MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Agribank tiếp tục đại hạ giá khoản nợ gần 350 tỷ của Nông Trường Sông Hậu, chỉ còn 98,5 tỷ

01-12-2021 - 20:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Agribank tiếp tục đại hạ giá khoản nợ gần 350 tỷ của Nông Trường Sông Hậu, chỉ còn 98,5 tỷ

Agribank từng nhiều lần rao bán khoản nợ của Nông Trường Sông Hậu nhưng bất thành. Qua mỗi lần đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ lại bị hạ xuống, từ mức 348,8 tỷ đồng trong lần đấu giá đầu tiên và hiện giảm xuống chỉ còn 98,5 tỷ đồng.

Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu TP Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu).

Đây là khoản vay có tài sản bảo đảm của Nông Trường Sông Hậu tại Agribank chi nhánh TP.Cần Thơ theo 4 hợp đồng cấp tín dụng được ký vào các năm 2000, 2001, 2003 giữa Agribank Chi nhánh TP.Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu.

Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 30/3/2021 là gần 349 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 97 tỷ và nợ lãi hơn 252 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm có hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ký giữa Agribank chi nhánh TP. Cần Thơ và Nông trường Sông Hậu; hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa Agribank chi nhánh TP.Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu; giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Cần Thơ cấp ngày 24/3/1999; Quyết định số 710/QĐ.HC về việc giao đất và cấp quyền sử dụng đất cho Nông Trường Sông Hậu ngày 23/3/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ và các văn bản, tài liệu có liên quan khác.

Agribank chào giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 98,5 tỷ đồng, tương đương 28% giá trị khoản nợ. Trước đó, ngân hàng từng nhiều lần rao bán khoản nợ này nhưng bất thành. Qua mỗi lần đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ lại bị hạ xuống, từ mức 348,8 tỷ đồng trong lần đấu giá đầu tiên và hiện giảm xuống chỉ còn 98,5 tỷ đồng.

Nông trường Sông Hậu được thành lập vào tháng 4/1975, từng được xem là mô hình điểm trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của cả nước. Đến năm 1992, UBND tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Nông trường Sông Hậu với 100% vốn nhà nước.

Thời cao điểm, nông trường này tổ chức sản xuất trên diện tích gần 7.000 hecta với hơn 2.500 hộ nông trường viên. Đồng thời, nông trường có tới 14 phân xưởng chế biến lương thực, thực phẩm, đóng hộp hàng nông sản, một nhà máy chế biến thủy hải sản, một nhà máy chế biến gỗ hoạt động ngày đêm, doanh số sản phẩm trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi cơ chế, Nông trường lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất.

Theo kết luận của UBND TP Cần Thơ, đến ngày 30/6/2019, lỗ lũy kế của Nông trường Sông Hậu là 452 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm đó, Nông trường Sông Hậu nợ quá hạn ngân hàng chưa được xử lý hơn 409 tỷ đồng, trong đó nợ Agribank chi nhánh Cần Thơ gần 260 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Cần Thơ hơn 149 tỷ đồng.

Agribank tiếp tục đại hạ giá khoản nợ gần 350 tỷ của Nông Trường Sông Hậu, chỉ còn 98,5 tỷ - Ảnh 1.

Một góc Nông trường Sông Hậu vào tháng 8/2018. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Để tháo gỡ những khó khăn tài chính kéo dài nhiều năm của Nông trường Sông Hậu, năm 2019 UBND TP. Cần Thơ quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của nông trường sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên.

Hồi đầu năm nay, UBND TP. Cần Thơ đã có công văn gửi Agribank xem xét có quyết định miễn lãi vay cho Nông trường Sông Hậu để đơn vị này tiếp tục hoàn thiện phương án tài chính, phương án sản xuất kinh doanh và phương án chuyển đổi Nông trường.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên