MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ?

12-11-2019 - 11:54 AM | Tài chính quốc tế

Ba mươi năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức đã thống nhất và Chiến tranh Lạnh cũng đã kết thúc, nhưng thế giới ngày nay lại ngày càng trở nên bất ổn hơn.

Ngày 9/11, nước Đức đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ và thống nhất nước Đức. Buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao Đức và một số nước Đông Âu. Đây được coi là một trong những sự kiện dẫn tới kết thúc Chiến tranh Lạnh, cũng như thống nhất nước Đức vào năm 1990.

Theo báo cáo thường niên của chính phủ về tình hình thống nhất nước Đức, phát triển kinh tế ở các bang miền Đông so với các bang miền Tây đã tăng từ 43% năm 1990 lên 75% năm 2018.

Ông Christian Hirte, Cao ủy chính phủ phụ trách các công việc của miền Đông nước Đức thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel cho biết từ khi nước Đức thống nhất năm 1990, Chính phủ Đức đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều tiến bộ đưa các điều kiện sống của miền Đông xích lại gần hơn với miền Tây. Trong khi đó Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và phe cánh tả tỏ ra ít lạc quan hơn.

Báo cáo của chính phủ chỉ ra rằng tiền lương ở miền Đông lên tới mức bằng 84% tiền lương ở miền Tây. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của miền Đông năm 2018 tăng 1,6% - cao hơn mức tăng 1,4% ở miền Tây. Lương hưu ở miền Đông hiện ở mức 96,5% so với miền Tây. Báo cáo dự báo đến năm 2024, lương hưu ở hai miền Đông-Tây sẽ dần dần tăng lên ngang bằng nhau.

Tuy Bức tường Berlin sụp đổ, đường biên giới chia cắt hai miền đã bị xóa bỏ, nhưng theo đánh giá của giới truyền thông Đức đến nay trên thực tế vẫn chưa có sự thống nhất giữa những người dân sống ở Đông và Tây Đức.

Một cuộc khảo sát do Viện Kurber của Đức tiến hành hôm 25/9/2019, khi nước Đức chuẩn bị kỷ niệm sự kiện này cho thấy hầu hết người Đức ở miền Đông đều cảm thấy họ là công dân hạng hai gần ba thập kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, mặc dù về kinh tế họ gần với kinh tế của các bang miền Tây.

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ? - Ảnh 1.

Sự chênh lệch về tiền lương vẫn còn rõ rệt. Ở Đông Đức, mức lương được trả thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo các báo cáo và số liệu thống kê gần đây, ở bang Brandenburg là bang ở gần Thủ đô Berlin, tiền lương trung bình thấp hơn 20% so với các bang miền Tây. Tại các bang miền Đông, do cuộc sống khó khăn, nhiều thanh niên đã bỏ sang các bang miền Tây để tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn.

Tờ báo Der Spiegel trích dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) cho biết mức lương trung bình ở Tây Đức hiện nay là 3340 Euro và ở Đông Đức là 2790 Euro. Việc làm mới được tạo ra trong vòng 30 năm qua hầu hết là ở Tây Đức. Từ năm 2005 đến 2018, số việc làm ở Tây Đức tăng từ 33 triệu lên 38 triệu, trong khi đó ở các bang Đông Đức, nó chỉ tăng 300 nghìn, lên 5,9 triệu.

So với năm 1991, đến nay những người ở Đông Đức đã mất 800 ngàn việc làm. Các nhà kinh tế giải thích rằng, đây là kết quả của sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều này không phải hoàn toàn như vậy, vì toàn bộ các ngành công nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây đã bị hủy bỏ, thay vào đó là các công nghệ hiện đại có năng suất cao.

Theo báo cáo của Viện Kurber thì 57% dân số Đông Đức cảm thấy họ bị đối xử như những công dân hạng hai. Chỉ 38% những người được hỏi ở miền Đông, trong đó 20% người dưới 40 tuổi, tức là những người ít hiểu biết về Cộng hòa Dân chủ Đức, tin rằng sự thống nhất đã thành công.

Báo cáo trên cũng chỉ rõ sự không hài lòng của người dân đã được phản ánh trong kết quả khác biệt giữa hai miền Đông-Tây trong các cuộc bầu cử những năm gần đây. Báo cáo thừa nhận quá trình tái lập quan hệ giữa Đông và Tây vẫn chưa hoàn tất. Các cử tri miền Đông đang ngày càng xa rời đảng CDU bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel và đảng SPD liên minh của bà và ủng hộ đảng các đảng đối lập theo tư tưởng dân túy và cánh tả cho nước Đức.

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ? - Ảnh 2.

Bức tường Berlin được dỡ bỏ, Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người hy vọng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những gì xảy ra từ 1990 đến nay cho thấy một bức tranh trái ngược.

Lợi dụng sự tan rã của Liên Xô, các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và khối quân sự Warszawa, Mỹ và các nước phương Tây đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh lớn. Nổi bật nhất là cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991), cuộc tấn công Afghanistan (2001), cuộc chiến tranh Nam Tư (1991-2001), cuộc chiến chống Iraq (2003), cuộc chiến Libya (2011) và nhiều cuộc chiến tranh cục bộ khác.

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ? - Ảnh 3.

Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) tăng cường sức mạnh và mở rộng sang phía Đông. Mâu thuẫn Mỹ-Nga, Mỹ-Trung Quốc còn căng thẳng hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều bức tường khác đã được mọc lên để ngăn chặn dòng người nhập cư. Điển hình nhất là bức tường của Mỹ ngăn cách với Mexico có chiều dài 800 km, cao 9 mét, gấp 5,5 lần Bức tường Berlin.

Elizabeth Valet, nhà nghiên cứu tại Đại học Quebec ở Montreal của Canada, chuyên gia nổi tiếng thế giới về các vấn đề tường biên giới nói: "Hiện nay có 40.000 km tường trên thế giới, tương đương với chu vi trái đất. Trong 20 năm qua, các nước đã xây tổng cộng 71 bức tường với cấu trúc kiên cố". Đó là các bức tường ngăn cách giữa chính các quốc gia châu Âu : Hy lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria-Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary- Croatua-Serbia. Áo-Slovenia, Latvia-Nga, Estonia-Nga...

Bên cạnh các bức tường biên giới là một loạt các hàng rào thương mại do Mỹ và phương Tây dựng lên chống lại xu hướng toàn cầu hóa và các nguyên tắc tự do thương mại của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác.

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ? - Ảnh 4.

Nhân kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ và 29 năm thống nhất nước Đức, nhiều người vẫn còn luyến tiếc và hoài niệm về quá khứ. Nhiều người dân của Cộng hòa Dân chủ Đức nói: "Trong quá khứ, mọi thứ đều tốt hơn, chúng tôi không phải lo lắng gì về tương lai".

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ? - Ảnh 5.

Theo cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành năm mới đây ở Đức, 57% người dân Đông Đức tỏ luyến tiếc về cuộc sống dưới thời Cộng hòa Dân chủ Đức và cho rằng cuộc sống dưới thời cộng sản có nhiều điểm tích cực hơn.

Nhà sử học, nhà báo, nhà văn Nga Roy Medvedev mới đây viết trên tờ Rossiyskaya Gazeta: "Phần lớn dân số của Đông Đức cũ đã đi theo Đảng Cộng sản. Sau khi thống nhất nước Đức năm 1990, nhiều người mất việc làm, bị bỏ rơi không có kế sinh nhai. Tình hình này gây ra sự bất mãn lớn.

Cho đến nay, lương và lương hưu ở miền Đông nước Đức vẫn thấp hơn ở miền Tây. Người Đông Đức, ngay cả về tâm lý, có phần khác với người miền Tây. Tôi đã sống và làm việc một thời gian dài ở Berlin, đã tận mắt nhìn thấy sự khác biệt và tôi có thể nói chắc chắn rằng sự thống nhất thực sự của Đức vẫn chưa xảy ra".

Ông Egon Krenz, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Công nhân Thống nhất Đức (Cộng sản) trước khi Bức tường Berlin sụp đổ có tình cảm sâu đậm với nhân dân và lãnh đạo Việt Nam. Ngay sau khi ra tù năm 2005, nước đầu tiên ông chọn đến thăm là Việt Nam để gặp lại những người bạn cũ như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông rất ngưỡng mộ sự đứng vững và phát triển của Việt Nam sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Krenz nói, lúc đó ông hy vọng tiến hành một cuộc đổi mới Đảng, cải cách toàn diện đất nước, nhưng quá muộn. Ông được ra tù sớm hơn hai năm rưỡi do tòa án nói rõ rằng nhờ ông mà mùa thu 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu.

Trong tù, ông đã viết cuốn hồi ký ‘Mùa Thu nước Đức 1989" đã được xuất bản bằng tiếng Việt, trong đó ông viết: "Trong đời tôi không bao giờ phản bội quan điểm XHCN của mình. Trong 40 năm tồn tại, Cộng hòa Dân chủ Đức đã xóa bỏ được chế độ người bóc lột người. Mọi người dân đều được học hành, từ tiểu học tới đại học, tất cả đều miễn phí."

30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người dân Đông Đức vẫn luyến tiếc quá khứ: Rào cản vô hình không dễ gì xóa bỏ? - Ảnh 6.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai, người đã thu xếp chuyến thăm Việt Nam của ông Egon Krenz năm 2005. Ảnh do Đại sứ cung cấp

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Trí thức trẻ

Trở lên trên