MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Âm thầm tăng giá gấp đôi, cổ phiếu này đe dọa soán ngôi REE trên thị trường chứng khoán

Trong khi giá cổ phiếu REE có diễn biến không mấy hấp dẫn thì trong vòng 6 tháng qua, cổ phiếu của đối thủ đã từng bước chậm rãi tăng lên gấp đôi.

Từ trước đến nay, khi nhắc đến lĩnh vực cơ điện lạnh, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thường chỉ nhớ đến CTCP Cơ điện lạnh với mã chứng khoán REE. Nhưng từ nhiều năm nay, REE không chỉ đơn thuần kinh doanh trong lĩnh vực này nữa mà mở rộng đầu tư vào bất động sản, điện, nước. Trong khi đó, 2 năm qua, một công ty cơ điện lạnh khác đã tăng tốc vượt lên và được đánh giá là đang vươn đến ngôi đầu trên thị trường M&E. Đó là CTCP Kỹ Nghệ Lạnh (SEAREFICO, mã: SRF).

Cổ phiếu SRF đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/08, SRF đã có giá 29.000 đồng – tức tăng gấp đôi so với thời điểm đầu tháng 3/2016 khi SRF bắt đầu được chú ý và túc tắc đi lên. Đây là con số tính theo giá điều chỉnh do ngày 14/4, doanh nghiệp đã chốt quyền để nhận cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 15%.

Không có thanh khoản quá lớn, mức tăng 100% trong 6 tháng cũng không là gì so với DTV, KTS, NKG, TLH… hay hàng chục cổ phiếu có mức tăng trưởng trên 100% khác, nhưng diễn biến giá của SRF được xem là hợp ý những nhà đầu tư theo cơ bản với cách đi chậm và chắc.


Diễn biến giá SRF 6 tháng qua.

Diễn biến giá SRF 6 tháng qua.

Với mức giá này, SRF đã cao hơn giá của REE – doanh nghiệp đang giữ ngôi số 1 trong ngành cơ điện lạnh. Đóng cửa phiên giao dịch 30/08, REE đạt 20.000 đồng. Ngoại trừ đợt tăng giá mạnh trong 2 tháng đầu năm thì từ tháng 3 đến nay, diễn biến cổ phiếu REE không mấy hấp dẫn.


Diễn biến giá cổ phiếu REE trong 6 tháng qua.

Diễn biến giá cổ phiếu REE trong 6 tháng qua.

SEAREFICO đã lột xác khi Taisei Oncho tham gia

Sự tăng trưởng của giá cổ phiếu bắt nguồn từ phong độ của doanh nghiệp.

SEAREFICO được thành lập năm 1993, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex Vietnam). Sau nhiều lần thay đổi, đến nay, SRF có vốn điều lệ hơn 243 tỷ đồng với các cổ đông lớn là Taisei Oncho (TOC), CTCP Sao Phương Nam và Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.


Cơ cấu cổ đông của SRF

Cơ cấu cổ đông của SRF

Trước đây, Vinamilk từng là cổ đông lớn của SRF, nhưng đầu năm 2015 đã chuyển nhượng gần hết số cổ phần cho Taisei Oncho - một trong 10 nhà thầu M&E và lạnh công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Có thể thấy hoạt động kinh doanh của SRF bắt đầu cải thiện mạnh từ năm 2013 sau khi có sự tham gia của đối tác chiến lược này. Doanh thu của SRF đã tăng từ 566 tỷ đồng năm 2013 lên trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2015. Mức tăng trưởng doanh thu không dưới 20%/năm. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh từ mức 39 tỷ đồng năm 2013 lên 65 tỷ đồng trong năm 2014 và 2015.

Với sự hỗ trợ của Taisei Oncho, SRF liên tục trúng các gói thầu từ các khách hàng lớn là Vingroup và Sơn Kim. Hiện tại, SRF đang thầu các dự án nổi bật như L2 Vinhomes Central Park, Pearl Plaza, Gateway Thảo Điền, Garden Gate, Vincom Mega Mall Thảo Điền, Habitat Bình Dương…

Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, trong khi REE đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trong mảng M&E từ 2011 đến 2015 là 13% thì SRF đạt mức tăng trưởng đến 17%. Và nếu năm 2012, doanh thu của SRF chỉ bằng 47% của REE thì dự kiến năm 2016, doanh thu M&E của SRF sẽ tương đương 86% của đối thủ. Như vậy, khoảng cách giữa SRF với ngôi đầu trên thị trường M&E đã thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, trong năm 2015, nếu không nhờ khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng đất trị giá 19,4 tỷ đồng thì lợi nhuận của SRF đã giảm mạnh so với năm 2014. Đến năm 2016, dù đặt kế hoạch doanh thu năm 2016 tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận kế hoạch mà SRF đặt ra chỉ có 60 tỷ - tăng so với lợi nhuận 2015 nếu loại bỏ lợi nhuận bất thường, nhưng vẫn thấp hơn 2014.

Bên cạnh đó, nếu so với mảng M&E của REE thì có thể doanh thu của SRF đang thu hẹp khoảng cách, nhưng lợi nhuận chỉ bằng một nửa.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên