MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Anphat Mineral (HII), “người mới” của sàn HoSE có gì đặc biệt?

23-05-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Mới đây, Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đã ra thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu với 13,6 triệu cổ phiếu HII của CTCP Nhựa và Khoáng sản An Phát – Yên Bái (Anphat Mineral). Việc chuẩn bị lên sàn HoSE được coi là bước ngoặt lớn với Anphat Mineral sau 8 năm đi vào hoạt động.

Theo tìm hiểu, Anphat Mineral có trụ sở tại Khu Công nghiệp phía Nam, xã Văn Tiến, tỉnh Yên Bái, chuyên kinh doanh hạt nhựa nguyên sinh (PP, PE) và sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCO3. Cổ đông lớn là CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) đang nắm giữ 35% cổ phần tại Anphat Mineral.

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Anphat Mineral đã tăng trưởng tích cực. Năm 2016, công ty đạt doanh thu thuần 194 tỷ đồng – tăng 3%; Lợi nhuận sau thuế đạt 11,56 tỷ đồng – tăng 79% so với năm trước đó.

Năm 2017, Anphat Mineral đặt kế hoạch khá tham vọng với doanh thu thuần 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 55 tỷ đồng. Báo cáo KQKD quý 1 vừa qua cho biết lợi nhuận sau thuế công ty đạt 10,86 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ 2016. Con số lợi nhuận Anphat Mineral đạt được trong quý 1 vừa qua tương đương 94% mức lợi nhuận đạt được trong cả năm 2016 (11,56 tỷ đồng) và bằng 20% kế hoạch năm 2017.

Trong tháng 8/2016, Anphat Mineral đã đầu tư vào dự án nâng công suất nhà máy sản xuất hạt Nhựa CaCO3 lên 100.000 tấn/năm và Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 công suất 220.000 tấn/năm. Nhà máy bột đá khi đi vào hoạt động sẽ làm nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy sản xuất hạt nhựa CaCO3 của chính công ty đồng thời hướng đến thị trường xuất khẩu, vốn đã được xây dựng từ các năm trước khi doanh nghiệp này xuất thành phẩm sang các nước.

Trong năm 2014, doanh thu từ thị trường xuất khẩu của Anphat Mineral đạt 53 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng gấp đôi lên 108 tỷ đồng và đạt con số 131 tỷ đồng trong năm 2016. Do đó, việc đưa vào vận hành nhà máy mới sẽ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu hơn nữa. Theo kế hoạch, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm hạt nhựa CaCO3, bột đá để làm nguyên liệu đầu vào cho AAA thì An Phát Yên Bái cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như EU, UAE, Nga, Ấn Độ...

Cũng phải nói thêm rằng, ngành nhựa mặc dù rất tiềm năng nhưng Việt Nam hiện nay vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Thống kê Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nhựa trong nước chỉ cung cấp được 20% - 30% nguồn nguyên liệu nhựa, chủ yếu là PVC, PET, PP, PE. Đối với nhựa PVC, PET, hiện có hai doanh nghiệp sản xuất với năng lực 300.000 tấn/năm.

Với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng cũng như tiềm năng tăng trưởng còn rộng mở, Anphat Mineral đang hứa hẹn là một sự lựa chọn thú vị cho nhà đầu tư sau khi lên sàn.

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên