MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Adidas - Thành công nhờ nắm bắt "hơi thở" của thời đại

18-06-2017 - 19:03 PM | Tài chính quốc tế

Hãng Adidas AG (Đức) không chỉ được biết tới là thương hiệu đồ thể thao hàng đầu thế giới. Mới đây, tiếng tăm của “đế chế” có trụ sở ở Herzogenaurach này còn được thổi bùng thêm bởi các phát minh từ vật liệu tái chế.

Adolf "Adi" Dassler (3/11/1900-6/9/1978) là người sáng lập ra công ty trang phục thể thao Adidas. Được đào tạo để trở thành một thợ đóng giày, ông bắt đầu đóng những chiếc giày thể thao trong tiệm giặt là của mẹ mình sau khi trở về từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Hoạt động của Adidas thực sự đi vào quỹ đạo từ năm 1924, khi anh trai của Adi là Rudolf Dassler cũng tham gia vào việc kinh doanh giày. Cơ ngơi khi này được lập nên với tên gọi Gebrüder Dassler Schuhfabrik (Xưởng giày của anh em nhà Dassler).

Tiếng tăm của hai anh em Dassler thời kỳ này lan xa khi tài trợ cho vận động viên điền kinh người Mỹ gốc Phi Jesse Owens - người đoạt được bốn huy chương vàng tại Thế vận hội năm 1936.

Thế Chiến thứ 2 diễn ra đã gia tăng sự khác biệt về quan điểm chính trị giữa hai anh em Dassler, dẫn tới việc xưởng giày năm nào giờ bị phân tách thành hai nửa là Adidas (đặt theo biệt danh của Adi Dassler) và Puma (do Rudolf sáng lập).

Năm 1949, thương hiệu Adidas với biểu tượng ba sọc chính thức xuất hiện trên thị trường. Adidas hoạt động khá êm cho tới năm 1978 khi Adi qua đời, con trai của ông là Horst Dassler và vợ đã đứng lên kế nghiệp cha quản lý Adidas.

Thừa hưởng chiến lược kinh doanh của cha, Horst đã đưa thương hiệu Adidas phát triển không ngừng. Horst mất chín năm sau đó, vào năm 1987. Hai năm sau, Adidas được chuyển thành một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, nhưng vẫn thuộc sở hữu gia đình cho đến khi thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 1995.

Adidas đã trải qua những cột mốc đáng nhớ như thâu tóm Salomon Group năm 1997 hay mua lại Reebok vào năm 2006. Hiện Adidas đang nằm dưới sự điều hành của "phù thủy" Kasper Rorsted - người đã làm hồi sinh Henkel (Đức), tập đoàn tiêu dùng sở hữu các nhãn hiệu mạnh như Loctite, Teroson...

Hoạt động của Adidas song hành với khẩu hiệu “Impossible is Nothing” (Không có gì là không thể). Bộ đồ đầu tiên Adidas từng làm là dành cho cựu cầu thủ người Đức Franz Beckenbauer vào năm 1967. Các tên tuổi lẫy lừng như Zinedine Zidane, Allyson Felix... cũng đã từng kết hợp với Adidas. Không chỉ có bóng đá, Adidas còn lấn sân vào các môn thể thao khác như bóng rổ, golf, tennis, bóng bầu dục, trượt ván...

Adi là một nhà thiết kế đặc biệt, một nhà thiết kế không cầm bút chì và kéo mà dùng đinh và búa để tạo ra sản phẩm. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã nỗ lực phi thường trong việc tìm hiểu cảm giác của vận động viên để đáp ứng tối đa nhu cầu của họ. Các tiêu chí luôn được ông bám sát là sản phẩm giày phải phù hợp tối ưu với loại hình, môn thể thao; bảo vệ đôi chân và sức khỏe của người đi; hợp thời trang, không chóng bị lạc hậu.

Tiếp nối những chuẩn mực này cùng mong muốn thay đổi nhận thức của người sử dụng về vấn đề môi trường, Adidas mới đây đã đưa rác thải nhựa từ đại dương trở thành một phần của mẫu giày Ultra BOOST X Parley.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, Adidas đã sử dụng 740 tấn rác thải nhựa thu được từ Ấn Độ Dương để biến những “phế phẩm” này thành giày và áo phông. Bước đi này tại thời điểm hiện tại có thể coi là một cú đẩy mạnh cho thương hiệu Adidas khi biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất toàn cầu.

Adidas cho biết tính tới cuối năm nay sẽ có ít nhất 1 triệu đôi giày được sản xuất từ rác nhựa. Hướng đi này còn đã được khẳng định bởi Giám đốc điều hành mảng kinh doanh Adidas Outdoor tại Mỹ Greg Thomsen khi ông cho rằng với 40 triệu pound (1 pound = 0,453kg) rác thải nhựa trôi nổi tại khu vực Bắc Thái Bình Dương, Adidas nhận thấy tạo ra sự thay đổi là điều cần thiết cho tương lai của môi trường.

Đội ngũ nhân lực của Adidas trên toàn thế giới hiện vào khoảng hơn 60.600 người. Lợi nhuận ròng của Adidas tăng 30% lên 455 triệu euro (495 triệu USD) trong quý 1 vừa qua, nhờ doanh số bán khả quan tại thị trường Bắc Mỹ. Doanh thu giai đoạn này tăng 19% lên 5,67 tỷ euro. Tính tới tháng 5/2017, giá trị vốn hóa thị trường của Adidas đạt 39,6 tỷ USD.

Được đánh giá là một thương hiệu đầy quyền năng, Adidas không chỉ là niềm tự hào của nước Đức, mà còn là sự kiêu hãnh của tất cả những ai sử dụng sản phẩm mang biểu tượng ba sọc này.

Theo Kim Dung

Vietnam+

Trở lên trên