MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai sẽ lộ diện từng nhận tiền của OceanBank?

28-09-2017 - 09:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Từ phiên tòa xét xử đại án OceanBank, Cơ quan CSĐT đã có căn cứ để khởi tố 3 doanh nghiệp thuộc PVN nhận tiền chi lãi ngoài gồm VietsovPetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), và PVEP.

Trong số đó có tới 4 lãnh đạo cao nhất của BSR từng phải trình diện tại Tòa để đối chất với bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên TGĐ OceanBank. Cũng từ phiên tòa này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố cựu Kế toán trưởng của PVN Ninh Văn Quỳnh, người đã thừa nhận nhận 20 tỷ đồng chi lãi ngoài từ Nguyễn Xuân Sơn.

Mặc dù con số 20 tỷ đồng mà ông Quỳnh thừa nhận vẫn là quá nhỏ so với con số 246 tỷ đồng chi lãi ngoài của OceanBank, được Cơ quan CSĐT xác định Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển cho PVN thông qua ông Quỳnh. Bản thân Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận số tiền đã chi cho PVN khoảng 200 tỷ đồng, mặc dù cựu TGĐ OceanBank không nói rằng “không nhớ chính xác con số cụ thể”.

Những ẩn số từ số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài cho PVN và các công ty thành viên của Tập đoàn này sẽ được làm sáng tỏ trong giai đoạn 2 của vụ án, trong đó những địa chỉ nhận tiền chi lãi ngoài cùng các cá nhân nhận tiền chi lãi ngoài cũng sẽ được làm sáng tỏ. Ngoài 3 doanh nghiệp nói trên, Nguyễn Minh Thu khai đã chi tiền cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cáo trạng sô 35 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã nêu hơn 400 doanh nghiệp nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank, trong đó số tiền lớn được tập trung chi cho các doanh nghiệp thuộc PVN.

Trong phần tranh luận của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên tòa ngày 24/09, đại diện của VKS khẳng định: “Với số tiền hàng nghìn tỷ đồng chi tới các lãnh đạo của các tổ chức bằng nguồn tiền gửi để các cá nhân này trục lợi, chiếm đoạt. Nguồn vốn này là tài sản của Nhà nước, trong giai đoạn 2 của vụ án, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai chiếm dụng, chiếm dụng như thế nào, nguồn tiền gửi này có phải nguồn vốn nhàn rỗi hay không, nguồn tiền gửi này có phải ngắn hạn để cho vay dài hạn. Những vấn đề này Cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý triệt để vụ án.”

Cũng trong ngày 24/09, khi được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, Nguyễn Xuân Sơn đã kêu gọi những người từng là cộng sự của mình tại PVN hãy trả lại tiền để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

“Bị cáo mong muốn những ai đã nhận tiền chăm sóc khách hàng của bị cáo cũng như từ những người khác của OceanBank hãy bình tâm suy nghĩ một cách thấu đáo để hoàn trả lại số tiền bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, để trong thâm tâm được thanh thản và được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.”, Nguyễn Xuân Sơn nói.

Cũng chính vì vậy, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị HĐXX xử lý vấn đề số tiền chi lãi ngoài của OceanBank sau khi Cơ quan CSĐT điều tra xong giai đoạn 2 của vụ án. Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng “người nhận tiền phải trả”. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm, cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng các bị cáo trong vụ án này sẽ bị thiệt thòi nếu bị xử lý hình sự và bị quy trách nhiệm dân sự trong giai đoạn 1 của vụ án.

Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang, nguyên Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, cay đắng nói về nguy cơ phải chịu trách nhiệm dân sự: “Với hơn 700 tỷ đồng phải chịu như cáo buộc của Viện Kiểm sát thì phải 10 đời không ăn không tiêu mới đủ trả”. Trong khi Nguyễn Minh Thu khi nói lời cuối cũng bày tỏ: “Với trách nhiệm dân sự lên đến mấy trăm tỷ đồng, bị cáo đã trình bày tiền đã đến đích, nếu chỉ chịu trách nhiệm một phần thì bị cáo phải làm đến 100 năm mới đền bù hết số tiền này”.


Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank.

Việc xác định trách nhiệm dân sự cũng là nội dung chính được Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng HĐXX cần quan tâm khi xét đến trường hợp của Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu và các Giám đốc Khối thuộc hội sở.

“Vậy thì, nếu giải quyết phần dân sự trong vụ án này sẽ là vội vàng, dẫn tới mâu thuẫn nguyên tắc mà chính dại diện Viện KS đưa ra, rằng “người chiếm hưởng phải có trách nhiệm hoàn trả”. Bây giờ buộc các bị cáo trong hội sở phải có trách nhiệm bồi thường, sau này chứng minh được trong 3 Doanh nghiệp (VietsovPetro, BSR, PVEP) đã nhận số tiền là bao nhiêu cũng nằm trong 1.576 tỷ, rồi những người bị cáo Sơn khai ra tiếp tục tăng lên.. Vậy vấn đề quyết đinh dân sự trong vụ án này sẽ bất cập, phần nào đó cản trở công tác đấu tranh điều tra các vụ án đã bị khởi tố”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa là số tiền này nếu thu lại sẽ trả cho ai. Nếu trả cho Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương, theo Luật sư Thiệp, sẽ dẫn tới bất cập: Hà Văn Thắm đã bị mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu (62,97%), nay lại phải bỏ tiền túi ra một lần nữa để bồi thường số tiền không đủ căn cứ xác định là thiệt hại cho ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị trước toà: “Về phần dân sự, tôi đề nghị HĐXX áp dụng điều 28 Bộ Luật tố tụng hình sự và Công văn số 121/2003/KHXX của Tòa án nhân dân tối cao ngày 19/9/2003 về việc “giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự” để tách phần trách nhiệm dân sự giải quyết sau bằng trình tự dân sự. Sau khi xem xét, có đủ cơ sở để xác định những người, số tiền đã thụ hưởng thì phải hoàn trả, đó là trách nhiệm cá nhân của họ. Và như vậy mới giải quyết được tất cả những bất cập nêu trên về vấn đề thiệt hại và trách nhiệm hoàn trả.”

Theo PV

Infonet

Trở lên trên