MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 sự kiện gây "chấn động" làng bất động sản TP.HCM trong năm 2017

29-12-2017 - 10:35 AM | Bất động sản

Năm 2017 chỉ còn vài ngày nữa là khép lại để mở đầu cho một năm mới hứa hẹn sẽ chứng kiến một đợt tăng trưởng mới cho thị trường địa ốc, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, nhìn lại thị trường suốt năm 2017, nhất là khu vực TP.HCM đã trải qua một loạt thông tin gây "choáng" cho người mua nhà và giới đầu tư, nhất là cơn sốt giá nhà đất có lúc đã lên đến đỉnh điểm tại nhiều nơi.

Để làm siêu dự án gần 3 tỷ USD, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển đề xuất đổi 5% đất TP.HCM

Vị trí bắt đầu tuyến đường xen sông Sài Gòn do tập đoàn Tuần Châu đề xuất, từ Bến Bạch Đăng (quận 1), kéo dài đến huyện Củ Chi.

Vị trí bắt đầu tuyến đường xen sông Sài Gòn do tập đoàn Tuần Châu đề xuất, từ Bến Bạch Đăng (quận 1), kéo dài đến huyện Củ Chi.

Bước vào những tháng đầu năm 2017, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh thuộc tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD) theo hình thức hợp đồng BT.

Theo giới thiệu của tập đoàn này, siêu dự án đại lộ ven sông có điểm đầu từ ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Quận 1) chạy dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là cầu Bến Súc (Củ Chi). Tuyến đường dài khoảng 63km, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Thạnh, quận 1. Theo tính toán của nhà đầu tư, khi đại lộ ven sông hoàn thành (sau 18 tháng triển khai), dự án sẽ tạo điểm nhấn cho TP.HCM nếu được thực hiện.

Tập đoàn Tuần Châu kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án. Cụ thể, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện công tác GPMB, chi phí tư vấn, xây lắp và chi phí dự phòng dự án. Ước tính, tổng các chi phí này lên tới 57.568 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay của dự án ước tính 5.932 tỷ đồng.

Nếu siêu dự án đại lộ ven sông được duyệt, theo đề xuất của tập đoàn này, dự kiến sử dụng quỹ đất khoảng 12.398 ha, gồm cả quỹ đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư, tương ứng với khoạng 5% quỹ đất của TP.HCM.

Sốt đất "ảo" lan rộng trên toàn TP.HCM do chạy theo "chúa đảo"

Ngay sau khi thông tin về các dự án của tập đoàn Tuần Châu đề xuất làm tại TP.HCM bị tiết lộ, lập tức giá đất tại Cần Giờ thiết lập một mức mới, khá cao so với thực tế.

Ngay sau khi thông tin về các dự án của tập đoàn Tuần Châu đề xuất làm tại TP.HCM bị "tiết lộ", lập tức giá đất tại Cần Giờ thiết lập một mức mới, khá cao so với thực tế.

Cơn sốt đất nền tại TP.HCM bắt đầu từ hồi cuối tháng 12/2016, khi thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển hóa, trong đó phân khúc chung cư có dấu hiệu chững lại, còn phân khúc đất nền tạo nên cơn sốt. Bắt nguồn của việc “nóng sốt” này đến từ thông tin TP.HCM sẽ xây dựng cây cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) qua huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), cầu Cần Giờ...

Sau đó, khoảng tháng 2/2017, thông tin về việc TP.HCM ủng hộ đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu xây dựng dự án thành phố Mới (New City) và Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi với quận 1) bắt đầu xuất hiện.

Mặc dù chỉ là đề xuất và chính quyền TP.HCM vẫn chưa chấp thuận đề án này, song thông tin này ngay lập tức kéo theo một cơn sốt đất mới tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và dọc theo khu vực triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư, cò đất kéo tấp nập về đây "tung chiêu" quảng bá, câu khách các kiểu khiến giá đất biến động mạnh.

Tới tháng 5/2017, giá đất nền tiếp tục tăng và lan rộng tới đảo Cần Giờ, các khu đất rộng hơn 1.000m2 tại huyện này đã tăng đến 20%, các vị trí càng gần trung tâm thị trấn huyện, giá tăng khoảng 40-60%. Giá đất tại khu vực nằm sát những dự án lớn đang triển khai xây dựng ở ven biển cũng đã tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2016.

Sau nửa năm bùng phát, đến tháng 6/2017, cơn sốt đất nền ở TP.HCM tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được hạ nhiệt kịp thời nhờ có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của chính quyền TP.HCM và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng, các quận huyện và của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Nhà đất khu Đông Sài Gòn liên tiếp lên "Cơn sốt" nhờ TP.HCM đầu tư hàng loạt dự án giao thông lớn

Theo dự báo của Savills Việt Nam, trong năm 2018 sắp tới, nguồn cung nhà ở tại khu Đông chiếm hơn 50% toàn thị trường TP.HCM nhờ ăn theo hạ tầng giao thông.

Theo dự báo của Savills Việt Nam, trong năm 2018 sắp tới, nguồn cung nhà ở tại khu Đông chiếm hơn 50% toàn thị trường TP.HCM nhờ "ăn theo" hạ tầng giao thông.

Tại khu Đông, các dự án hạ tầng chiếm tới 70%/ tổng nguồn vốn 350.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020. Với hàng loạt dự án hạ tầng lớn như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nút giao thông An Phú, cầu Rạch Chiếc 2, nút giao thông Mỹ Thủy, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... đã làm cho giá nhà đất khu vực này liên tục biến động.

Tới đây là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m, Bến xe Miền Đông di dời về quận 9....Hay dự án cầu trị giá 500 tỷ đồng nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) đã được khởi công xây dựng giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ lợi, khu Cát Lái, Quận 2 với trung tâm thành phố.

Ngoài cây cầu trên, trong thời gian tới khu đô thị Thủ Thiêm sẽ có nhiều cây cầu được xây dựng như 4 cầu (cầu số 5, số 9, số 12 và N4) tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hai dự án quan trọng xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4 với Thủ Thiêm) và cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 với Thủ Thiêm) cũng đã được UBND TP.HCM đề xuất xây dựng theo hình thức BT.

Theo dự báo của Savills Việt Nam, trong năm 2018 sắp tới, nguồn cung nhà ở tại khu Đông chiếm hơn 50% toàn thị trường TP.HCM nhờ "ăn theo" hạ tầng giao thông.

Hàng loạt dự án của các "đại gia" địa ốc bị siết nợ

Dự án cao thứ 3 của TP.HCM đang trong giai đoạn bị siết nợ.

Dự án cao thứ 3 của TP.HCM đang trong giai đoạn bị siết nợ.

Kể từ ngày 15/8/2017, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực. Khi ra đời, đây được xem là “cứu cánh” cho giới ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong việc tháo gỡ những vướng mắc để xử lý tài sản đảm bảo. Từ đó, một số dự án BĐS lớn trên địa bàn TP.HCM bị Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng siết nợ dự án của Công ty CP Sài Gòn One Tower với dự án phức hợp Saigon One Tower và Công ty CP Hoàn Cầu với dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây.

Về dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7), theo VAMC, đây là khoản nợ mà VAMC đã mua lại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo văn bản của VMAC, đất đã được đăng ký giao dịch đảm bảo. Tổng giá trị định giá khi cho vay của các lô đất trên 2.418 tỷ đồng.

8 khu đất được VAMC công bố định giá để xử lý nợ xấu nằm trong dự án nhà ở khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Bình Thuận và phường Tân Thuận Tây, quận 7, do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. Các lô đất này dự kiến được xây dựng thành khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ.

Tương tự, ngày 21/8/2017 VAMV tiếp tục ra văn bản thông báo "siết nợ" dự án cao thứ 3 tại TP.HCM là Saigon One Tower để thu hồi gần 7.000 tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đang tiến hành các thủ tục pháp lý để giải quyết việc đưa ra bán đấu giá những hạng mục đang bị nợ tại dự án này.

Tại TP.HCM, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank cũng đã thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là dự án cao ốc văn phòng V-Ikon do Công ty TNHH Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư tại địa chỉ 129A - 131 - 131A - 133 - 135A - 153/33 Điện Biên Phủ, phường 15 , quận Bình Thạnh, với giá khởi điểm hơn 299 tỉ đồng. Đây đã là lần thứ ba đơn vị này rao bán nhưng vẫn không có ai đến tham gia đấu thầu.

Hàng ngàn người 'sập bẫy' địa ốc Alibaba

Vụ việc công ty địa ốc Alibaba rao bán đất dự án không phải của mình đã làm chính quyền TP.HCM một phen đau đầu.

Vụ việc công ty địa ốc Alibaba rao bán đất dự án không phải của mình đã làm chính quyền TP.HCM một phen "đau đầu".

Ngày 14/11, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phát đi văn bản khẩn gửi thường trực Thành ủy TP.HCM, thường trực UBND TP, thường trực HĐND TP và các sở ngành của TP cảnh báo thông tin sai sự thật của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba về dự án Alibaba Tây Bắc ở huyện Củ Chi.

Lập tức, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra và từ những kết luận của Sở Xây dựng TP.HCM, mới đây UBND TP.HCM đã "cấm cửa" công ty này tham gia dự án trên do thái độ bất hợp tác.

Trước đó, công ty Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án bất động sản Alibaba Tây Bắc, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ của khách hàng. Báo cáo với UBND TP. HCM, Sở Xây dựng cho biết, khu đất Công ty Alibaba công bố dự án nằm trong khu chức năng số 8, thuộc Khu đô thị Tây Bắc - được thành phố phê duyệt quy hoạch là khu thương mại, trung tâm tài chính.

Thanh tra Sở Xây dựng làm việc với hai công ty liên quan dự án Alibaba Tây Bắc nhưng họ không hợp tác, không tham gia làm việc và cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Công ty Alibaba gọi là dự án nhưng phần đất này chưa triển khai thủ tục gì để được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án, phù hợp quy hoạch, công nhận năng lực tài chính, cũng như chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo tài liệu công ty Alibaba cung cấp cho cơ quan an ninh thuộc Bộ Công an, đơn vị này đã nhận tiền đặt cọc của hơn 600 khách hàng muốn mua dự án tại Củ Chi và hơn 1.400 trường hợp khác tại các dự án "bánh vẽ" tại huyện Long Thành (Đồng Nai). Trong khi đó, ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng TN-MT huyện Long Thành, xác nhận huyện chưa giao dự án nào cho doanh nghiệp có tên là Alibaba trên địa bàn. Đây chỉ là đơn vị môi giới nhưng lại giới thiệu với khách là chủ đầu tư.

Đăng Khải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên