MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ả Rập Xê Út và Nga "quyết chiến” để giành thị phần dầu mỏ Trung Quốc

05-05-2016 - 09:45 AM | Tài chính quốc tế

Kể từ khi giá dầu bắt đầu chiều hướng suy thoái vào giữa năm 2014, Nga và Ả Rập Xê Út đang âm thầm cạnh tranh không khoan nhượng để giành thị phần tại Trung Quốc. Và, "cuộc chiến” này ngày càng leo thang.

Mặc dù Ả Rập Xê Út có lịch sử là nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, đã vài lần Nga vượt mặt vương quốc dầu mỏ này nhờ dựa vào các "nhà máy lọc dầu ấm trà" (teapot refineries - tên lóng của các nhà máy sơ chế dầu thô chứ không phải các sản phẩm cao cấp hơn). Điều này đã buộc Ả Rập Xê Út phải làm gì đó mới mẻ, ví dụ như nhắm vào các nhà máy lọc dầu ấm trà để giành lại thị phần đã mất.

Tại Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu ấm trà nổi tiếng vì khả năng linh hoạt trong chế biến hơn các tập đoàn dầu khí quốc doanh. Năm 2015, các nhà máy này đã giành được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô, hầu hết số dầu trong đó sẽ được xuất khẩu dưới dạng các sản phẩm dầu.

Nga dường như đã khám phá ra thị trường Trung Quốc tiềm năng một hay hai năm về trước. Nga mau lẹ tiến vào thị trường Trung Quốc và gần đây trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho các nhà máy lọc dầu ấm trà của Trung Quốc. Ngoài ra, Nga đang khẩn trương xây những đường ống dẫn dầu mới đến Trung Quốc. Nước xuất khẩu dầu nhất nhì thế giới này cũng có các hợp đồng ký kết với các công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc.

Ả Rập Xê Út, nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ngày càng lo ngại rằng Nga sẽ thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Người Xê Út chủ động chào mời các nhà máy lọc dầu ấm trà Trung Quốc các hợp đồng dầu giao ngay. Điều này là khá bất thường với Ả Rập Xê Út vì nước này thiên về kinh doanh dầu trên các thị trường kỳ hạn với giá cố định. Theo một số nguồn tin, Ả Rập Xê Út đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc với mức giá thấp hơn giá thị trường và chấp nhận chịu lỗ chỉ hòng để công ty dầu khí quốc gia Ả Rập Xê Út - Aramco - tiếp tục giành được sự ân sủng của Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, Aramco gần đây đã bán 730.000 thùng dầu thô cho Shandong Chambroard Petrochemicals, một trong khoảng 20 nhà máy lọc dầu độc lập tại Trung Quốc. Điều thú vị về thương vụ này là có thể nhìn thấy đây là hợp đồng bán dầu giao ngay đầu tiên của Aramco cho một nhà máy lọc dầu độc lập. Aramco thường bán dầu thô thông qua các hợp đồng một năm hay dài hạn hơn theo giá bán chính thức thay vì giá bán trên thị trường giao ngay. Song có lẽ vì Nga đang làm Aramco bồn chồn lo sợ nên công ty này xuất dầu thô theo giá thị trường giao ngay và thậm chí với mức giá thấp hơn so với giá dầu thô chuẩn trên thị trường Dubai. Tàu chở 730.000 thùng dầu được lấy từ kho dự trữ của Aramco tại Okinawa (Nhật Bản) sẽ được chuyên chở đến Trung Quốc theo mức giá thấp hơn giá thị trường.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với các nhà máy lọc dầu ấm trà của Trung Quốc. Năm ngoái các nhà máy này đã phải chịu những yêu cầu thắt chặt tín dụng của các ngân hàng địa phương vì các ngân hàng này lo ngại về lợi nhuận giảm. Đầu năm họ vừa tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề này: 16 nhà máy nhất trí liên kết để nâng cao sức mua.

Hiệp hội Mua Dầu khí Trung Quốc đại diện cho các nhà máy lọc dầu độc lập được thành lập vào đầu tháng 3/2016 với tham vọng sẽ đảm đương toàn bộ dây chuyền nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu. Theo công ty môi giới tàu Gibson, các nhà máy lọc dầu ấm trà có thể chiếm 20% tổng khối lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay.

Trong tháng 3/2016, Trung Quốc đã nhập tổng cộng 32,61 triệu tấn dầu thô, tăng trên 1/5 so với tháng 3/2015. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong quý I/2016 đạt 91,1 triệu tấn, tăng 13,4 so với cùng kỳ năm trước. Các nhà máy lọc dầu ấm trà là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng này, và do vậy thật là dễ hiểu lý do tại sao các nhà máy này thu hút được nhiều sự chú ý của hai nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Dù có sự hiện diện của liên minh mới này, các nhà máy lọc dầu ấm trà Trung Quốc vẫn trong tình trạng tồi tệ hơn các công ty quốc doanh trong việc tiệm cận vốn vay tín dụng. Giá dầu nếu tăng sẽ càng làm trầm trọng tình hình của các nhà máy này. Dĩ nhiên, cả Nga và Ả Rập Xê Út có thể quyết định bán với giá chiết khấu. Song các nước này có thể đưa ra mức giá chiết khấu nào có tính khả thi?

Rút cục, đây có thể là một cuộc chiến về lòng kiên nhẫn và sức bền về tài chính.

Hiển nhiên, Ả Rập Xê Út "trên cơ" Nga về mặt tài chính song Nga nổi tiếng về tính kiên trì, nhẫn nại và quen thuộc với tình trạng thắt lưng buộc bụng khi cần thiết, điều mà Ả Rập Xê Út không có. Có lẽ sẽ là khôn ngoan hơn nếu cả hai cùng thư giãn và tìm kiếm các thị trường nhập khẩu dầu khác như Ấn Độ trước khi Iran, một đối thủ đáng gờm khác, có thể xâm nhập vào thị trường tiềm năng này đầu tiên.

Xuân Hương

Oilprice, Forbes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên