợ của cảnh sát và đã phối hợp với cảnh sát trong nhiều năm qua để khui ra hàng loạt vụ án tham nhũng. Tuy vậy, mối quan hệ này đã rạn vỡ nghiêm trọng khi KPK thách thức một cách mạnh mẽ quyền lực của chính hệ thống cảnh sát Indonesia. Cảnh sát trưởng Djoko Susilo đã phải ra trình diện trước KPK vào cuối tháng 9 vừa qua, với các cáo buộc đã nhận lại quả lên tới 21 triệu USD trong một chương trình mua sắm của lực lượng cảnh sát giao thông nước này năm 2010. Đây là quan chức cao cấp nhất của ngành cảnh sát Indonesia phải trình diện trước KPK.

Người dân Indonesia mang khẩu hiệu “Cứu KPK, cứu Indonesia” trong một cuộc biểu tình năm 2009.

Nỗ lực biến KPK thành con hổ không nanh

Ngay lập tức, một chiến dịch chống lại KPK đã được các đồng nghiệp của ông Djoko Susilo khởi động. 20 cảnh sát điều tra, vốn được biệt phái tới làm việc cho KPK bốn năm qua, đã bị cảnh sát quốc gia rút về. Đây là tổn thất về nhân lực rất lớn cho KPK, nếu như biết rằng họ chỉ có tổng cộng 78 cảnh sát điều tra để tiến hành các chiến dịch của mình. Phe đa số trong Quốc hội Indonesia cũng đã đề xuất một dự luật nhằm tước bớt quyền hành, mà thực chất là nhằm vô hiệu hóa KPK.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng tỏ ra không thực sự nỗ lực trong việc bảo vệ KPK. Là người đắc cử tổng thống hai lần vào các năm 2004 và 2009 nhờ các cam kết chống tham nhũng, ông cũng lại là một trong những người bị tổn thất chính trị lớn nhất đằng sau các chiến dịch của KPK. Chủ tịch Đảng Dân chủ và bộ trưởng Thể thao - Thanh niên, những đồng minh của ông, đều phải ngồi tù vì các cáo buộc tham nhũng. Nữ doanh nhân Hartati Murdaya, mạnh thường quân của đảng ông và ngay cả em rể của ông cũng không nằm ngoài tình trạng tương tự. Hơn ai hết, ông là người cảm thấy sức nóng ghê gớm nhất từ cuộc chiến chống tham nhũng do KPK tiến hành.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, KPK nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ phía quân đội. Một thỏa thuận được ký kết giữa hai bên, theo đó KPK có thể sử dụng một nhà tù quân sự để giam giữ các nghi phạm của mình. Mặc dù KPK phủ nhận đây là nỗ lực nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào hệ thống nhà tù của cảnh sát, người ta vẫn cho rằng đây là sự chuẩn bị để giam giữ Djoko Susilo. Dự luật về việc hạn chế quyền hành của KPK cũng đã thất bại vào ngày 17-10 vừa qua, khi nó chính thức bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự, sau các áp lực lớn từ các nhà vận động chống tham nhũng và các cuộc biểu tình của người dân nước này.

Tòa án đặc trách về tham nhũng

Các chiến dịch chống tham nhũng của KPK sẽ không thể giành được kết quả như vậy, nếu không có một tòa án đặc trách về tham nhũng được thiết lập. Đây là một tòa án đặt tại trung tâm Jakarta, vốn được phép thành lập trong cùng một đạo luật năm 2002 với KPK và trở thành công cụ rất hiệu quả để đưa các quan chức tham nhũng vào tù.

Cho đến năm 2009, 100% số các vụ án tham nhũng được KPK chuyển sang tòa án này đều được kết án và mức án tù trung bình mà các bị cáo nhận được là bốn năm. Con số này cao hơn hẳn so với tỉ lệ kết án chỉ 38% so với cùng kỳ của hệ thống tòa án thông thường. Sự ưu việt này của tòa án về tham nhũng có được do hệ thống chứng cứ rất đầy đủ do KPK cung cấp, cùng với các thẩm phán được tuyển chọn từ các học giả có uy tín hoặc những người không có lợi ích liên quan đến vụ án nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan.

Tương tự KPK, tòa án đặc trách về tham nhũng cũng đứng trước các nguy cơ bị xóa sổ bởi các nhóm lợi ích khác nhau. Trên thực tế, nó đã từng bị Tòa án Hiến pháp xóa bỏ vào năm 2006 với lý do không thể tồn tại hai hệ thống tòa án khác nhau trong cùng một hệ thống tư pháp. Nó chỉ trở lại vào năm 2009, sau khi một đạo luật khác được Quốc hội thông qua, buộc Tòa án Tối cao phải thiết lập lại các tòa án chuyên trách về tham nhũng. Tuy vậy, cũng phải đến năm 2011, việc thiết lập này mới được triển khai trên thực tế.

Đạo luật mới thiết lập ra các tòa án ở cấp tỉnh thay vì ở trung ương như trước đây và đặt nó vào một tình thế rất khó khăn về nhân sự. Họ chỉ có thể thành lập các hội đồng xét xử từ các thẩm phán của tòa án cấp quận thông thường, những người vốn dễ bị hoài nghi về năng lực và phẩm chất liêm khiết. Các thẩm phán này xét xử theo vụ việc và giải tán sau khi án được tuyên.

Cơ chế mới này đã ngay lập tức tỏ ra không hiệu quả bằng cơ chế trước đây. Chỉ trong hai năm kể từ ngày được thành lập trở lại đây, có đến 51 vụ án tham nhũng đã bị tuyên trắng án. Chính phủ ngay lập tức bị dư luận Indonesia cáo buộc rằng đã không nghiêm túc trong việc hỗ trợ các chiến dịch chống tham nhũng. Nghiêm trọng hơn, tháng 8 vừa qua, hai thẩm phán của tòa án đặc trách tham nhũng lại bị bắt vì tham nhũng. Các công tố viên cho rằng họ đã nhận hối lộ tới 10.500 USD nhằm làm sai lệch kết quả vụ án. Điều này đã khiến cho giới chức và người dân Indonesia mất niềm tin vào hệ thống tòa án này. Một lần nữa, nó lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Sự thất bại của mô hình tòa án khu vực về tham nhũng xuất phát từ những nhân sự kém và thiếu sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy vậy, một số nhà phân tích Indonesia vẫn cho rằng sự tồn tại của tòa án đặc trách về tham nhũng vẫn là cần thiết để đảm bảo được phần nào sự độc lập của các tòa án đối với loại tội phạm đặc biệt này tại Indonesia.

Đất nước “đèn đỏ” về tham nhũng

Một người Indonesia có thể chỉ mất vài giờ đi biển, vượt qua quãng đường không đầy 50 km để đến được nước láng giềng Singapore nhưng khoảng cách về tính minh bạch của chính quyền hai nước này lại không gần nhau đến thế. Nếu như Singapore luôn nằm trong nhóm năm nước có chính quyền trong sạch nhất thế giới thì Indonesia lại luôn thuộc về nhóm cầm "đèn đỏ". Năm 2011, họ xếp thứ 100/178 nước với số điểm rất thấp: 3/10 so với 9,2 của Singapore.

Theo Hoàng Thư

PhapluatTP.HCM

thanhhuong

Trở lên trên