MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 ngân hàng đã sạch nợ tại VAMC đang làm ăn thế nào?

26-12-2019 - 07:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Vietcombank là ngân hàng lãi cao nhất hệ thống, Techcombank thì đứng đầu nhóm cổ phần tư nhân, ngay cả các ngân hàng nhỏ như Nam A Bank cũng thể hiện sự vượt bậc so với các đối thủ cạnh tranh ngang tầm...

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ngày 24/12 cho biết đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt (nợ xấu) đã bán cho VAMC, trong đó riêng năm 2019 dư nợ trái phiếu VAMC mà nhà băng này mua lại là hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy VPBank đã ghi danh là ngân hàng thứ 9 trong hệ thống sạch nợ sớm tại VAMC cho đến thời điểm này, cùng với Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB và Kienlongbank.

VAMC ra đời vào năm 2013 và từ 2014 bắt đầu được các ngân hàng hưởng ứng bán nợ mạnh mẽ. Trên thực tế, việc bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng dọn sạch nợ xấu ngay lập tức, mà đó chỉ là nơi "gửi" các khoản nợ xấu để các ngân hàng có thời gian (5 năm) từ từ xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20% mỗi năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng làm ăn kinh doanh tốt, có tiềm lực mạnh và có khả năng tự giải quyết khối nợ xấu mà không cần đến "kỹ thuật" bán cho VAMC thì có thể nhận lại số nợ xấu này sớm hơn thời hạn cho phép. Và như đã đề cập ở trên, đến nay đã có 9 ngân hàng làm được như vậy.

Theo nhận xét của các chuyên gia và người làm trong ngành, việc xử lý dứt điểm trái phiếu tại VAMC thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng. Khi chất lượng tài sản tốt lên, các ngân hàng sẽ không phải quá bận tâm (lo trích dự phòng) vào khối nợ xấu tồn đọng, mà có động lực cho tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo.

Vậy thực tế các ngân hàng đã sạch nợ sớm tại VAMC đang làm ăn ra sao?

Đầu tiên là trường hợp của Vietcombank. Ngân hàng này đã lấy lại toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC từ cuối năm 2016, sau 2 năm tập trung kế hoạch xử lý nợ và sớm 3 năm so với lộ trình mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương. 

Kể từ năm 2017 đến nay Vietcombank bứt phá nhanh về mọi mặt, với tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức trên dưới 1%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên đến 170 - 180% và lợi nhuận tăng liên tục. Năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 20.000 tỷ đồng nhưng riêng 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 17.500 tỷ đồng, và nếu đà của 3 quý đầu năm được giữ vững thì lợi nhuận cả năm có thể hơn 22.000 tỷ đồng, tức tương đương khoảng 1 tỷ USD. Với 1 tỷ USD tiền lãi làm ra, Vietcombank giữ vững vị trí là quán quân về lợi nhuận trong hệ thống, cao hơn cả lợi nhuận của 2 ngân hàng kế sau cộng lại.

Tiếp sau Vietcombank, vào nửa đầu năm 2017, Techcombank là cái tên thứ 2 trên thị trường sạch nợ tại VAMC khi trong báo cáo tài chính bán niên năm ấy dư nợ trái phiếu VAMC đã về 0, thay vì con số gần 3.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Dù không thể sánh ngang Vietcombank, nhưng kể từ khi sạch nợ tới nay, Techcombank cũng đang thể hiện cho thị trường thấy sự đáng gờm của một ngân hàng tư nhân, đe dọa vị thế của các "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước như thế nào. Tới hết quý 3/2019, Techcombank vươn lên vị trí thứ 2 về lợi nhuận trong nhóm các ngân hàng cổ phần, cao hơn cả BIDV và VietinBank, đồng thời soán ngôi số 1 ở nhóm ngân hàng tư nhân. Giai đoạn trước 2018, Techcombank chỉ nằm trong top 7.

Đến cuối năm 2017, MB là ngân hàng thứ 3 sạch nợ tại VAMC. Năm đó ngân hàng này cũng ghi nhận lợi nhuận cao khi vượt trên 20% so với kế hoạch. Trong năm 2018 và 2019 MB tiếp tục bứt tốc và 9 tháng đầu năm nay đã ghi nhận lợi nhuận hơn 7.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước.

Vào tháng 7/2018, VIB là ngân hàng tiếp theo công bố cũng đã sạch nợ tại VAMC. Không chỉ sạch nợ xấu tại VAMC sớm mà ngân hàng này còn cùng với Vietcombank là 2 ngân hàng đầu tiên trong hệ thống đáp ứng chuẩn Basel II từ cuối tháng 11/2018 - sớm trước hơn 1 năm so với quy định, đồng thời là ngân hàng đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.

OCB là một trường hợp khác được thị trường ghi nhận với những nỗ lực các năm gần đây. Cuối năm 2018, báo cáo tài chính của ngân hàng này cũng ghi nhận đã hoàn toàn sạch nợ tại VAMC trong khi đầu năm đó vẫn còn dư nợ trái phiếu 727 tỷ đồng. OCB đồng thời cũng là 1 trong các ngân hàng hoàn thành Basel II sớm nhất. Trong năm 2018, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 1.761 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm 2017 còn trong 9 tháng đầu năm 2019 thì lợi nhuận đã vượt xa con số đạt được của cả năm 2018 với 1.942 tỷ đồng. Với quý kinh doanh cao điểm cuối năm, lợi nhuận cả năm 2019 ở nhà băng này cũng được dự đoán sẽ khá ấn tượng.

TPBank thì mới sạch nợ tại VAMC từ đầu tháng 9/2019 nhưng ngân hàng này cũng đã đáp ứng Basel II sớm cùng với OCB. Trong 2 năm vừa qua, ngân hàng này bứt phá trên thị trường không chỉ ở kết quả kinh doanh mà còn về góc độ ngân hàng số. Nếu như năm 2018 đã là một kỷ lục của riêng ngân hàng màu tím với lợi nhuận 2.258 tỷ đồng thì trong 9 tháng đầu năm 2019 đã đạt trên 2.400 tỷ - cao gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. 

Nếu như các ngân hàng sớm sạch nợ ở VAMC kể trên đều thuộc nhóm ngân hàng có quy mô vừa và lớn trên thị trường, thì hai ngân hàng ở quy mô nhỏ hơn là Nam A Bank và Kienlongbank lại gây nhiều bất ngờ khi là những cái tên tiếp theo nằm trong danh sách các nhà băng mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC để về tự xử lý. 

Trong đó Nam A Bank đã tự xử lý hết nợ đã bán cho VAMC từ cuối tháng 9/2018, tức là trước TPBank tới cả 1 năm và cũng sớm hơn cả OCB.  Trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, ngân hàng này cũng nằm trong top kinh doanh tốt. Đặc biệt Nam Á còn đang tiên phong trong ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động khi mới đây trở thành ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam đưa robot vào phục vụ giao dịch.

KienlongbankVPBank là 2 "tân binh" mới hoàn tất mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC vào những ngày cuối của năm 2019, song nền tảng hoạt động của hai ngân hàng này cũng khá vững. 

Trong đó VPBank đang là ngân hàng tư nhân lớn mạnh top đầu, thường được so sánh ngang Techcombank, lại có "gà đẻ trứng vàng" là công ty tài chính tiêu dùng số 1 Việt Nam Fe Credit nên các năm gần đây đều hoạt động lạc quan. Song song với việc tự xử lý nợ xấu và đã sạch nợ tại VAMC, triển vọng của VPBank năm sau sẽ còn sáng hơn nữa do ngân hàng không phải lo trích lợi nhuận cho dự phòng rủi ro như năm nay. Trong thông báo mới nhất ra thị trường phát đi ngày 25/12, ngân hàng này tự tin lợi nhuận sẽ vượt 10% so với mục tiêu đề ra (9.500 tỷ đồng) khoảng 10%, như vậy tức là sẽ không dưới 10.400 tỷ đồng.

Còn Kienlongbank là ngân hàng bé nhất trong nhóm đã sạch nợ xấu tại VAMC. Với nỗ lực thời gian qua bao gồm kiểm soát nợ xấu ở mức rất thấp, đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn và đáp ứng được Basel II trước hạn cùng với 17 ngân hàng khác, đây cũng sẽ là ngân hàng được kỳ vọng sẽ có những sự bứt phá trong thời gian tới. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này ở mức 235 tỷ đồng và mục tiêu năm nay ở mức 306 tỷ đồng chắc chắn cũng không có trở ngại gì.

VAMC hiện vẫn đang giữ hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng, mà nhiều nhất có thể kể đến như Sacombank, BIDV, VietinBank, SCB.... Với lộ trình phải trích lập dự phòng đầy đủ trong 5 năm thì trong năm nay và 2020 nhiều ngân hàng (không bao gồm nhóm đang tái cơ cấu do được trích lập dự phòng tối đa tới 10 năm) sẽ phải lấy lại phần nợ xấu đến hạn để về xử lý. Bởi vậy rất có thể trong thời gian tới thị trường sẽ có thêm nhiều cái tên ngân hàng nữa công bố sạch nợ tại VAMC, mở đường cho một năm mới hoạt động tốt hơn khi nhóm này không còn phải lo trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cũ.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên