MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 bài học đắt giá nhất bạn phải nắm giữ trên con đường trưởng thành: Điều đầu tiên, trưởng thành không dựa vào tuổi tác mà đong đếm bằng số lần vấp ngã đã trải qua

09-01-2019 - 16:51 PM | Sống

Cuộc sống đôi khi không đẹp đẽ như chúng ta tưởng tượng, có những sự thật khắc nghiệt cần chúng ta đối mặt để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Để có được kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, một điều chắc chắn là bạn phải chấp nhận đánh đổi. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng là tiền bạc. Đối với một số bài học nhất định, bạn phải bỏ ra những thứ “vô hình” như công sức, chất xám, thời gian và thậm chí phải trải qua đau khổ, mệt mỏi, thất vọng để lĩnh hội.

Đó chính là cuộc sống. Ai đó đã từng nói nếu cuộc sống chỉ có niềm vui, thì ắt hẳn cuộc đời bạn chỉ như cuốn truyện cười. Thật đúng! Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo lòng người. Tuy nhiên, thái độ mà chúng ta nhìn cuộc đời lại hoàn toàn có thể thay đổi theo cách chúng ta suy nghĩ.

Dưới đây là 6 bài học đắt giá nhất bạn nhất định phải lĩnh hội trên con đường trưởng thành của chính mình:

1. Trưởng thành được đong đếm bằng số lần vấp ngã

Tóc bạc, da nhăn, lưng còng, răng rụng, đây là biểu hiện của thân thể đã đến hồi lão hóa nhưng lại không đại diện cho sự trưởng thành của một con người.

7 bài học đắt giá nhất bạn phải nắm giữ trên con đường trưởng thành: Điều đầu tiên, trưởng thành không dựa vào tuổi tác mà đong đếm bằng số lần vấp ngã đã trải qua - Ảnh 1.

Ngược lại, cái giá của sự trưởng thành chính là vấp ngã. Con người ta cần ngã để học cách đứng dậy. Thật vậy, từ thuở chập chững bước đi tới khi lên giảng đường, rong ruổi bên bè bạn, chẳng ai không va vấp và ngã đau đôi ba lần. Những năm thiếu thời ấy, vấp ngã chỉ đơn giản là va phải cục đá, là lỡ một nhịp bước khi nhảy dây, đá cầu…

Khi lớn lên, đó là lần trượt đại học, trượt phỏng vấn xin việc hay bị từ chối tình cảm bởi một người mình thương yêu.

Cuộc đời vốn là những bước chân, có bước tiến lên, cũng có khi phải lùi xuống. Khi vấp ngã, hãy can đảm đứng lên và bước tiếp để tận hưởng từng khoảnh khắc tuyệt vời mà cuộc đời ban tặng, bằng tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên như phút đầu chập chững bước ra thế giới…

2. Lời khuyên tốt nhất lại không phải là ngợi khen

Con người ta, bất cứ ai cũng thích nghe những lời khen ngợi hơn là những lời chê trách. Khi bị ai đó phê bình, chúng ta đều cảm thấy không vui, thậm chí có cảm giác không được tôn trọng và bị xúc phạm.

Tuy nhiên, nếu chỉ luôn nhận được những lời khen, ắt hẳn chúng ta lại không thể nhìn nhận được những khuyết điểm, hạn chế của bản thân. Nghiễm nhiên, bạn sẽ cảm thấy mình là người làm tốt nhất và không mắc sai sót, dần dần bạn trở nên ích kỷ và tự cao.

Ngược lại, những lời phê bình tích cực sẽ giúp bạn có được những kinh nghiệm và bài học quý giá. Bạn nên biết ơn những người dám thẳng thắn góp ý và đưa ra những lời phê bình bởi đó chính là những người thầy khắt khe nhất mong muốn bạn thay đổi và trưởng thành hơn.

3. Vẻ đẹp của một con người đến từ bên trong

Béo, gầy, cao, lực lưỡng - tất cả đều không phải từ để diễn tả vẻ đẹp. Vậy vẻ đẹp thực sự là gì?Vẻ đẹp thực sự phải bắt nguồn từ bên trong.

Chúng ta thường chú trọng vẻ đẹp bên ngoài và cho rằng một người đẹp là có một ngoại hình hấp dẫn, cuốn hút người khác, tức đẹp về cái răng, cái tóc, đôi mắt, làn da, đẹp về hình thể.

Tuy nhiên, giá trị của một con người lại nằm ở việc đời sống của người đó có ý nghĩa, tâm hồn của người có đó cao quý hay không. Một người đẹp lý tưởng không những cần đẹp về ngoại hình mà còn phải đẹp cả về tư cách, nếp suy nghĩ, lối sống và hành vi.

4. Đừng chỉ sống vì mình!

Khi một người chỉ sống vì mình, nghiễm nghiên họ sẽ trở thành người thừa đối với những người còn lại. Những ham muốn, những ích kỷ cá nhân sẽ chỉ khiến bạn ngày càng thấy trống rỗng. Bạn sẽ luôn tự hỏi mình rằng: Liệu mình đã có tất cả mọi thứ hay chưa?

7 bài học đắt giá nhất bạn phải nắm giữ trên con đường trưởng thành: Điều đầu tiên, trưởng thành không dựa vào tuổi tác mà đong đếm bằng số lần vấp ngã đã trải qua - Ảnh 2.

Cuộc sống không đơn thuần chỉ có mình bạn mà cuộc sống là của cả chúng ta. Khi bạn ngừng toan tính cho bản thân, bạn sẽ thấy cuộc đời dễ thở biết mấy! Hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà còn là sẻ chia. Chính vì thế, linh hồn của cuộc sống là sự cho đi không hối tiếc.

5. Không ai chạm đến đỉnh cao

Không phải Elon Musk. Không phải Mark Zuckerberg. Cũng không phải Bill Gates. Mọi người đều chỉ mới bắt đầu.

Chúng ta có thể giỏi về một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống, thậm chí trở nên nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng đó không phải là đỉnh cao bởi luôn có một mục tiêu hoặc một đam mê khác để chúng ta theo đuổi.

Không ai biết giới hạn thực sự của tiềm năng con người đến đâu. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được nếu chúng ta mặc định thành công ở hiện tại là đỉnh cao và không tiếp tục cố gắng. Chúng ta luôn có việc để làm, luôn có một mục tiêu khác để theo đuổi.

6. Con người có thể khóc, các nhà lãnh đạo cũng vậy

Trong cuộc sống, bất cứ ai đều có thể trải qua những ngày khó khăn hay một vài tình huống đến mức khiến chúng ta rơi nước mắt. Không sao đâu bởi ai cũng sẽ có những phút yếu lòng!

7 bài học đắt giá nhất bạn phải nắm giữ trên con đường trưởng thành: Điều đầu tiên, trưởng thành không dựa vào tuổi tác mà đong đếm bằng số lần vấp ngã đã trải qua - Ảnh 3.

Chúng ta đều có quyền khóc vì tất cả đều là con người. Đó là một phản xạ chúng ta không thể dừng lại dù cố gắng đến mức nào đi chăng nữa.

Khóc là cách để chúng ta biết điều gì quan trọng với bản thân. Sau mỗi lần khóc, chúng ta lại tìm được thêm một mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh cuộc sống mà chính mình đang vẽ.

7. Công việc khó khăn nhất là làm việc cho chính mình

Không hối hả ngược xuôi đến tận lúc nhắm mắt. Không miệt mài cho tới nửa đêm. Và cũng không làm việc hết cả 7 ngày.

Tất cả chúng ta đều có thể làm việc chăm chỉ như một cái máy. Tuy nhiên, làm việc cho bản thân mình mới là điểm khác biệt để định nghĩa chúng ta là con người. Làm việc vì đam mê, làm việc để mở rộng kiến thức của bản thân, làm việc để nhận ra rằng mình thật nhỏ bé giữa biết bao người tài giỏi.

Số giờ làm, doanh thu được tạo ra hay mức độ làm việc "hối hả" của bạn không quan trọng. Ngược lại, điều quan trọng là bạn nhận được những bài học quý giá nào trên chặng đường sự nghiệp đó.

Anh Thơ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên