MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Amazon bị thanh niên 22 tuổi lừa mất 370.000 USD bằng thủ đoạn xưa như Trái Đất

05-08-2019 - 14:59 PM | Thị trường

Đây được cho là vụ lừa đảo lớn thứ nhì nhằm vào Amazon từ trước đến nay.

Theo một số tờ báo tại Tây Ban Nha, James Gilbert Kwarteng, 22 tuổi, sống tại Palma de Mallorca (Tây Ban Nha), đã bị cáo buộc lừa đảo Amazon số tiền gần 370.000 USD.

Phương thức mà thanh niên này áp dụng hóa ra lại đơn giản đến đáng ngạc nhiên: đặt vài món hàng, lấy hàng ra giữ lại, sau đó nhồi đất vào hộp sao cho trùng với khối lượng sản phẩm và gửi những chiếc hộp này về Amazon để yêu cầu hoàn tiền.

Chính sách bán hàng của Amazon có quy định sẽ hoàn tiền khi khách hàng yêu cầu và gửi hộp sản phẩm trở lại - vấn đề ở đây là công ty không mở hộp ngay khi nhận về để kiểm tra hàng hóa bên trong.

Các bản tin mô tả hành vi của Kwarteng và một đồng phạm khác là rất tinh vi, rằng khi nhận được hàng, anh này sẽ đặt hộp lên cân và ghi lại khối lượng chính xác, mở sản phẩm, nhồi đất vào hộp cho đến khi đạt khối lượng ban đầu, rồi sau đó bán chúng đi.

Công việc kinh doanh có vẻ thuận lợi, doanh số ổn định đến mức Kwarteng quyết định thành lập hẳn một công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên Kwartech - ghép chữ giữa tên anh ta và từ "technology".

Amazon bị thanh niên 22 tuổi lừa mất 370.000 USD bằng thủ đoạn xưa như Trái Đất - Ảnh 1.

Kiện hàng chứa đất mà Kwarteng gửi về Amazon

Amazon mới đây đã xem xét lại chính sách đổi trả hàng hóa và phát hiện ra nhiều kiện hàng chứa đất tại trung tâm kho vận ở Barcelona. Cảnh sát lúc này vào cuộc điều tra và tóm gọn Kwarteng vào hôm thứ 7 vừa qua. Anh này đã bị đưa ra tòa và sau đó được thả với khoản tiền chuộc 3.000 Euro. Bố mẹ của James cũng bị buộc tội liên đới, nhưng luật sư của Kwarteng cho biết đang nghiên cứu hồ sơ để loại trừ án phạt với hai vị phụ huynh này.

Trước đó, vào năm 2017, một cặp đôi người Mỹ là Erin Finan và Leah Jeanette Finan từng gây ra một vụ việc lớn hơn nhiều so với Kwarteng, khi bị cáo buộc lừa đảo qua thư và rửa tiền sau khi chiếm đoạt từ gã khổng lồ làng thương mại điện tử một lượng thiết bị điện tử tiêu dùng trị giá đến 1,2 triệu USD.

Cụ thể, cặp đôi này đã tạo ra hàng trăm danh tính và tài khoản Amazon giả mạo trực tuyến để mua gần 3.000 món đồ điện tử, từ máy ảnh kỹ thuật số, máy chơi game, đến tablet.

Trong một số trường hợp, chính sách chăm sóc khách hàng của Amazon cho phép khách hàng nhận hàng đổi trả trước cả khi gửi món hàng bị hỏng về nơi xuất phát - đó chính là kẽ hở bị cặp đôi này lợi dụng: họ nói với Amazon rằng các sản phẩm gửi đến đã bị lỗi hoặc bị hư hỏng. Sau khi nhận được các món hàng thay thế, cặp đôi đã xóa luôn tài khoản ảo trước khi trả hàng lỗi lại và đem chúng đi bán.

Tham khảo: BusinessInsider


Theo Tấn Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên