MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 năm "kẹp hàng", công ty chứng khoán Nhật Bản bất ngờ đạt lãi khủng nhờ biến động bất thường của cổ phiếu SRA

Với nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tổ chức thì mức lãi một gấp đôi sau 8 năm không phải là mức quá lớn nhưng với 8 năm chờ đợi, Aizawa Securities đã được thở phào.

Những ngày qua, việc cổ phiếu SRA của Công ty cổ phần Sara Việt Nam biến động tăng phi mã. Từ mức giá 9.300 đồng, SRA đã tăng không ngừng nghỉ và đạt ngưỡng ~64.000 đồng tính đến chốt phiên giao dịch cuối tuần qua.

Vì đâu cổ phiếu SRA bất ngờ tăng 6 lần chỉ trong hơn 1 tháng? Câu trả lời có thể rất nhiều, là cung-cầu trên thị trường, là kế hoạch tăng vốn "khủng" từ 20 tỷ lệ 180 tỷ, là vì hoạt động kinh doanh bất ngờ tốt lên hay là vì việc chuyển hướng sang ngành vật tư y tế khiến cho Sara thực sự đáng giá hơn…Cũng có thể, sự tăng giá của cổ phiếu SRA là tổng hoà của các thông tin được nhiều người cho là tốt đó được công bố ra thị trường.

Tạm để sang bên cạnh những dấu hỏi đầy băn khoăn về giá cổ phiếu SRA, bài viết này chúng tôi muốn nói về Aizawa Securities Co., Ltd- cổ đông lớn nhất và tất nhiên cũng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc cổ phiếu SRA tăng giá.

8 năm "kẹp hàng" của Aizawa Securities

Aizawa Securities đầu tư vào Công ty cổ phần Sara Việt Nam từ năm 2010. Công ty chứng khoán Nhật Bản này đầu tư lớn vào Sara Việt Nam thời điểm Sara Việt Nam chưa có gì nổi bật nếu không muốn nói là "chìm nghỉm" giữa hàng trăm doanh nghiệp Việt khác. Lúc này, Sara Việt Nam cũng vừa thoát khỏi thua lỗ và doanh thu, lợi nhuận đạt ở con số tí hon- kể cả so với số vốn tí hon của Sara Việt Nam.

Lần lại lịch sử giai đoạn Aizawa Securities thành cổ đông lớn, cổ phiếu SRA lúc đó loanh quanh ngưỡng giá 30.000 đồng và nếu tính xa hơn 1 chút (giai đoạn Aizawa Securities chưa là cổ đông lớn và chưa phải công bố thông tin mua bán cổ phiếu công khai) thì cổ phiếu SRA biến động trong khoảng giá từ 15-30.000 đồng/cổ phiếu.

Phải thừa nhận rằng, Aizawa Securities là nhà đầu tư bền gan khủng khiếp. Sau khi rót vốn lớn vào SRA, doanh thu của công ty bứt phá mạnh mẽ trong năm 2011 nhưng lợi nhuận vẫn èo uột vài trăm triệu, thấp hơn nhiều lần so với con số 2,75 tỷ đồng lợi nhuận năm 2010-năm mà Aizawa rót vốn.

Năm sau đó, tình hình kinh doanh của SRA trở nên bi đát hơn. Doanh thu từ 21 tỷ năm 2011 đã về ngưỡng hơn 200 triệu đồng năm 2012, lỗ hơn 5 tỷ đồng là điều tất yếu của năm đó khi mà nguồn thu không có còn bộ máy vẫn phải tiêu tiền.

Năm 2013, SRA tiếp tục lỗ dù doanh thu quay lại. Nếu so với con số 2012 thì là bước đột phá về doanh thu của SRA.

Năm 2014, lại sụt giảm doanh thu, lãi chỉ đếm được bằng con số vài chục triệu đồng.

Năm 2015, doanh thu mất hút, lỗ hoạt động 521 triệu đồng.

Năm 2016, doanh thu, lợi nhuận bất ngờ quay trở lại mạnh mẽ sau nhiều năm èo uột, nhưng, chung quy lại cũng không đáng kể so với năm 2010- năm mà Aizawa rót vốn.

Năm 2017 là năm thứ 2 liên tiếp SRA bứt phá. Doanh thu, lợi nhuận đạt đỉnh từ khi niêm yết. EPS năm 2017 đã đạt hơn 5.600 đồng.

Nhưng cổ phiếu SRA bị lãng quên đã ngấp ngửa 10 năm, chẳng còn mấy ai chú ý đến con số doanh thu, lợi nhuận đang thay đổi chóng mặt ở một doanh nghiệp "bé hạt tiêu" trên sàn nữa. Cổ phiếu SRA cứ thế đi ngang ở ngưỡng giá ~10.000 đồng suốt cả năm ròng.

Hay nói một cách khác, từ khi rót vốn đầu tư vào SRA, Aizawa đã lỗ lớn, "kẹp hàng" ở mức giá ~10.000 đồng và thấp hơn. Bán đi không nỡ, giữ lại cũng chỉ là để nhìn tài khoản đi ngang suốt thời gian dài.

8 năm đồng hành với SRA, công ty chứng khoán Nhật Bản hết nhìn cổ phiếu từ 30.000 đồng đến 20.000 đồng đến 2-3.000 đồng. Những chuỗi ngày tăng giá bất ngờ nhờ sự "up and down" thất thường trong suốt 8 năm triền miên đó cũng không đủ để Aizawa nở được nụ cười bởi lẽ, cổ phiếu đã thấp đến mức có tăng chục phiên cũng không đủ để SRA quay về giá vốn mà Aizawa đã bỏ ra.

Bất ngờ lãi khủng

"Kẹp hàng" 8 năm, Aizawa Securities lần đầu được cười mấy ngày gần đây. Sau 8 năm chờ đợi mòn mỏi, cổ phiếu SRA đã tăng trần liên tục kéo theo giá cổ phiếu tăng từ ngưỡng 9.300 đồng lên 64.000 đồng, tương ứng mức tăng 6 lần chỉ trong hơn 1 tháng.

Từ thua lỗ sâu, "kẹp hàng" nhiều năm, Aizawa Securities bất ngờ không những lấy lại giá vốn đã đầu tư mà còn lãi lớn. Nếu so với khoảng giá đầu tư tính xông xênh vào khoảng dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, sau 8 năm, khoản đầu tư này đã một gấp đôi.

Tất nhiên, với nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tổ chức thì mức lãi một gấp đôi sau 8 năm không phải là mức quá lớn nhưng với 8 năm chờ đợi, Aizawa Securities đã được thở phào.

Điều thú vị là, Aizawa Securities vẫn chưa có bản đăng ký bán vốn nào dù SRA tăng phi mã. Không rõ công ty chứng khoán Nhật này đã lỡ lãng quên khoản đầu tư "đau lòng" này hay vẫn kỳ vọng vào tương lai công ty SRA còn là dấu hỏi lớn.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên