MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

AMD giảm sàn, kịch bản tăng trần liên tục - lao dốc không phanh có lặp lại?

Trong phiên giao dịch hôm qua, ngày 08/06, khối lượng khớp lệnh của AMD đã đột biến lên tới 8,2 triệu cổ phiếu – đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD Group đã giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 08/06 sau chuỗi tăng trần 8 phiên liên tục. Kịch bản này khá quen thuộc gần đây: Một doanh nghiệp không mấy nổi bật nhưng tăng trần không ngừng nghỉ và khi giảm sàn thì cũng tương tự.

Một phiên giảm sàn chưa thể đưa đến kết luận dù trong phiên hôm qua, khối lượng khớp lệnh của AMD đã đột biến lên tới 8,2 triệu cổ phiếu – đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Và trong phiên sáng ngày 09/06, AMD lại tiếp tục giảm sàn.

Sự tăng trần của AMD bắt nguồn từ thông tin FLC Faros – một cái tên nổi tiếng trên thị trường chứng khoán, đã thông qua chủ trương mua lại tối đa 24,9% vốn điều lệ (tương đương với hơn 16 triệu cổ phiếu). Sau khi thương vụ hoàn tất, FLC Faros sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của AMD.

Có thể thấy từ phiên giao dịch ngày 31/05/2017, khối lượng của AMD đã tăng đột biến lên con số 1,4 triệu đơn vị và liên tục những phiên sau đó, khối lượng của cổ phiếu này chưa bao giờ dưới đơn vị triệu cổ phiếu.

Trong vòng 9 phiên qua, tổng khối lượng khớp lệnh của AMD là 28,8 triệu đơn vị và khối lượng thỏa thuận là hơn 23 triệu đơn vị - đã lớn hơn con số mà FLC Faros muốn mua rất nhiều, mặc dù công ty này chưa công bố có mua đủ 16 triệu cổ phiếu hay không.

AMD Group vốn là một công ty có hoạt động kinh doanh rất đa dạng, gồm các lĩnh vực như khai thác kinh doanh khoáng sản, tư vấn đào tạo, công nghệ cao, thương mại và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Vào đầu năm 2016, kế hoạch đặt ra của AMD vẫn là doanh thu chủ yếu đến từ kinh doanh than cốc, bất động sản và máy móc cho đóng tàu vỏ thép.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, doanh nghiệp này đã thay đổi và đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành khai thác đá xây dựng. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc thì mối duyên này đến từ sự gợi ý của tỷ phú Trịnh Văn Quyết và bản thân ông Đức có “niềm say mê” đối với đá tự nhiên. Ông Đức cũng nói, sự thay đổi trong kế hoạch kinh doanh là bởi linh hoạt khi có cơ hội.

Theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2016, AMD đạt 1.383 tỷ đồng doanh thu thuần – tăng 34% so với năm trước và lợi nhuận ròng đạt 42,3 tỷ đồng – tăng 75,7%. Không chỉ năm 2016 mà trong 3 năm gần đây doanh thu của AMD đều tăng trưởng với tốc độ phi mã. Năm 2015, Công ty có tăng trưởng doanh thu tới 115%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng cao và những “bức tranh màu hồng” về triển vọng, AMD vẫn bộc lộ sự không ổn định về nền tảng tài chính.

Báo cáo tài chính của công ty này cho thấy, dòng tiền để AMD chi tiêu trong cả năm 2016 không đến từ hoạt động kinh doanh mà xuất phát hoàn toàn từ hoạt động tài chính, chủ yếu là tiền thu từ phát hành cổ phiếu 510 tỷ đồng và tiền vay nhận được 119,6 tỷ đồng. Trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính ghi âm gần 164 tỷ đồng, trái ngược với kết quả dương 22,4 tỷ của năm trước.

Dòng tiền âm chủ yếu do AMD ghi tăng các khoản phải thu thêm 478 tỷ đồng trong năm 2016. Kết quả này cũng tương đồng với cơ cấu tài chính của công ty vào cuối năm khi các khoản phải thu ngắn hạn đạt 621,6 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm. Chỉ tính riêng khoản mục phải thu đã chiếm quá nửa tổng tài sản của AMD.

Sang quý 1/2017, lưu chuyển tiền thuần của hoạt động kinh doanh của công ty tiếp tục âm hơn 65,3 tỷ, dòng tiền vào gần 100 tỷ đồng vẫn xuất phát hoàn toàn từ phát hành cổ phiếu (24,8 tỷ) và đi vay (73 tỷ đồng). Những ảnh hưởng đầu tiên đã bộc lộ khi lãi vay trong quý đầu tiên năm 2017 hơn 3 tỷ đồng kéo lợi nhuận giảm 40% so với cùng kỳ.

Cũng theo số liệu này, khoản phải thu lớn nhất của AMD thuộc về CTCP Đầu tư thương mại Thái Hưng với gần 220 tỷ đồng và 176 tỷ đồng phải thu khác. Mặc dù khoản thu này không được giải trình chi tiết, nhưng dựa vào BCTC kiểm toán năm 2016 có thể thấy, chủ yếu là các khoản đặt cọc mua cổ phần và ủy thác đầu tư. Tại thời điểm 31/12/2016, AMD ủy quyền 15 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Hưởng - Ủy viên HĐQT để mua cổ phần và ủy thác đầu tư cho CTCP DV Pháp Việt – công ty liên kết của AMD với số tiền 92 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, bản thân AMD đang ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn cho CTCP Thép Việt Ý gần 215 tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp khác với số tiền từ vài tỷ đến gần 11 tỷ đồng.

Bảo Bối

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên