MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Amazon đang làm giảm tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới như thế nào?

09-10-2017 - 19:59 PM | Tài chính quốc tế

Một chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Nomura vừa đưa ra 1 báo cáo khá thú vị dựa trên ý tưởng giờ đây mạng internet đang khiến tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu giảm xuống.

Bilal Hafeez, người đứng đầu mảng chiến lược giao dịch ngoại hối và trưởng bộ phận nghiên cứu tại Nomura, vừa công bố hai báo cáo nghiên cứu tác động của Amazon và các công ty thương mại điện tử tương tự đến giá trị của đồng USD. Ông gọi đây là hiện tượng “Amazon hóa lạm phát”.

Báo cáo chỉ ra rằng trong 5 thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ lạm phát trung bình của nước Mỹ đã liên tục sụt giảm: từ mức 7,1% trong những năm 1970 xuống 5,6% trong những năm 1980, 3% trong những năm 1990, 2,6% trong những năm 2000 và 1,7% trong những năm 2010.

Và đây là diễn biến lạm phát ở các nền kinh tế lớn trên thế giới. Có thể thấy ở eurozone và Nhật Bản cũng có xu hướng tương tự.

Từ năm 2010 đổ về trước, nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này là làn sóng toàn cầu hóa, thứ khiến chi phí sản xuất giảm mạnh. Chỉ riêng Trung Quốc đã bổ sung thêm hàng trăm triệu công nhân mới vào lực lượng lao động, làm giảm tỷ lệ lạm phát tiền lương trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Hafeez chỉ ra rằng trong thập kỷ hiện tại, các công ty thương mại điện tử mà điển hình là Amazon đang khiến nguồn cung và chi phí phân phối hàng hóa trở nên rẻ đến nỗi khiến tỷ lệ lạm phát giảm xuống ở góc độ vĩ mô.

“Mô hình phân phối độc đáo và danh mục sản phẩm phong phú của Amazon tạo nên 1 nguồn lực mới chống lại hiện tượng lạm phát”, ông viết.

Ý tưởng này ngày càng được nhiều chuyên gia phân tích nhắc đến.

Quay trở lại tháng 9/2016, chuyên gia kinh tế James Pomeroy của ngân hàng HSBC đã đề cập đến “vấn đề Spotify” (Spotify là một trong những dịch vụ âm nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới). Theo Pomeroy, Internet cho phép người tiêu dùng mua sắm và so sánh giá cả 1 cách hết sức dễ dàng, thậm chí còn thay thế những hàng hóa đắt đỏ ở các cửa hàng truyền thống. Ví dụ, khách hàng sẽ ngừng việc trả 20 bảng mỗi tháng cho 1 chiếc đĩa CD nhạc vì chỉ tốn 10 bảng mỗi tháng cho 1 tài khoản Spotify và được nghe nhạc không giới hạn. Kết quả là các doanh nghiệp phải thi nhau hạ giá để có thể cạnh tranh.

Cùng lúc đó, nền kinh tế chia sẻ mà trong đó người ta có thể cài các ứng dụng trên điện thoại di động để được cung cấp dịch vụ cũng khiến lạm phát giảm vì những ứng dụng này điều khiển “tắt” và “bật” nhu cầu về lao động giống như 1 bóng đèn vậy. Về mặt kỹ thuật thì những lái xe cho Uber hay nhân viên làm việc cho Deliveroo là những lao động tự do. Họ không có sức mạnh đàm phán lương như các lao động toàn thời gian.

Tú Anh

Business Insider

Trở lên trên