MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

90% người Việt mắc bệnh về răng này: Chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân

22-03-2019 - 01:43 AM | Sống

Theo GS Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương có tới 90 % dân số Việt Nam mắc bệnh răng miệng trong đó chủ yếu sâu răng.

Gia tăng bệnh răng miệng

Chị Trần Thị Ly (Gia Lâm, Hà Nội) đến viện khám trong tình trạng mặt sưng vù, người sốt cao vì bị răng sâu gây viêm sàn miệng, áp xe ổ quanh răng.

Theo chị Ly chị bị sâu răng, viêm tủy và gần đây răng đau khiến chị không ăn được gì. Chị Ly ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống nhưng không ăn thua.

Khi đến viện khám góc hàm chị sưng đau, bác sĩ cho biết chị bị áp xe quanh răng phải dẫn lưu mủ, ổ áp xe lan cả hai bên thành hầu.

Trường hợp của ông Nguyễn Đức C (59 tuổi, Hải Dương) cũng tương tự. Ông C. bị đau răng 1 tuần và đã khám ở phòng khám gần nhà nhưng không có kết quả, răng vẫn đau nên tiếp tục đi mua thuốc về uống.

Mặt sưng phù, răng đau nhức sau đó ông có dấu hiệu khó thở nên đã đến bệnh viện huyện kiểm tra. Bác sĩ phát hiện dịch mủ nhiều ở họng và chuyển lên tuyến trên.

Khi lên tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, ông C phải mổ cấp cứu vì nguy cơ tử vong rất cao do dịch mủ chảy xuống họng gây áp-xe ngạt thở cho bệnh nhân. Ông C có tiền sử đái tháo đường.

Toàn bộ ổ răng số 6 bị viêm bao quanh chân răng và áp xe tạo mủ ở chân răng khiến người bệnh đau, sốt cao và khó thở do dịch chảy từ răng xuống đường thở.

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ bị các bệnh răng miệng cũng rất nhiều. Bé Đỗ Thành K (4 tuổi, Long Biên, Hà Nội) sâu răng gây đau nhức khiến bé không ăn được gì. Khi đến khám, hàm răng của bé bị sâu hết. Bác sĩ vệ sinh vùng răng sâu và trám lại răng để bé có thể ăn và tránh thức ăn chui vào vùng răng sâu.

Theo điều tra về sức khỏe răng miệng của Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương vào chục năm trước người dân còn hết sức coi thường sức khỏe răng miệng. Mọi người không có thói quen kiểm tra răng miệng của mình hàng năm và coi đó là nơi không bao giờ bị bệnh.

Nguyên nhân do đâu?

GS Hải cho hay, tại Việt Nam hiện có trên 90% người có bệnh về răng miệng, trong đó khoảng trên 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi.

Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có trên 80% người có sâu răng vĩnh viễn; trên 60% trẻ em và trên 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng, trên 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay và đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.

Ngoài ra, còn tỷ lệ rất cao (trên 80%) thanh thiếu niên bị lệch lạc răng cần nắn chỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư vùng miệng cũng thường gặp tại các cơ sở khám chữa bệnh về răng hàm mặt. Cùng với đó là mỗi năm có hàng ngàn trẻ bị khuyết tật hở môi vòm miệng được sinh ra.

 90% người Việt mắc bệnh về răng này: Chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân - Ảnh 2.

GS Trịnh Đình Hải

Nhiều người chỉ đánh răng một lần sau khi thức dậy. Thói quen này khiến một số trẻ mới thay răng vài năm đã bị tình trạng răng sâu đến 5-6 chiếc. Bên cạnh đó, người dân không kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên và không có kiến thức chăm sóc răng miệng.

Cùng với đó, theo GS Hải yếu tố nguy cơ gây sâu răng gia tăng rất nhanh. Yếu tố đầu tiên đó là lượng đường. Theo nghiên cứu, mức tiêu thụ đường ở quốc gia liên quan mật thiết đến sâu răng. Nếu đất nước nào dùng nhiều đường thì tỷ lệ sâu răng rất cao.

Trước đây, hàm lượng đường tiêu thụ ở nước ta thấp. Theo thống kê năm 1990 trung bình một người tiêu thụ khoảng 6kg đường/năm. Đến năm 2000 tăng lên 13kg đường/năm và đến nay phải trên 20kg đường/người/năm.

Người Việt Nam có khẩu vị ăn ngọt và không chỉ người lớn trẻ em cũng nghiện đường. Đây chính là yếu tố khiến gia tăng tình trạng sâu răng. Ăn đường kèm theo lười vệ sinh răng miệng chính tạo ra tỷ lệ gia tăng sâu răng nhất là ở trẻ nhỏ.

GS Hải cho biết, có những bé 4 - 5 tuổi tới khám cả hàm răng không còn cái nào lành. Bố mẹ bé chủ quan nghĩ răng sữa sẽ thay nhưng sâu răng nó ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bé.

Thủ phạm thứ hai, gây bệnh sâu răng đó là yếu tố vi lượng trong nước uống hàng ngày (chất flour), nếu thiếu thì sẽ không bảo vệ được men răng trước các yếu tố tấn công gây sâu răng.

Khi ăn đặc biệt các loại thực phẩm có chứa chất bột đường, thức ăn còn sót ở mặt răng hay kẽ chân răng sẽ chuyển hóa thành axít, nếu độ PH xuống dưới 5,5 là có thể hủy khoáng ở men răng, gây ra lỗ sâu. Trong trường hợp nếu được cung cấp đủ flour sẽ làm men răng cứng, trơ trong môi trường axít men răng ít bị ảnh hưởng hơn nếu thức ăn còn sót lại trên bề mặt răng.

Để phòng bệnh răng miệng, GS Hải khuyến cáo cần giữ gìn vệ sinh răng miệng. Có thể kết hợp giữa chải răng sau khi ăn, dùng chỉ tơ nha khoa lấy thức ăn thừa và dùng nước súc miệng. Ngoài việc chăm sóc răng, người dân nên thường xuyên đến nha sĩ để được thăm khám và điều trị sớm nhằm ngăn tình trạng bệnh quá nặng.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên