MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

80% doanh nghiệp Việt chưa từng sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh

Có thể thấy với khởi nghiệp sáng tạo, dịch vụ phát triển kinh doanh thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa...

Một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo với con số khoảng hơn 1.800 trên cả nước, một con số nhỏ trong tổng thể nền kinh tế nhưng trong vài năm trở lại đây tốn khá nhiều giấy mực của truyền thông, báo chí.

Thay vì đi sâu vào câu hỏi có nên hỗ trợ khởi nghiệp không, trong bài viết này, người viết đưa ra một góc nhìn khác: Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp nằm ở đâu trong bức tranh chung của dịch vụ phát triển kinh doanh - một cấu phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Việc nhìn lại bức tranh rộng là cần thiết để tránh ôm đồm đi vào nhiều việc không phải thuộc năng lực và giá trị cốt lõi của mình, cũng đồng thời giúp chúng ta có dịp nhìn lại những giá trị mà mình đang mang lại để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong năm mới.

Xu hướng không thể cưỡng lại

Trước tiên, phải khẳng định lại, dịch vụ phát triển kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.

Tuy vậy, có một tiềm thức ăn sâu vào doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có cả khởi nghiệp sáng tạo là khi doanh nghiệp còn nhỏ, làm gì có tiền để thuê ngoài, hoặc họ sẽ chọn chưa làm hoặc tự làm hết tất cả.

Nếu như một doanh nghiệp vốn người chủ doanh nghiệp chỉ là một hoặc một nhóm chấp nhận làm tất cả, bạn sẽ không còn thời gian để tập trung cho giá trị cốt lõi của mình nữa.

Trên thực tế, với những cơ hội mà internet mở ra cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ, có thể thấy doanh nghiệp càng nhỏ càng nên tận dụng dịch vụ phát triển kinh doanh để tham gia một cách chuyên nghiệp hơn vào chuỗi cung ứng thay vì tự mình làm tất cả.

Internet cho phép một doanh nghiệp trên một gác xép không cần phải thuê kế toán, không cần gặp gỡ luật sư vẫn có thể vận hành doanh nghiệp của mình chỉ bằng click chuột hoặc lướt tay trên bàn phím. Điều đó càng khẳng định, sử dụng các dịch vụ phát triển kinh doanh là một xu hướng không thể cưỡng lại.

Thực trạng ở Việt Nam

Việc tồn tại những nhà cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh minh chứng cho sự phát triển năng động của thị trường B2B. Con số từ thị trường Việt Nam cho thấy thị trường đang ở mức độ rất sơ khai từ cả cung và cầu.

Một kết quả nghiên cứu của MarketIntello cho thấy trong giai đoạn 2014, chỉ có khoảng 33% doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỏi là có sử dụng dịch vụ phát triển hoặc hỗ trợ kinh doanh.

Con số 67% doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh đưa ra lý do cụ thể: 27,7% cho rằng họ tự thực hiện được những dịch vụ này trong nội bộ công ty; 26,28% cho rằng họ không biết có sự tồn tại của dịch vụ phát triển kinh doanh.

Tương tự như vậy, nếu tham khảo tiếp kết quả của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra năm 2016, từ 60%- 80% doanh nghiệp không biết hoặc biết nhưng chưa từng sử dụng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Trong đó, tỷ lệ dịch vụ kế toán, kiểm toán là dưới 65%, dịch vụ pháp lý ở mức 49%, dịch vụ quảng cáo là 46,2%, dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật là 30,1%, dịch vụ nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận là 23,3%.

Nếu một mặt nhìn vào những con số này có thể thấy, còn nhiều việc phải làm để thay đổi thói quen của doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh thì mặt khác nó cũng phản ánh một phần câu chuyện cung chưa thực sự đến được với cầu. Chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh hiện rất đa dạng và rất ít cơ chế giúp người sử dụng đánh giá được chất lượng dịch vụ.

Quay trở lại câu chuyện về các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, không thể không thấy nổi lên một số điểm sau:

Nằm trong bức tranh chung đó, có thể thấy các dịch vụ phát triển kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo cũng đang ở tình trạng thị trường kém phát triển. Có thể thấy với khởi nghiệp sáng tạo, dịch vụ phát triển kinh doanh thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa.

Từ phía cung, nhận thức từ phía chính khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế, khởi nghiệp sáng tạo chưa nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ phát triển kinh doanh mà có xu hướng tự làm hoặc chủ quan, chỉ khi gặp vấn đề mới sử dụng.

Từ phía cầu, các dịch vụ được cung cấp hiện tại, không ít nhưng chất lượng còn thấp, chưa sát với nhu cầu. Trong không ít các trường hợp, những dịch vụ này được mở thêm ra từ những các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh cho những doanh nghiệp đang hoạt động một cách vội vàng để đáp ứng kịp xu hướng.

Việc mở rộng cơ học dẫn đến chi phí cao, không hợp lý, không có sự nghiên cứu về nhu cầu thực sự và vấn đề của khách hàng mà ở đây là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với nhưng nhu cầu, đặc thù riêng.

Mặt khác, cũng có thể thấy, sự đa dạng và những dịch vụ giá trị gia tăng còn rất hạn chế. Nhiều dịch vụ phát triển kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp mọc lên nhưng lại tập trung chủ yếu ở những dịch vụ ít giá trị gia tăng: chỗ ngồi, kế toán sổ sách giấy tờ, kế toán thuế để đối phó với cơ quan nhà nước.

Ví dụ, trong mảng pháp lý, dịch vụ phát triển kinh doanh cho khởi nghiệp hiện nay hình chung mới dừng lại ở các dịch vụ tư vấn pháp lý (về mở doanh nghiệp), làm hộ hồ sơ đăng ký một số giấy tờ. Những dịch vụ tư vấn phòng ngừa rủi ro, vốn rất cần cho startup ở giai đoạn trứng nước là rất cần thiết.

Ở góc độ khác, trong nhiều trường hợp, nhà nước hoặc các tổ chức có ngân sách nhà nước đang cung cấp miễn phí hoặc tham gia sâu vào cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên sự méo mó của thị trường.

Nếu ví khởi nghiệp là một đứa trẻ sơ sinh thì dường như mọi cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đều cảm thấy mình cần gánh vác trách nhiệm hỗ trợ khởi nghiệp. Đó có thể là một trong những lý do rất nhiều dịch vụ phát triển kinh doanh cho khởi nghiệp đang được cung cấp không theo quy luật cung cầu.

Cá nhân người viết cho rằng, là khởi nghiệp sáng tạo không đồng nghĩa phải nhận được sự hỗ trợ miễn phí. Cái họ thực sự cần là những cơ hội và một môi trường bình đẳng.

Có thể nói chúng ta đang thừa những hỗ trợ mang tính bề nổi, miễn phí nhưng lại thiếu những dịch vụ phát triển kinh doanh thực sự có chiều sâu.

Nếu coi khởi nghiệp sáng tạo là một đối tượng khách hàng mới trong thị trường B2B, thì cũng cần phải phục vụ họ, hiểu những vấn đề khó khăn mà họ gặp phải. Nói một cách khác, thị trường cần những người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn.

Trong khi đó, trên thực tế, có rất nhiều vấn đề đặc thù của khởi nghiệp sáng tạo cần phải lưu ý mà chưa thực sự có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ sâu và có thể cũng do chưa có sự hiểu biết thực tiễn từ thị trường.

Người viết xin kể hai câu chuyện nhỏ từ quan sát của mình thay cho thông điệp về dịch vụ phát triển kinh doanh cho khởi nghiệp cần sâu hơn, sát hơn và cần có một thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh về cả chất lượng và số lượng để khởi nghiệp sáng tạo thực sự phát huy thế mạnh sáng tạo của mình.

Song song với đó, nơi mà giáo dục vốn không cung cấp đủ những hiểu biết cần thiết cho các founders về vận hành doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp cũng cần đóng vai trò tốt hơn trong việc nâng cao nhận thức của khởi nghiệp sáng tạo về những vấn đề phát sinh.

Nhà nước cần tạo điều kiện cho các dịch vụ phát triển kinh doanh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Có thể nói năm 2018, sau sự bùng nổ của số lượng doanh nghiệp mới nói chung, khởi nghiệp sáng tạo nói riêng, có thể sẽ là năm mà các dịch vụ phát triển kinh doanh sẽ có sự thanh lọc nghiêm túc hơn hướng tới sự chuyên nghiệp hơn, sâu và sát hơn với nhu cầu ngày một cao của chính khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên