MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 bệnh gây ra cái chết bất thình lình trong lúc ngủ: Phải chữa trị ngay, phòng bất trắc

27-09-2018 - 22:16 PM | Sống

Có nhiều nguyên nhân khiến một người tử vong trong lúc đang ngủ nhưng dưới đây là 5 căn bệnh phổ biến mà bạn nên cảnh giác, để tránh cái chết bất thình lình vào lúc nửa đêm.

1. Chứng ngừng tim đột ngột

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ngừng tim đột ngột (hay ngưng tim đột ngột) là tình trạng mất chức năng tim xuất phát từ các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim… Hiện tượng này xảy ra khi nút xoang nhĩ, bộ phận tạo nhịp tim của cơ thể, bị tổn thương.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể tử vong ngay sau vài phút do lượng máu tới não giảm nhanh chóng. Nguy hiểm ở chỗ khoảng 50% nạn nhân không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trước khi xảy ra sự việc.

Năm 2010, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Manchester (Anh) đã tìm ra nguyên nhân tại sao mọi người thường bị đột tử do chứng ngừng tim đột ngột trong lúc ngủ.

Hiện tượng này xảy ra sau khi bệnh nhân bị mất ý thức đột ngột trong vòng 1 giờ kể từ khi có triệu chứng cấp tính. Điều này thường xảy ra vào ban đêm vì nhịp tim đập vào khoảng thời gian này chậm lại đáng kể.

 5 bệnh gây ra cái chết bất thình lình trong lúc ngủ: Phải chữa trị ngay, phòng bất trắc - Ảnh 1.

2. Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi thiếu máu cơ tim, lượng máu cung cấp cho tim giảm, vượt quá ngưỡng chịu đựng và làm áp đảo các cơ chế sửa chữa tế bào cơ có chức năng duy trì chức năng vận hành bình thường và cân bằng của tim.

Nếu thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu, mô cơ tim sẽ bị chết, gân nên cơn đau thắt ngực hay được gọi là nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người đang ngủ do không thể yêu cầu can thiệp y tế nhanh chóng và kịp thời.

3. Phình động mạch não

Phình động mạch não là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Chứng bệnh này có khuynh hướng xảy ra tại nơi giao nhau của các động mạch.

Theo thời gian, máu chảy gây áp lực tại chỗ đó và làm cho động mạnh dễ vỡ hơn. Hầu hết những người bị phình mạch không hề hay biết. Nhưng nếu động mạch phình to rồi vỡ có thể gây ra tổn thương não và đe dọa tính mạng.

 5 bệnh gây ra cái chết bất thình lình trong lúc ngủ: Phải chữa trị ngay, phòng bất trắc - Ảnh 2.

4. Ngưng thở khi ngủ trung ương

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý thường gặp hiện nay, có khả năng gây nguy hiểm và cả những biến chứng tử vong. Đó là một rối loạn trong đó thở liên tục dừng lại rồi lại bắt đầu trong khi ngủ.

Tuy nhiên, hội chứng này lại thường không được chẩn đoán, hầu hết bệnh nhân đều không biết mình đang bệnh vì hiện tượng ngưng thở chỉ xảy ra trong lúc ngủ.

Ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra vì não không gửi tín hiệu thích hợp đến các cơ kiểm soát hơi thở - không giống như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trong đó, thở không thể bình thường do tắc nghẽn đường hô hấp trên.

Lúc này, nếu não không đánh thức cơ thể, bệnh có khả năng gây chết người. Ngưng thở khi ngủ trung ương ít phổ biến hơn, chiếm ít hơn 5% các trường hợp ngưng thở khi ngủ.

5. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ (do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường về xương hàm). Đây là loại rối loạn ngừng thở phổ biến nhất.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nguy hiểm ở chỗ làm giảm đột ngột lượng oxy trong máu và dẫn đến ngưng tim đột ngột ở người có sẵn nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.

Trong giấc ngủ đêm, có tới 4% phụ nữ và 9% nam giới độ tuổi 30-60 bị ngừng thở đến hơn 30 lần (trung bình 5-10 lần/giờ).

Thời gian ngừng thở kéo dài khoảng 10 giây hoặc lâu hơn có thể khiến họ tử vong mà không ai biết. Y học hiện đại có nhiều cách khắc phục hội chứng nguy hiểm này.

Thông thường người bệnh sẽ không biết mình đang bị hội chứng bị ngưng thở khi ngủ. Người thân hay người ngủ chung giường thường sẽ là người đầu tiên phát hiện ra triệu chứng ngưng thở của bệnh nhân.

* Tổng hợp

Theo Hoàng Hương

Trí thức trẻ

Trở lên trên