MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai

28-12-2018 - 18:11 PM | Sống

Vào những thời khắc cuối cùng của năm 2018, chúng ta hãy cùng ngước lên bầu trời và điểm lại những thành tựu nổi bật mà ngành khoa học vũ trụ thế giới đã đạt được trong năm qua.

Hành trình khám phá vũ trụ của nhân loại đã luôn không ngừng tiến triển. Thời gian qua, chúng ta ngày càng nhìn xa hơn, rõ hơn vào những vì sao, thiên hà xa xăm, vào cả quá khứ sơ khai khi vũ trụ mới hình thành. 

Kiến thức của con người về vũ trụ ngày càng được mở rộng. Riêng trong năm 2018 này, các nhà thiên văn học đã đạt được không ít thành tựu đáng chú ý, bao gồm:

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai - Ảnh 1.

Tháng 06/2018, tàu thăm dò Cassini vào đã ghi nhận được trong các cột nước trên bề mặt của Enceladus - mặt trăng của sao Thổ - có chứa các phân tử hữu cơ rất giàu carbon. Khám phá này có thể là dấu hiệu cho thấy Enceladus cũng tồn tại một lớp hữu cơ mỏng, giống với bề mặt đại dương của Trái Đất.

Trước đây, dữ liệu phân tích trên Enceladus chỉ cho thấy sự xuất hiện của các phân tử hữu cơ đơn giản, chứa rất ít carbon. Nay với bằng chứng mới, giả thuyết rằng sâu bên dưới lớp vỏ băng giá của mặt Trăng này có thể là nơi tồn tại của các sinh vật biển càng củng cố.

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai - Ảnh 2.

Vào 3h31 sáng 12/8 theo giờ địa phương, NASA đã phóng thành công tên lửa Delta IV Heavy mang tàu thăm dò Parker Solar Probe vào vũ trụ. Sứ mệnh được các nhà khoa học giao phó cho Parker là tiếp cận Mặt trời gần hơn bất cứ tàu thăm dò nào trước dây từng làm.

Việc tiếp cận ở khoảng cách gần chưa từng có như vậy giúp chúng ta nhận được nhiều thông tin quan trọng hơn về Mặt trời, để có thể giải đáp nhiều bí ẩn chưa được sáng tỏ. Chẳng hạn vì sao nhiệt độ ở vành nhật hoa lại nóng hơn nhiều so với bề mặt của Mặt trời - đây là câu hỏi sẽ được giải đáp trong thời gian tới

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai - Ảnh 3.

TESS là tàu săn hành tinh "mới toanh" được NASA phóng lên vũ trụ vào ngày 18/04/2018, nhiệm vụ của nó là theo dõi hơn 200.000 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và xác định các hành tinh quay xung quanh chúng.

Không phụ kỳ vọng của các khoa học gia đặt vào mình, vào tháng 9 mới đây, TESS đã khám phá ra hành tinh Pi Mensae c với kích cỡ lớn gấp 2,1 lần Trái Đất, và khối lượng gấp 4,8 lần. Hành tinh có quỹ đạo quay xung quanh một ngôi sao lùn với chu kỳ là 6,27 ngày, và cách chúng ta 60 năm ánh sáng.

Pi Mensae c có thể được định nghĩa như một "siêu Trái Đất", thuật ngữ dùng để chỉ những hành tinh đá có khối lượng lớn hơn Trái Đất .

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai - Ảnh 4.

Lần thứ 8 trong lịch sử, một tàu thăm dò mới của NASA lại hạ cánh thành công trên bề mặt "hành tinh đỏ". Đó là vào ngày 27/11/2018, tàu thăm dò InSight sau 6 tháng du hành trong vũ trụ đã đáp xuống an toàn trên bề mặt đầy bụi của sao Hỏa.

Từ đây, InSight sẽ bắt đầu tiến hành các hoạt động khảo sát địa chất sao Hỏa, để giúp chúng ta có cái nhìn chi tiết hơn về quá trình hình thành của hành tinh này. Từ đó có thể khoa học sẽ suy ngược phần nào về sự hình thành của chính Trái Đất.

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai - Ảnh 5.

Ngày 08/12/2018, ngành Khoa học vũ trụ Trung Quốc đã có thêm một bước tiến lớn, khi tên lửa chở tàu thăm dò Mặt trăng đã được phóng lên thành công. Sự kiện này nằm trong Sứ mệnh Hằng Nga-4, nhằm đặt một tàu thăm dò tại vị trí hố thiên thạch Von Kármán thuộc vùng tối của Mặt trăng.

Von Kármán được chọn làm điểm nghiên cứu bởi đây là một trong những hố thiên thạch lâu đời nhất trên bề mặt vệ tinh của chúng ta, vốn có thể được hình thành do va chạm thiên thạch cách đây hàng tỷ năm trước.

Ngoài nhiệm vụ phân tích lớp đất đá, thì con tàu còn đem theo hạt giống cải và 3kg khoai tây để tiến hành các thử nghiệm về sự phát triển của hạt giống và quá trình quang hợp trên mặt Trăng.

6 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật nhất năm 2018, khiến chúng ta ngập tràn hy vọng vào tương lai - Ảnh 6.

Từ năm 1970, NASA đã phóng lên vụ trụ 4 con tàu chứa các tấm bản đồ tiết lộ vị trí của Trái Đất trong vũ trụ. Một trong số đó có Voyager 2, khởi hành từ năm 1977.

Vào tháng 12./2018, NASA thông báo Voyager 2 đã chính thức bay ra khỏi Thái dương Hệ để tiếp tục hành trình đến những vì sao xa xôi khác. Đây là vật thể thứ 2 do con người tạo ra đã rời khỏi hệ mặt Trời, sau người tiền nhiệm của nó là Voyager 1.

Tấm bản đồ Voyager 2 mang theo thực chất là một đĩa vàng khắc một số ghi chú, tấm bản đồ tiết lộ vị trí xuất phat của tàu, hành trình di chuyển, và ký âm của một số các âm thanh quen thuộc trên Trái đất. Chúng như một lời chào của con người trên Trái đất gửi đến các nền văn minh khác - nếu có - đang tồn tại trong vũ trụ này.

Theo K.

Helino

Trở lên trên