MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

240 triệu USD vốn ngoại chảy qua SSI, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng lạc quan về Việt Nam

Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng từ nay đến cuối năm không khác 6 tháng cuối năm ngoái, không còn cơn sốc tăng ào ào lên nữa, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.

Trả lời báo chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI ông Nguyễn Duy Hưng tiết lộ công ty quản lý quỹ SSIAM của SSI tuần trước vừa đóng quỹ 40 triệu USD huy động từ Daiwa, sau khi công ty quản lý quỹ này cũng tuyên bố tháng 6 tới sẽ đưa vào hoạt động Quỹ SSIAM UCITS – Vietnam Value Income and Growth Fund (VVIGF). Đây là một quỹ mở, đăng ký tại Luxembourg với vốn huy động dự kiến lên tới 200 triệu USD.

Ông Hưng cho biết quỹ của ông không huy động tiền về, đóng quỹ xong và giải ngân bằng mọi giá mà quỹ này giải ngân đến đâu đóng tiền đến đấy, hiện tiền đã về và có sẵn. Quỹ này không hạn chế đầu tư vào cổ phiếu niêm yết hay không niêm yết, nếu cổ phiếu chưa niêm yết phải có lộ trình niêm yết và cần đáp ứng các tiêu chí về PE và phát triển bền vững.

Nhà báo Phạm Oanh (báo ĐTCK): Trừ trường hợp của SSI, thực tế trên thị trường hiện nay một số quỹ đầu tư khó huy động vốn, dòng tiền mới không nhiều trên thị trường chứng khoán trong khi nhu cầu trái phiếu Chính phủ lại tăng rất nhanh, trong thời gian qua Chính phủ đã phát hành thành công gần 200.000 tỷ đồng trong khi cả năm 2015 các Dn trên TTCK chỉ huy động được 50.000 tỷ đồng, ông đánh giá điều này như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi vẫn cho rằng TTCK của ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, thực tế cho thấy bản thân các DN trên sàn nếu ai cần huy động vốn vẫn huy động được, nhất là các DN tốt. Câu chuyện cuối cùng là Dn đó có tạo được lòng tin cho nhà đầu tư để bỏ tiền vào hay không. Đây là thị trường nên không ai bắt ai mua, đó là sự lựa chọn khi người ta nhìn thấy trái phiếu Chính phủ hấp dẫn và an toàn hơn thì người ta đầu tư vào. Như SSI, chúng tôi có thể phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và các tổ chức đều chấp nhận.

Khối Ngân hàng đầu tư (investment banking) của SSI năm nay làm các thương vụ phát hành cho các doanh nghiệp lành mạnh đều thành công, kể cả các DN đã từng có một vài vấn đề xảy ra như AAA ngày xưa, nay họ chứng minh được họ làm bài bản thì khi họ phát hành các tổ chức đều mua trái phiếu của họ.

Nhà báo Đức Minh (TTXVN): Ông có cho rằng chính sách tài khóa chèn ép chính sách tiền tệ đã tác động đến TTCK không?

Ông Nguyễn Duy Hưng:Trong gia đình có chi tiêu của vợ, chồng con cái, trong quốc gia thì chi tiêu của Chính phủ, đầu tư công, tại sao NHTM mua TPCP vì TPCP là tiền, anh cầm TPCP vào ngân hàng thế chấp vẫn lấy tiền ra được để giữ tài sản trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, vấn đề sử dụng TPCP để chi tiêu như thế nào, trái phiếu đầu tư đi đâu mới là vấn đề đáng nói.

Khó khăn nhất bây giờ là tăng trưởng tín dụng đúng chỗ, người đủ điều kiện cho vay thì không cần vay nhưng người cần vay lại không đủ điều kiện nên TPCP vẫn được coi là an toàn nhất. Kinh doanh nguồn vốn không để cho vốn nghỉ, khi nào nguồn vốn chảy với tốc độ càng cao thì nền kinh tế càng khỏe mạnh.

Nhà báo: Anh nói nguồn vốn chảy với tốc độ càng cao thì nền kinh tế càng khỏe mạnh, vậy với diễn biến của TPCP hiện tại liệu dòng tiền chảy có đúng hướng không?

Ông Nguyễn Duy Hưng:Tôi đồng ý rằng nếu nhìn vào dòng chảy của TPCP không vui cho nền kinh tế nhưng nguyên nhân do ai thì không đúng, do khối DN sức khỏe và lòng tin không đủ lớn, nếu cho DN vay 12%/năm được cao hơn trái phiếu 6% thì mình phải hỏi lại tại sao ông lại làm mất lòng tin với người ta. Nếu tôi làm đều đặn được 12%/năm trả vốn vay chắc chắn sẽ được ngân hàng cho vay vốn thay vì phải mua TPCP.

Báo Sài Gòn đầu tư: Ông đánh giá thế nào về nền kinh tế từ nay đến cuối năm với các tác động từ khối thị trường như sửa Thông tư 36, 07 ảnh hưởng đến TTCK như thế nào? Chính phủ mới đã đưa ra nhiều thông điệp hỗ trợ doanh nghiệp, ông đánh giá tác động của việc này đến TTCK trong năm nay và trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Duy Hưng:Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm không khác 6 tháng cuối năm ngoái, không còn cơn sốc tăng ào ào lên nữa, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực. Với dòng vốn ngoại, thực tế cho thấy xu hướng nước ngoài mua ròng vẫn nhiều hơn bán ròng trừ một số trường hợp đặc biệt, tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không rút vốn đã là điều tốt rồi.

Các sự kiện có thể xảy ra trên thị trường như FED tăng lãi suất, Anh rời khỏi Eurozone, bầu cử Mỹ bất ổn…tôi cho rằng nếu ảnh hưởng sẽ chỉ ở mức ngắn hạn, còn về trung và dài hạn dòng tiền sẽ lại quay về khu vực an toàn nhất. Hiện tại các nhà phân tích thế giới cho rằng Châu Á trừ Trung Quốc sẽ là điểm sáng, thế giới xoay trục đều hướng về Đông Nam Á, sự lộn xộn gây tranh cãi đều giúp cho sự cạnh tranh của khu vực Đông Nam Á có nhiều lợi thế.

TTCK phát triển được cần phải minh bạch và tất cả những gì Chính phủ mới phát đi thông điệp thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng tính minh bạch. Tất nhiên đừng kỳ vọng hôm nay 3 điểm mai đã đạt 10 điểm, điều đó rất khó nhưng ngày mai được 5 điểm, ngày kia 7 điểm đã là rất tốt rồi. Khi người ta chấp nhận nền kinh tế thị trường và các nhà đầu tư hướng tới tính minh bạch thì tôi tin TTCK sẽ tốt hơn.

Thủ tướng nhiều lần nói rằng chúng ta phải phục vụ doanh nghiệp, thông điệp đấy gửi đi giúp cho môi trường kinh doanh phát triển, từ 1/7 Chính phủ cho phép các DN được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, công nhận việc tự do kinh doanh với doanh nhân rất quan trọng.

Nhu cầu của nhà đầu tư ngày càng tăng, NĐT mua cổ phiếu giá 20 kỳ vọng lên 22 nhưng khi cổ phiếu lên 22 họ lại muốn lên 24,25. Bất cứ cổ phiếu nào cũng vậy muốn lên phải có thời gian tích lũy, cảm nhận của tôi là mọi thứ đang tốt lên.

Xin cảm ơn ông.

Theo Phương Mai

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên