MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 lỗi chi tiêu phải tránh nếu không muốn mất tiền, kể cả nếu bạn là người giàu

28-03-2017 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Đôi khi người giàu cũng mắc sai lầm về tiền bạc và khiến cho tiền “bốc hơi” mà không hiểu lý do tại sao.

Không phải cứ biết kiếm tiền là sẽ giữ được tiền. Mặc dù người giàu rất giỏi trong quản lý tiền bạc nhưng vẫn có những lúc họ mắc sai lầm khiến tiền “rơi”.

Là một chuyên gia tài chính, Thomas C. Corley đã có hơn 30 năm tư vấn về tiền bạc cho các cá nhân và hơn 5 năm nghiên cứu về thói quen của người giàu. Từ những kinh nghiệm của mình, ông nhận ra rằng đôi khi người giàu cũng mắc sai lầm về tiền bạc và khiến cho tiền “bốc hơi” mà không hiểu lý do tại sao.

Tiết kiệm từng đồng xu, nhưng lại phung phí hàng nghìn đô la

Rất nhiều triệu phú lựa chọn lối sống tiết kiệm. Họ tiết kiệm từng đồng chi phí giặt là, phí ngân hàng hay thậm chí là những chi tiêu cho bản thân như cắt tóc, gội đầu… Thậm chí họ sẽ phát điên lên nếu như biết rằng mình đã chi tiêu vượt định mức cho một món thực phẩm hoặc một bữa ăn nào đó.

Tuy nhiên, khi từng đồng xu này tiết kiệm được, họ lại đổ vào những du thuyền hạng sang, xe hơi, nhẫn kim cương hoặc những kỳ nghỉ đắt tiền. Thậm chí có những ông chủ doanh nghiệp còn phải đấu tranh để giảm chi phí tiền lương cho nhân viên và dành tiền cho những thú vui xa xỉ của mình.

Tiết kiệm từng đồng xu rất tốt và đó là thói quen của người giàu. Nhưng nếu dùng những đồng xu đó để chi tiêu cùng với những đồng đô la lớn hơn thì cũng giống như đã mắc sai lầm của người nghèo.

Quá dễ dãi với tiền bạc

Hầu hết các triệu phú tự thân đều rất chặt chẽ trong quản lý tiền bạc, nhưng một số người được thừa kế tài sản hoặc những người giàu nhờ trúng số thường có xu hướng dễ dãi trong quản lý tiền bạc.

Khi bạn không phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, bạn sẽ không đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Bạn sẽ trở thành một kẻ “vung tay quá trán” với gia đình, bạn bè hoặc các tổ chức từ thiện. Khi mọi người thấy bạn giàu có, họ sẽ lại tiếp tục đề nghị sự giúp đỡ từ bạn và dần dà bạn có thể trắng tay vì hào phóng.

Một ví dụ điển hình là tỷ phú J.K. Rowling – tác giả của bộ sách đình đám Harry Potter. Theo Forbes, tài sản của Rowling đã giảm liên tục trong những năm gần đây do bà dành quá nhiều tiền cho các quỹ từ thiện. Ước tính tài sản của J.K. Rowling đã giảm 160 triệu USD cho các hoạt động từ thiện cộng thêm các khoản thuế khá cao tại Anh đã khiến bà bị gạch tên khỏi danh sách tỷ phú của Forbes năm nay.

Quá nhạy cảm trong đầu tư

Đa số người giàu trong nghiên cứu của Corley là những nhà đầu tư dài hạn. Họ mua, nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và không bao giờ tỏ ra lo sợ. Thậm chí ngay cả khi nền kinh tế biến động, họ vẫn bình tĩnh tăng gấp đôi khoản đầu tư vì biết rằng sẽ được mua vào với giá rẻ hơn.

Bên cạnh đó, một số người giàu lại đầu tư một cách hung hăng và chớp nhoáng. Khi khủng hoảng xảy ra, họ sẽ lo sợ và bắt đầu rút vốn đầu tư. Những người này còn được gọi là “nhà đầu tư hung hãn”, hay những con cừu đội lốt “sói già” phố Wall. Và khi lo sợ mất tiền, lớp ngụy trang “sói già” của họ cũng biến mất.

Đặt tất cả trứng vào một giỏ

Trong nghiên cứu của mình, Corley phát hiện ra rằng những người giàu luôn có từ 3 nguồn thu nhập trở lên. Khi một nguồn thu nhập bị ảnh hưởng vì khủng hoàng kinh tế, họ vẫn còn nguồn thu nhập thứ 2, thứ 3… kéo lại.

Tuy nhiên, một số người giàu đã phạm sai lầm khi “đặt tất cả trứng vào một giỏ”, chẳng hạn như đổ hết tiền vào xây dựng doanh nghiệp hoặc mua bất động sản – 2 khoản đầu tư kém thanh khoản nhất. Và khi có vấn đề gì xảy ra, họ buộc phải bán tất cả những khoản đầu tư này với giá chiết khấu hoặc tăng cường vay nợ để duy trì đầu tư. Tất nhiên, cả hai trường hợp trên đều khiến họ mất tiền.

Không nhận ra “ma quỷ” trong quản lý tiền bạc

Người giàu thường tiết kiệm tiền theo 1 trong 4 cách sau: sống dưới mức nhu cầu để tiết kiệm lớn hơn chi tiêu, mở rộng nhu cầu để tăng khả năng thu nhập, vừa tiết kiệm vừa tăng thu nhập và thừa hưởng tài sản thừa kế.

Trong đó, những người thuộc nhóm “Mở rộng nhu cầu để tăng thu nhập” và nhóm “Thừa hưởng tài sản thừa kế” thường không nhận ra “ma quỷ” trong quản lý tiền bạc.

Điều này có nghĩa là họ chi tiêu mà không kiểm tra số dư tài khoản, hóa đơn, thẻ tín dụng… hàng tháng. Tuy nhiên, chỉ cần làm việc này ít nhất một lần trong năm, bạn cũng sẽ rà soát và tiết kiệm được cả đống tiền vô nghĩa.

Không lập kế hoạch dựa trên thực tế

Một sai lầm tiền bạc lớn mà nhiều người giàu mắc phải là không lập kế hoạch chi tiết cho tương lai dựa trên những điều kiện thực tế, chẳng hạn như thiếu kế hoạch nghỉ hưu, thiếu kế hoạch đầu tư bất động sản, kế hoạch không cập nhật với thay đổi thực tế.

Khi không có kế hoạch chi tiết, bất cứ vấn đề nào phát sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và dòng tài chính của bạn. Vì thế, hãy đảm bảo mọi thứ thật chắc chắn bằng những kế hoạch chi tiết và thực tế.

Hà My

Business Insider

Trở lên trên