MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 năm trước nói "làm công nghiệp phụ trợ thôi cũng đã là điều rất khó", giờ đây ông Võ Quang Huệ lại là người mở đường cho giấc mơ ô tô thương hiệu Việt

05-09-2017 - 14:23 PM | Doanh nghiệp

Cách đây 5 năm, khi làm Tổng giám đốc Bosch, ông Võ Quang Huệ cho rằng, Việt Nam sản xuất được linh kiện, phụ tùng cho ô tô cũng đã là giấc mơ rất khó, chứ chưa nói đến việc sản xuất ô tô. Thế nhưng, chỉ 5 năm sau, ông đã bị thuyết phục bởi Tập đoàn Vingroup và về đây xây dựng giấc mơ ô tô Việt Nam.

Ông Võ Quang Huệ sinh năm 1952 tại Điện Phong, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 1970, khi mới 18 tuổi, ông cũng như nhiều người khác ra nước ngoài học tập để sau này có thể quay về phát triển nước nhà.

"Thời ấy, chúng tôi đi du học chỉ đơn thuần với khát vọng tìm hiểu thế giới, khám phá thé giới, để mở mắt mình ra. Trong quá trình đi học ấy, sống ở một đất nước phát triển, hòa bình thì mong muốn của chúng tôi cũng là hòa bình cho đất nước Việt Nam", ông Võ Quang Huệ chia sẻ.

Ông Võ Quang Huệ sang Đức và có 2 bằng đại học tại đây, một là bằng kỹ sư về ô tô, học ở Koeln và sau đó là bằng về máy động cơ nổ, học ở Achen.

Từ năm 1980, ông Huệ đầu quân cho Tập đoàn BMW. Đến năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện Tập đoàn BMW tại Ai Cập. Trong giai đoạn này, bản thân ông Huệ cũng bắt đầu có những ý định sẽ về Việt Nam làm việc.

Và rồi, sau 6 năm làm việc tại Ai Cập, tình cờ trong một chuyến bay từ Ai Cập về Singapore năm 2006, ông gặp người quản lý của Tập đoàn Robert Bosch đang đi tìm hướng mở rộng thị trường ở Châu Á. Phía Bosch nhanh chóng đặt lời mời và ông Võ Quang Huệ cũng đồng ý, đánh dấu sự hợp tác tạo nên nhà máy công nghệ cao Robert Bosch tại Việt Nam. "Thời điểm Bosch lựa chọn tôi để xây dựng dự án tại Việt Nam là giây phút tôi cảm thấy rất hạnh phúc", ông Huệ chia sẻ.

Trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để thành lập công ty, ông Huệ được Bosch giao đảm nhận vị trí Giám đốc phòng thu mua, trưởng văn phòng đại diện của Bosch tại TPHCM.

Đến tháng 2/2008, khi Công ty Robert Bosch Việt Nam chính thức được thành lập, ông Huệ được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và đồng thời là thành viên trong Hội đồng thành viên Công ty Robert Bosch Engineering and Business Solutions Việt Nam.

Dưới thời ông Võ Quang Huệ, Bosch Việt Nam từ một văn phòng đại diện ở TPHCM đã phát triển nhanh chóng và có 3.100 nhân sự, trở thành một trong những nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất hoạt động trên cả 4 lĩnh vực bao gồm: Nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Năm 2016, Bosch đạt doanh thu hợp nhất gần 100 triệu USD, tăng trưởng 40% so với năm 2015.

Theo đuổi ước mơ, từ công nghiệp phụ trợ đến sản xuất ô tô thương hiệu Việt

Cách đây 5 năm, khi còn là Tổng giám đốc Bosch, ông Võ Quang Huệ đã từng nhận định về ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Khi đó, theo ông Huệ, ngành công nghiệp ô tô có sản xuất ô tô và sản xuất các linh kiện phụ trợ cho ô tô và Việt Nam nên có cái nhìn thực tế, rằng để sản xuất công nghiệp phụ trợ và đáp ứng được cho thế giới cũng đã là một giấc mơ rất khó.

"Còn nếu muốn sản xuất ô tô, chúng ta cần quy mô sản xuất với số lượng rất lớn, mới có thể đảm bảo về chất lượng và giá thành. Nếu Việt Nam ta theo đuổi mong ước sản xuất ô tô, thì cần những doanh nghiệp lớn, với năng lực sản xuất vài trăm nghìn chiếc xe mỗi năm", ông Huệ nói.

Nói là khó, nhưng chỉ 5 năm sau, ông Võ Quang Huệ đã bị thuyết phục bởi tập đoàn Vingroup. Ngày 2/9 vừa qua, công ty Vinfast, công ty con của Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).

Mục tiêu của VinFast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, với công suất lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Con số hàng trăm nghìn xe đúng với những gì ông Huệ nhận định, rằng phải làm lớn mới đảm bảo được chất lượng và giá thành. Ông Huệ sẽ làm Phó Tổng giám đốc Vingroup, phụ trách dự án VinFast.

Trên trang cá nhân của mình, ông Huệ nói: "Tôi thực sự tin tưởng rằng, việc gia nhập Vinfast sẽ là một bước đi thú vị để tiếp tục ước mơ của tôi, ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN hôm nay và nhiều năm sau nữa."

Về VinFast, ông Huệ chắc chắn sẽ áp dụng quy trình tiêu chuẩn châu Âu vào hệ thống sản xuất. Ông Huệ cho biết, trong sản xuất công nghiệp, tất cả làm việc theo quy trình. Ở Bosch Việt Nam, quy trình làm việc cũng chuẩn mực như ở tất cả các công ty Bosch trên toàn thế giới.

"Việc đầu tiên người lãnh đạo phải làm, là xây dựng những quy trình chuẩn cho doanh nghiệp. Khi có quy trình chuẩn, mọi việc sẽ rất thoải mái, ai cũng biết được mình phải làm gì trước, làm gì sau. Ngoài ra, trong những tập đoàn lớn, luôn có các ban kiểm soát để xem quy trình chuẩn đó có được thực hiện hay không", ông Huệ nói.

Theo Hà My

Trí thức trẻ

Trở lên trên