MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 bài học qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm

18-11-2017 - 16:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu Quốc hội đã chất vấn chánh án tòa án nhân dân tối cao về những bài học kinh nghiệm qua các đại án, chẳng hạn như vụ Hà Văn Thắm.

Sáng nay ngày 18/11, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Mở đầu phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 54 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn việc tinh giản biên chế của ngành toà án trong khi các vụ án tăng nhanh; đâu là giải pháp để ngành toà án vừa tinh giản biên chế và vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng xét xử. Bên cạnh đó, năm 2017 toà án xét xử nhiều đại án tham nhũng trong đó có vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, trong cuộc chiến không khoan nhượng với phòng, chống tham nhũng hiện nay, cử tri mong đợi nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Vậy bài học kinh nghiệm qua những vụ án như vụ Hà Văn Thăm là gì?.

Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết mặc dù chưa có tổng kết liên quan tới xét xử đại án Hà Văn Thăm, tuy nhiên dư luận đánh giá đây là vụ án công khai minh bạch, rất nghiêm khắc, bản án có phân hoá tội phạm.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, từ khi có Nghị quyết 01, sau năm 2013, các thẩm phán “rất ngại việc cho án treo đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng”, nhưng trong vụ án kinh tế lớn này, hội đồng xét xử đã tuyên đến 34 án treo. Đây là những người còn trẻ, mới ra trường, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ các tài sản phạm tội, đã khai báo thành khẩn, thậm chí là tự nguyện khắc phục hậu quả.

Cho nên mặc dù là đại án, nhưng dư luận đánh giá tòa đã rất nghiêm khắc với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đồng thời xét xử nhân đạo, nhân văn đối với những người làm công ăn lương, có một bản án cần thiết để phòng ngừa tội phạm, cảnh tỉnh, răn đe, và vẫn mở đường cho người vi phạm làm lại cuộc đời.

Chánh án cũng cho biết, có 4 bài học qua xét xử đại án này. Thứ nhất là xác định chính xác tội danh. Tại lần sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ yếu cầu kiểm sát truy tố đúng tội danh. Thứ hai là tranh tụng công khai minh bạch. Thứ ba là xét xử phân hoá, nghiêm khắc với người cầm đầu nhưng mở đường với những người làm công ăn lương. Thứ tư là cán bộ ngành toà án làm hết chức trách của mình, bản án cũng có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, xử lý cán bộ...

N.Toàn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên