MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

36 cơ quan đổi mới tuyển chọn lãnh đạo theo kết luận của Bộ Chính trị

20-07-2019 - 09:31 AM | Xã hội

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến nay đã có 36 cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó có 14 cơ quan trung ương và 22 địa phương.

Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng hoạt động của năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực nội vụ rà soát, đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, phải làm mạnh thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ, đảm bảo đạt 100% các đơn vị được kiểm tra trong năm 2019 và khắc phục các sai phạm trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tiến hành đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo kết luận số 202 của Bộ Chính trị.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, đến nay đã có 36 cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó có 14 cơ quan trung ương và 22 địa phương.

Cụ thể Các cơ quan trung ương gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính;Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Tòa án Nhân dân Tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Lào Cai; Hòa Bình; Sơn La; Quảng Ninh; Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Bình; Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đắk Lắk; Lâm Đồng; Bình Dương; Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Trà Vinh; Cần Thơ; Kiên Giang; Bến Tre.

Việc đổi mới đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng thể hiện qua hình thức thi tuyển. Hội đồng thi tuyển tổ chức thi viết và nghe thí sinh dự tuyển trình bày đề án với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn, chỉ ra nguyên nhân; đề xuất kế hoạch, giải pháp; trả lời các câu hỏi liên quan...

Mục đích của việc tổ chức thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng; góp phần thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các Bộ, ban, ngành, địa phương.


Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên