MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng lực cạnh tranh: Nhìn vào sự “thụt lùi" của Việt Nam

Tại một cuộc Hội thảo tại Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam nhìn từ năng lực cạnh tranh,TS.Trần Đình Thiên đã rất tâm tư mà rằng:"Chúng ta đã thụt lùi so với chính mình".

"Thụt lùi so với chính mình"

Quả vậy, nhìn lại vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong 7 năm qua hầu như không cải thiện, kể cả sau khi nước ta gia nhập WTO năm 2007. Đặc biệt, năm 2012 vị trí của Việt Nam bị tụt 10 bậc so với năm 2011, mức tụt hạng lớn nhất từ trước đến nay của nước ta.

Xét trong khối ASEAN, trong những năm qua Việt Nam chỉ đứng trên Philippines và Campuchia (Lào và Myanmar cho đến nay không tham gia danh sách xếp hạng). Tuy nhiên năm 2012, Philippines lần đầu tiên vượt lên trên nước ta. Chính sự tụt hạng 10 bậc của Việt Nam trong năm 2012 trong khi Philippines tăng hạng 10 bậc đã dẫn đến sự đổi ngôi đáng buồn này đối với nước ta. Như vậy đến nay trong ASEAN, Việt Nam chỉ còn đứng trên Campuchia.

Song đáng lưu ý là, trong khi Việt Nam bị tụt từ thứ 64 năm 2006 xuống thứ 75 năm 2012, thì Campuchia đã thăng hạng mạnh mẽ từ thứ 106 lên 85 trong cùng thời kỳ.

Do vậy, từ vị trí nằm dưới Việt Nam 42 bậc năm 2006, năm 2012 Campuchia chỉ còn cách nước ta có 10 bậc. Nếu xu hướng vươn lên mạnh của Campuchia vẫn tiếp tục trong khi vị trí của Việt Nam không được cải thiện, nhiều khả năng Campuchia sẽ tiếp bước Philippines sớm vượt qua Việt Nam.

So sánh với nước láng giềng Trung Quốc có vị trí xếp hạng dao động trong dải từ 26 đến 35 trong những 7 năm qua, Việt Nam hiện nay xếp dưới rất xa (năm 2012 dưới 46 bậc). Sự chênh lệch lớn về xếp hạng năng lực cạnh tranh giữa 2 nước đã thể hiện trên thực tế là nhiều hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc ngay tại sân nhà.

Xét về nhóm nước phân theo giai đoạn phát triển, trong suốt 7 năm đánh giá vừa qua, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước giai đoạn 1, tức là nhóm thấp nhất trong 5 nhóm theo phân lọai của WEF, với động lực phát triển vẫn chỉ dựa chủ yếu vào các nhân tố sản xuất.

Thế nhưng, điều đáng buồn là, một số điểm được đánh giá là điểm mạnh của Việt Nam, giờ không được thừa nhận, thậm chí bị coi là điểm trừ. Điển hình là, yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô từng là điểm cộng cho Việt Nam, thì nay, chính những yếu tố này là một trong 6 trụ cột bị tụt hạng mạnh trong năm 2012.

Bảng 2: Các trụ cột năng lực cạnh tranh bị tụt hạng mạnh của Việt Nam năm 2012

Năm đánh giá

Môi trường KTVM

Thị trường hàng hóa

Thị trường tài chính

Mức độ sằn sàng tiếp nhận công nghệ

Mức độ tinh xảo của doanh nghiệp

Năng lực đổi mới công nghệ

2011-2012

65

75

73

79

87

66

2012-2013

106

91

88

98

100

81

Số bậc tụt

39

16

13

19

13

15

Nguồn: "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu" (WEF), các năm 2011 và 2012

Đi tìm nguyên nhân?

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, cần nhìn nhận rằng, bản thân nội tại của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề.

Nếu nhìn từ điểm trừ của môi trường kinh tế vĩ mô, cũng sẽ thấy vì sao chúng ta bị trừ? Những năm qua, do duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều rộng với năng suất lao động thấp, nên để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam buộc phải dựa chủ yếu vào chính sách mở rộng đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều đó đã dẫn đến hiệu quả và chất lưng tăng trưởng kinh tế ngày càng giảm sút trong khi các bất ổn kinh tế vĩ mô (lạm phát, bội chi ngân sách, nợ công, nhập siêu) có xu hướng ngày càng tăng.

Từ đầu năm 2011 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các biện pháp ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và đã đạt được các kết quả khả quan. Tuy nhiên, môi trường kinh tế vĩ mô vẫn được đánh giá là chưa ổn định một cách bền vững. Do đó, môi trường kinh tế vĩ mô bị tụt hạng mạnh (39 bậc).

Cùng với yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, Hiệu năng của thị trường hàng hóa năm 2012 cũng bị tụt 16 bậc trong bối cảnh tỷ lệ hàng tồn kho cao, hàng hóa tiêu thụ chậm.

Mức độ phát triển của thị trường tài chính cũng tụt 13 bậc trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng mạnh, tín dụng tăng trưởng rất thấp, hoạt động của hệ thống ngân hàng kém hiệu quả.

Các trụ cột thuộc nhóm nhân tố đổi mới và tinh xảo (mức độ tinh xảo của doanh nghiệp, năng lực đổi mới công nghệ) cũng tụt hạng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, các khoản đầu tư đổi mới công nghệ bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Làm gì để định vị lại vị trí của Việt Nam?

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) trên một diễn đàn gần đây đã cho biết, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đang quan ngại về việc Việt Nam đang mất dần lợi thế trước những đối thủ "đang lên" trong khu vực.

"Khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ giữa các nước thì ưu thế về thị trường, lao động... của Việt Nam sẽ trở nên mờ đi. Khi đó, nếu không có năng lực cạnh tranh thực sự, ngay cả những nhà đầu tư "thân thiết" với Việt Nam như Nhật Bản, EU cũng sẽ phải cân nhắc việc tìm bến đỗ mới", TS.Thành cảnh báo.

Vì thế, để lấy lại những điểm cộng trong mắt thế giới, cùng với việc định vị là nâng cao vị trí của Việt Nam trên bản đồ cạnh tranh toàn cầu, nhiều chuyên gia cho rằng: (1) Việt Nam cần tiếp tục xử lý 3 điểm nghẽn lớn của nền kinh tế Việt Nam là: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực (trụ cột 1, 2, 4, 5 của năng lực cạnh tranh quốc gia); (2) Kiên trì chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để tạo ổn định một cách bền vững cho môi trường kinh tế vĩ mô (trụ cột 3), từ đó tạo tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. (3) Đặc biệt, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc hoàn thiện cơ chế thị trường nhằm nâng cao hiệu năng của các thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính và mức độ tinh xảo của doanh nghiệp (trụ cột 6, 7, 8, 11).

Ngoài ra, Việt Nam phải chủ động tạo ra lợi thế so sánh động trên cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm (trụ cột 12).

Việt Nam được WEF đưa vào danh sách ngay từ lần đánh giá đầu tiên năm 2006. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn chỉ nằm trong nhóm các quốc gia có thứ hạng trung bình, dao động trong khoảng từ 59 đến 75.

                                                                                                                                               Trí An

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên