MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 năm nữa thu nhập bình quân ở nông thôn lên gần 50 triệu đồng

12-06-2017 - 16:28 PM | Xã hội

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016...

Đến năm 2020 thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Đây là thông tin được nêu tại kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết kế hoạch này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng này, làm cơ sở triển khai thực hiện từ năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.

Trước thềm phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội sẽ diễn ra sáng 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã gửi đến Quốc hội báo cáo về nhóm vấn đề đại biểu quan tâm.

Đó là: “Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững. Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản”.

Thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 là tốc độ tăng trưởng sản phẩm toàn ngành đạt tối thiểu 3%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm, tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 22%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.

Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. khoảng 1.800 trang trại được công nhận mỗi năm - Bộ trưởng thông tin thêm.

Như vậy, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn sẽ đạt khoảng 50 triệu đồng sau ba năm nữa (thu nhập bình quân năm 2015 là 24,4 triệu - PV).

Phần đánh giá tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu, mặc dù 4 năm qua, sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường, những tác động của hội nhập quốc tế, nhưng chủ trương cơ cấu lại đã được ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đang tạo được chuyển biến tích cực; góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của ngành và của cả nước. Tốc độ tăng GDP đạt bình quân 2,46%/năm; giá trị sản xuất tăng 2,73%/năm.

Năm 2016, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường biển nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng 1,36%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1,0 tỷ USD.

Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống của nông dân được tăng lên (thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016).

Ảnh hưởng nặng do sự cố môi trường biển

Về công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng sản lượng thủy sản năm 2016 đạt hơn 6,726 triệu tấn, tăng khoảng 18% so với năm 2012. Giá trị sản xuất giai đoạn 2013-2016 tăng trung bình 4,48%/năm, riêng năm 2016 chỉ tăng 2,91%.

Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ trưởng, là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2016 đạt 7,04 tỷ USD/năm, tăng 15,6% so với năm 2012.

Tính riêng hải sản, trữ lượng trung bình giai đoạn 2011-2015 của các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu gồm cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc... ở biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn (dao động từ 4,1 đến 4,6 triệu tấn, chưa bao gồm: nguồn lợi hải sản trong các hệ sinh thái vùng ven biển, nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng dốc thềm lục địa, vùng biển sâu từ 200m trở ra và các gò nổi).

So với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng nguồn lợi hải sản giảm khoảng 14% (trong đó: nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%, nhóm cá nổi nhỏ giảm 3,5%, nhóm cá nổi lớn giảm 10,8%). Áp lực khai thác lên quần đàn của một số loài hải sản chủ yếu hiện đang ở mức khá cao. Tình trạng khai thác các cá thể chưa đạt thành thục (cá con, mực con, tôm con...) vẫn còn diễn ra.

Mặc dù công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã từng bước được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, song theo người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện vẫn có tình trạng chưa kiểm soát được số lượng tàu thuyền, tình trạng khai thác bằng ngư cụ hủy diệt, chất nổ, xung điện, đánh bắt cá con, các loài đang trong thời kỳ sinh đẻ (mực, cá, ghẹ có trứng), môi trường gần bờ đang bị ô nhiễm đã và đang làm nguồn lợi hải sản bị tổn thương và suy giảm mạnh.

Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ chưa đủ tính răn đe, hệ thống thanh tra chuyên ngành thủy sản chưa được kiện toàn thì hệ thống văn bản pháp lý về bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa chưa thống nhất, chưa phù hợp và đặc biệt là vẫn thiếu chính sách hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, chính sách khuyến khích đầu tư cho các khu bảo tồn, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn còn rất ít.

Theo thống kê của ngành, hiện nay, trên toàn quốc có 110.950 tàu cá, sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn; trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, chiếm hơn 43,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tạo công ăn việc làm cho khoảng 650.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu lao động dịch vụ trên bờ.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên