MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 thách thức lớn nhất cho thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020

27-11-2019 - 13:28 PM | Bất động sản

Tại Diễn đàn BĐS Việt Nam diễn ra sáng nay, một số chuyên gia nhận định, năm 2020 nhìn chung thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển.

Cơ sở để tin vào điều này là nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng vững chắc, dân số trẻ, dòng vốn FDI, kiều hối, du lịch,...đều phát triển mạnh nên bất động sản 2020 không thể đi xuống. Nhưng phải xác định phân khúc nào phát triển, phân khúc nào ổn định, hay phân khúc nào cần phải điều chỉnh.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn 3 năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước, ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác.

Từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế cũng như khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Thị trường BĐS thời gian qua luôn có nhiều cơ hội phát triển, nhất là thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Nam, cơ hội là vậy nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đang đối diện với không ít thách thức.

Một là, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả. 

Thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ Luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, kinh doanh bất động sản...

Hai là, những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm. Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao.

Ba là, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt. Cụ thể: Lãi suất tiếp tục cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11 - 12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh bất động sản.

Bốn là, gần đây tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán "dự án ma" trở nên phổ biến. Nhiều nơi diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý. Việc phân lô bán nền không giải quyết được sự tích đọng cho quy mô của nền kinh tế mà còn tạo ra sự lệch lạc về quy hoạch cũng như gây ra ách tắc giao thông, gây ra sự lộn xộn lớn cho bộ mặt đô thị.

Năm là, thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường. Theo đó, ở thị trường bất động sản Việt Nam, tính minh bạch thông tin chưa cao đã gây cản trở quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do chậm thực hiện các giải pháp nhằm minh bạch hóa thị trường bất động sản, kích thích đầu tư. Cụ thể là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin về việc đăng ký và thực hiện các giao dịch bất động sản.

Trước những bất cập đó, ông Nam cho rằng để vượt qua những thách thức trên, đòi hỏi các bên liên quan cần phải:

Thứ nhất, cung cấp bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2019 và sự phát triển của thị trường giai đoạn vừa qua. Đồng thời, dự báo, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố tác động tới thị trường trong năm 2019 và trung hạn.

Thứ hai, tập trung phân tích các rào cản, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2019 và giai đoạn vừa qua để có các biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh chính sách kịp thời và cũng đưa ra khuyến nghị để cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động có các giải pháp ứng phó phù hợp, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Thứ ba, phân tích các xu hướng mới trên thị trường bất động sản Việt Nam như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; bất động sản xanh, thông minh… Nêu lên những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển các phân khúc này; đồng thời, trao đổi các kinh nghiệm quốc tế có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam.

Đình Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên