MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực đã gần kề, ngân hàng “chạy đua” với Basel II

16-10-2019 - 11:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu không thực hiện đúng lộ trình Thông tư 41, ngân hàng sẽ có nguy cơ đối diện với hàng loạt quy định khắt khe từ nhà quản lý.

Còn chưa đầy ba tháng...

Vừa qua, thị trường ghi nhận một số ngân hàng thương mại đã tăng vốn thành công, quy mô từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng.

VIB là một ví dụ. Ngân hàng này vừa tăng vốn điều lệ thành công từ 7.834 tỷ đồng lên 9.245 tỷ đồng, tương đương với tăng thêm 18%. Số vốn tăng thêm qua phát hành hơn 141 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Tương tự, OCB cũng đã nâng vốn điều lệ lên 7.898 tỷ đồng, từ mức 6.599 tỷ đồng trước đó. Việc tăng vốn được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%.

Ngân hàng SeABank mới đây cũng cho biết, vừa hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng trong tháng 9 vừa qua.

Còn với “ông lớn” BIDV, sau nhiều năm “dậm chân tại chỗ”, vốn điều lệ của ngân hàng tới đây cũng sẽ có sự thay đổi khá lớn khi có sự tham gia của đối tác đến từ Hàn Quốc là KEB Hana Bank.

Theo thông tin từ lãnh đạo ngân hàng, dự kiến ngay trong tháng 10 này số tiền bán 15% cổ phần sẽ được chuyển về.

Vốn điều lệ tăng sẽ giúp các nhà băng tăng năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ.

Và quan trọng hơn, là để đáp ứng chuẩn Basel II đang cận kề; trường hợp đã áp trước hạn thì hướng đến đáp ứng một cách toàn diện hơn nữa.

Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng có thể tăng vốn dễ dàng.

Kể từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của VietinBank vẫn “dậm chân” ở mức 37.234 tỷ đồng trong khi cũng trong khoảng thời gian này, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng hơn 39% còn tại Techcombank đã tăng tới hơn 4 lần.

Do dư địa để tăng vốn điều lệ theo cách thông thường đã cạn kiệt, VietinBank đang buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn, liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2, với chi phí lãi suất cao.

Theo lộ trình đã được Chính phủ đề ra, đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại sẽ phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II, trong đó, ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Như vậy, chiếu theo lộ trình đó, cũng như chuẩn bị cho thực hiện Thông tư 41 (chuẩn mực an toàn vốn Basle II - phương pháp tiêu chuẩn), thời hạn còn lại chưa đầy ba tháng, việc tăng vốn, vì thế, càng trở nên cấp thiết.

Áp lực cũng trở nên lớn hơn ở giải pháp tăng vốn, khi một số ngân hàng thương mại có thị giá cổ phiếu trên sàn thấp hơn mệnh giá, kéo dài trong thời gian qua.

Hoặc ở một hướng khác, khi khó tăng vốn, để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng được Basel II, ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu lại tài sản một cách quyết liệt.

Nguy cơ bị “trừng phạt” nếu không đúng hạn

Cập nhật mới nhất từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay đã có 17 ngân hàng thương mại đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn; trong đó có 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, TPB, Techcombank, MSB, HDBank đã được cấp “giấy chứng nhận” áp dụng Basel II.

Như trên, bên cạnh việc tăng vốn cấp 1 và cấp 2, cũng có nhiều thành viên chọn phương án tăng CAR bằng cách cơ cấu lại danh mục tài sản có, giảm bớt những cấu phần có hệ số rủi ro lớn níu kéo CAR.

Điều này có nghĩa, thay vì cho vay các danh mục có hệ số rủi ro cao như bất động sản hoặc chứng khoán..., các nhà băng chuyển sang danh mục cho vay có hệ số rủi ro thấp hơn, sử dụng hiệu quả biện pháp giảm thiểu rủi ro như quản lý tài sản bảo đảm.

Phương án này đặc biệt có hiệu quả với các ngân hàng quy mô nhỏ, có thể linh hoạt hơn trong cơ cấu danh mục đầu tư.

Về khả năng hoàn thành thành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào đầu năm 2020, bà Trần Thị Thu Hằng, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, một số ngân hàng đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt và gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên khả năng thực hiện đúng lộ trình Basel II sẽ khó khăn.

Do đó, khi sửa đổi Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung điều khoản của Thông tư 41 cho phép các ngân hàng có thêm thời gian thực hiện Thông tư 41.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh, điều này không đồng nghĩa là giãn hay hoãn mà sẽ có những điều khoản chặt chẽ, yêu cầu quy định về hệ số rủi ro cao hơn đối với những ngân hàng này.

Đồng thời, hoạt động thanh tra giám sát đối với các thành viên này cũng sẽ chặt chẽ hơn nhiều.

“Đây được coi như biện pháp trừng phạt đối với các nhà băng không thực hiện được đúng lộ trình”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên