MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 thách thức đối với kinh tế Việt Nam

Các thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay được Chính phủ chỉ rõ trong phiên họp thường kỳ tháng 5/2018.

Thông tin về phiên họp Thường kỳ Chính phủ ngày 2/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ cũng chỉ ra 5 vấn đề thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Trong đó, với thách thức về tăng trưởng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra, mặc dù sản xuất ngành công nghiệp đạt mức cao, nhưng ngành chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, nhất là trong 2 tháng đầu năm tăng 15,5%; 3 tháng tăng 14,1%; 4 tháng tăng 12,5%.

"Tăng trưởng ở đây khẳng định không phải dựa vào khai khoáng - khai thác dầu mỏ và than đá", Bộ trưởng Dũng nói. Hiện ngành khai khoáng đang giảm 2,2% so với cùng kỳ. Theo báo cáo năm 2015, Việt Nam khai thác 16,8 triệu tấn dầu, đến nay cả năm chỉ còn 11 triệu tấn được khai. Tỷ trọng thu từ dầu mỏ trong tổng thu ngân sách cũng giảm đi.

"Chúng ta không thể nói tăng trưởng dựa vào dầu mỏ. Tăng trưởng lần này tăng đều các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp trong đó có chế biến chế tạo, tăng dịch vụ đặc biệt là du lịch", người phát ngôn Chính phủ khẳng định.

5 thách thức đối với kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Một khó khăn khác là mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,55% so với tháng trước. Đây là ức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

"Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là quyết liệt là duy trì mức tăng CPI cả năm ở khoảng 3,74 - 3,92%, vẫn dưới mức Quốc hội cho phép 4%. Với chỉ số lạm phát và các chỉ số kinh tế vĩ mô, Chỉnh phủ phải quyết liệt thực hiện", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Ông cho rằng Chính phủ đủ khả năng kiểm soát lạm phát, kiểm soát toàn bộ kinh tế vĩ mô, kể cả các khoản như nợ công...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhận thấy tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn. Vấn đề tôm thẻ chân trắng giảm giá mạnh do cung vượt cầu; nhiều mặt hàng nông sản giá ở mức thấp phải giải cứu. Đây vẫn là việc bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ phải tìm giải pháp, thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng chỉ ra tồn tại muôn thủa về giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện vốn đầu tư 5 tháng mới đạt 28,7% kế hoạch. Các Bộ còn chậm trong vấn đề phê duyệt, giao vốn, triển khai, đôn đốc tiến độ. Việc thu hút đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn, thách thức lớn.

Vấn đề cuối cùng, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Trong 5 tháng có trên 5.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 18,1% và gần 33.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ. "Doanh nghiệp ốm yếu giải thế tăng, có thể thấy doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách, thông tin, vốn, đất đai..", ông Dũng phân tích

Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được triển khai triệt để, nhiều bộ ngành chưa quyết liệt.

Theo N.A

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên