MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

40 năm trông giữ đất, bị thu hồi không được đồng tiền công?

26-09-2016 - 14:29 PM | Bất động sản

Gần 40 năm gia đình bà Nguyễn Thị Gái sinh sống tại số 29J phố Phương Liệt (Thanh Xuân, TP.Hà Nội) bỏ công sức tôn tạo, trông nom mảnh đất để trồng rau cải thiện kinh tế và không có tranh chấp với ai. Tuy nhiên, gia đình bà Gái bỗng dưng bị mất trắng đất bởi một Thông báo của UBND phường Phương Liệt.

Báo Xây dựng nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Gái thường trú tại số 29J phố Phương Liệt (Thanh Xuân – TP. Hà Nội) phản ánh việc mảnh đất trồng rau của gia đình đã bỏ công sức tôn tạo và trông nom gần 40 năm nay, không có tranh chấp với ai, thế nhưng chính quyền phường Phương Liệt đã có thông báo thu hồi mảnh đất mà không xem xét đến quyền lợi ích hợp pháp của gia đình. Theo đơn trình bày, gia đình bà Nguyễn Thị Gái cùng các con ở tại số 6/31 phố Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội (địa chỉ mới: 29J mặt hồ Phương Liệt), gia đình bà đã sinh sống tại nơi này từ những năm 1972. Nhờ đức tính siêng năng chịu khó cùng với đó là nỗi lo kinh tế cho nhiều miệng ăn trong gia đình, bà Gái cùng chồng và các con đã khai hoang, bồi đắp một mảnh vườn gần 30m2 để trồng rau. Mảnh vườn này nằm ở vị trí cuối hồ thượng Phương Liệt, giáp với tường rào của Công ty Cơ điện Trần Phú.

Đến khoảng năm 2002 thành phố có quy hoạch cải tạo lại hồ Phương Liệt, mở rộng, làm đường ven hồ thì mảnh vườn của gia đình bà Gái cũng tiếp giáp với mặt đường, và được ví như mảnh đất “vàng”. Nhận thấy vị trí của mảnh vườn rất thuận tiện cho việc mở cổng cho dân làng vào miếu cụ Trạng nên gia đình bà Gái có tâm nguyện sử dụng và quản lý mảnh vườn đến khi nào thành phố có quyết định mở cổng vào miếu thì gia đình sẽ trao lại. Tuy nhiên, năm 2016, gia đình bà Gái vô cùng bất ngờ khi chính quyền phường ra thông báo thu hồi đất, không công nhận công sức gia đình đã dày công gây dựng bấy lâu nay.

Bà Nguyễn Thị Gái cho biết: “Gia đình tôi đã sinh sống ở địa phương từ năm 1972 đến nay. Quá trình sinh sống chúng tôi có khai hoang, bồi đắp mảnh vườn khoảng 30m2 tiếp giáp với thửa đất của gia đình đang sinh sống (tại địa chỉ phố Phương Liệt). Suốt quá trình canh tác, cải tạo chúng tôi không tranh chấp với ai, chưa bị bất cứ một cấp chính quyền nào xử phạt về hành vi lấn chiếm, vi phạm quy định về sử dụng đất. Việc sử dụng đất liên tục, ổn định đã được các hộ dân cư liền kề và ở địa phương xác nhận, làm chứng. Hàng năm gia đình tôi cũng sử dụng diện tích đất trên để trồng rau, cải thiện cuộc sống”.

Tìm hiểu được biết, ngày 29/8/2016 UBND phường Phương Liệt có văn bản thông báo số 410/TB-UBND về việc giải tỏa đối với thửa đất trên. Tại thông báo này, UBND phường Phương Liệt yêu cầu gia đình bà Gái “tự tháo dỡ phần rào chắn quây proximang, khung sắt tạm tại khu đất tiếp giáp khuôn viên quy hoạch miếu Cụ Trạng và di chuyển toàn bộ ra khỏi khu vực giải tỏa….”.

Ngày 01/09/2016 UBND phường Phương Liệt đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình trên diện tích đất gia đình đang sử dụng đồng thời tiến hành xây dựng bờ bao bằng tôn xung quanh, buộc gia đình bà Gái phải giao diện tích đất và không được phép tái sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng con gái bà Gái bức xúc: “Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi chưa nhận được bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào, chưa nhận được quyết định cưỡng chế hay thu hồi đất. Như vậy, gia đình tôi không có vi phạm liên quan đến việc sử dụng đất, nhưng UBND phường Phương Liệt lại ra thông báo giải tỏa là không có căn cứ. Việc tiến hành phải tháo dỡ công trình trên đất, ép gia đình tôi bàn giao đất mặt bằng mà không có quyết định thu hồi, quyết định xử phạt hành chính, không thông qua quy trình cưỡng chế vi phạm hành chính là vi phạm các quy định của luật đất đai 2013, Luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.

Nhằm đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình gia đình mình, gia đình bà Gái đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đồng thời ngược xuôi bổ sung giấy tờ xác nhận mảnh đất là công sức của gia đình bồi đắp.

Trong giấy xác nhận nguồn gốc đất của bà Gái, ông Nguyễn Gia Diêm là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phương Liệt đã xác nhận mảnh đất nhà bà Nguyễn Thị Gái trồng rau ở ven hồ thượng, nằm ngoài phần diện tích của Xí nghiệp Trần Phú và Xí nghiệp Trần Phú đã xây tường ngăn cách với diện tích trồng rau nhà bà Gái. Khi chính quyền thu hồi phải có chế độ đền bù.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Thư 85 tuổi sinh sống tại số nhà 80 ngõ 78 phố Phương Liệt khẳng định, mảnh đất trồng rau nhà bà Gái đã có từ lâu, khi chính quyền mở con đường quanh hồ thì mảnh đất trồng rau nhà bà gái đã có công bồi đắp trước khi con đường được cải tạo làm hồ sinh thái. Nay tôi xác nhận gia đình bà Gái có công bồi đắp và cải tạo mảnh vườn đó.

Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Gia Diêm cho biết: “ Khi tôi làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phương Liệt các hộ dân, không riêng gì gia đình Bà Gái đã ra khai phá, tôn tạo đất ven hồ Phương Liệt để sinh sống ổn định. Chiến tranh tàn phá miếu Cụ Trạng chỉ còn lại ngôi miếu nhỏ không ai quản lý. Sau này Xí nghiệp Cơ điện Trần Phú về đây sản xuất trên mảnh đất có miếu Cụ Trạng đã xây tường bao ngăn cách với phần đất nhà bà Gái cũng như mảnh đất bà Gái trồng rau. Sau này, vì tín ngưỡng thì Xí nghiệp cơ điện Trần Phú mới cho xây lại miếu Cụ Trạng như bây giờ. Tôi khẳng định, mảnh đất trồng rau là của nhà bà Gái đã có công tôn tạo lên chứ không phải đất miếu Cụ Trạng”.

Trước những căn cứ như vậy, nhưng phía cơ quan chức năng vẫn cho rằng gia đình bà không đủ giấy tờ chứng thực mảnh đất và không đưa ra hình thức xử lý hài hòa đảm bảo lợi ích cho người dân.

Nhằm xác minh rõ rằng, liệu gia đình bà Gái có thật sự bị thu hồi đất một cách vô lý hay đang có sự mờ ám, không minh bạch trong công tác thu hồi đất đai nơi đây, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liệt – Ông Vũ Văn Duy. Ông Duy khẳng định: “ thửa đất này trong sổ mục kê phường đang quản lý là thửa đất số 47 (1P), tờ bản đồ số: 5H-I-27 thể hiện là đất đường đi. Trong bản đồ đo vẽ năm 1994 được xác lập năm 1996 thửa đất này nằm 1 phần đất ở thửa 47. Năm 1992 phần diện tích này đã được quy hoạch trong khuôn viên miếu Cụ Trạng đã được UBND TP phê duyệt quy hoạch.

Bà Nguyễn Thị Gái cho biết: “ Gia đình luôn tuân thủ theo pháp luật. Nếu có quy hoạch khuôn viên miếu Cụ Trạng thì gia đình sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để trả lại đất, nhưng chính quyền phải có sự hỗ trợ cho gia đình công tôn tạo, trông nom gần 40 năm qua. Tuy nhiên, đến nay UBND phường Phương Liệt không cung cấp cho gia đình xem quy hoạch miếu Cụ Trạng mà đã cưỡng chế phần đất nhà tôi thì cần phải xem lại quy trình cưỡng chế?

Dư luận hoài nghi rằng, có hay không sự mờ ám, không minh bạch trong công tác quy hoạch và thu hồi đất của UBND phường Phương Liệt?

Báo Xây dựng đề nghị các cơ quan TP. Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân vào cuộc giải quyết kịp thời, chính xác nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

Theo Nhóm PV

Báo xây dựng

Trở lên trên