MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

41% mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế khó hoàn thành

Trong 59 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế có 25% dự kiến hoàn thành, 34% có khả năng hoàn thành và 41% mục tiêu khó hoàn thành...

Đó là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một báo cáo mới phát hành về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ sáu, dự kiến khai mạc ngày 22/10 tới.

Đánh giá chung, cơ quan báo cáo nhận định, việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện theo hướng giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, tăng đóng góp của khoa học công nghệ.

Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm đã đạt được một số kết quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các kênh phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Tốc độ trăng trưởng của các ngành kinh tế tiếp tục được cải thiện, dựa nhiều hơn vào năng suất lao động.

Về kết quả thực hiện cụ thể, với nhiều nội dung báo cáo đều phân ra mục tiêu định lượng và mục tiêu định tính với ba đánh giá: hoàn thành, cần giải pháp thúc đẩy hoàn thành, khả năng hoàn thành.

Mục tiêu về chất lượng tiến triển chậm

Bên cạnh đầu tư công, các tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp nhà nước cũng được xác định là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, những băn khoăn không chỉ về tiến độ mà còn về chất lượng của tái cơ cấu khu vực này thường xuyên được nêu tại diễn đàn Quốc hội.

Theo báo cáo, nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và các nghị quyết liên quan đã xác định 9 mục tiêu chính về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đến 2020.

Mục tiêu duy nhất đã hoàn thành là trong năm 2018, thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Hai mục tiêu được đánh giá khả năng hoàn thành, một là cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (đến 2020 còn 103 doanh nghiệp). Hai là thu về tối thiểu 250.000 tỷ đồng từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong 6 mục tiêu cần giải pháp thúc đẩy hoàn thành có xử lý dứt điểm các dự án doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Báo cáo nêu rõ, đề án xử lý 12 dự án thua lỗ đã được ban hành, tuy nhiên thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện.

Tương tự, mục tiêu nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng không nhận được đánh giá khả quan. Khi mà so với 2015, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 tăng 3,5%, trong khi tổng doanh thu giảm 1%, lợi nhuận trước thuế giảm 14%.

Các mục tiêu về chất lượng của quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, theo báo cáo, đang tiến triển chậm. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, chất lượng cổ phần hoá và thoái vốn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra...

Lãng phí, thất thoát chưa được giải quyết triệt để

Với tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết kết quả thực hiện đến nay có 1 mục tiêu dự kiến hoàn thành, 4 mục tiêu khả năng hoàn thành và 2 mục tiêu cần giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.

Các mục tiêu có khả năng hoàn thành chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công, cắt giảm cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, tình trạng lãng phí, thất thoát, chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được giải quyết triệt để.

Các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút được nguồn vốn nước ngoài và còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng, chưa phù hợp với định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đánh giá sơ bộ, mục tiêu tạo đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP cần giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.

Ở trọng tâm còn lại, tái cơ cấu tổ chức tín dụng có ba 3/6 mục tiêu cần giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Một là giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%. Hai là từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. Và ba là giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN - 4.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên