MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực thu nợ tàu “sáu bảy”

23-05-2018 - 18:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo quy định tại Nghị định 67 (NĐ 67) đã được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Đến cuối năm 2017, các NHTM trên địa bàn Quảng Nam đã ký hợp đồng tín dụng, giải ngân vốn cho ngư dân đóng mới 63 tàu theo NĐ 67. Trong đó, có 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép đạt 68,48% số tàu cá được phê duyệt...

Thời gian ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo quy định tại Nghị định 67 (NĐ 67) đã được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Đến cuối năm 2017, các NHTM trên địa bàn Quảng Nam đã ký hợp đồng tín dụng, giải ngân vốn cho ngư dân đóng mới 63 tàu theo NĐ 67. Trong đó, có 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép đạt 68,48% số tàu cá được phê duyệt...

Tuy nhiên, hiện nay các TCTD cho vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu cá theo NĐ 67 ở địa phương đang gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể, đến cuối quý I/2018, nợ xấu cho vay theo NĐ 67 trên địa bàn là 97,514 tỷ đồng, chiếm 13,75% trên tổng dư nợ cho vay theo NĐ 67.

Trên thực tế, bên cạnh các chủ tàu có ý thức tốt trong việc trả nợ, còn có những chủ tàu còn có tâm lý trông chờ, chây ì trong việc trả nợ vay ngân hàng hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đặc biệt, có chủ tàu ý thức trả nợ kém, thiếu hợp tác với ngân hàng, cung cấp thông tin về doanh thu thiếu tính trung thực, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ vay...

Áp lực thu nợ tàu “sáu bảy” - Ảnh 1.

Việc quản lý dòng tiền từ doanh thu bán hàng của chủ tàu gặp khó khăn

Có nhiều nguyên nhân khiến tình hình thu hồi nợ đối với các khoản vay đến hạn theo NĐ 67 đang gặp khó khăn. Trong đó, có những rủi ro về kiểm soát dòng tiền khi triển khai cho vay theo chính sách tín dụng ưu đãi này. Đại diện một chi nhánh NHTM trên địa bàn cho biết, việc quản lý dòng tiền từ doanh thu bán hàng của chủ tàu gặp nhiều khó khăn.

Bởi, thông thường các chủ tàu hoạt động ở vùng biển xa. Tàu không cập vào các cảng cá tại địa phương mà lại cập vào các cảng cá ở những địa phương khác để buôn bán hải sản. Việc kê khai thông tin khai thác chủ yếu do chủ tàu tự khai. Bởi vậy, không có cơ sở để xác minh, đánh giá tính đúng đắn của thông tin khai thác thực tế. Ngư dân có thể bán hải sản ngay trên biển. Người ở trên bờ khó lòng để giám sát được. Chưa kể ngư dân đánh bắt hiệu quả, nhưng lại bảo thấp...

Ngoài ra, việc quản lý dòng tiền từ nguồn tiền dầu được Nhà nước hỗ trợ và các nguồn hỗ trợ khác, mặc dù khách hàng đã cam kết sử dụng nguồn tiền này chuyển vào tài khoản tiền gửi của khách hàng mở tại ngân hàng cho vay để trả nợ gốc, nợ lãi cho ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại nhận khoản tiền này bằng tiền mặt nên ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý dòng tiền. Có khoản nợ của một số chủ tàu đã quá hạn, nhưng vì nhiều nguyên nhân, các chủ tàu này không tiếp tục vận hành tàu tham gia khai thác để có doanh thu hoặc không có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề.

Ngoài ra, một số chủ tàu còn tự ý bán thanh lý các vật tư, máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ là tài sản đảm bảo tiền vay khi chưa có sự đồng ý của TCTD cho vay. Ngoài các yếu tố chủ quan, còn có những yếu tố khách quan khác ảnh hưởng đến việc trả nợ của ngư dân như,  ngư trường đánh bắt bị thu hẹp do vùng biển tranh chấp và chồng lấn với các nước trong khu vực.

Ngư dân chưa am hiểu các quy định của pháp luật về khai thác đánh bắt thủy hải sản trên biển và các thông lệ quốc tế, dẫn đến những vi phạm chủ quyền lãnh hải và xảy ra rủi ro thiệt hại về người, tài sản của ngư dân, bên cạnh thời tiết, thiên tai cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của ngư dân mỗi lần ra khơi...

Được biết, hiện ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Nam đang tích cực phối hợp cùng với các sở, ngành và nhất là Ban chỉ đạo NĐ 67 của tỉnh, xem xét các trường hợp cụ thể có phương án hỗ trợ các chủ tàu hoạt động có hiệu quả hơn. Trong đó, tập trung hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp; Tạo điều kiện để ngư dân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo NĐ 67 của Chính phủ…

Hiện, Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành sửa đổi, bổ sung NĐ 67, do vậy chính sách tín dụng cho vay đóng mới tàu theo NĐ 67 đã chấm dứt, nhưng chính sách cho vay vốn lưu động được mở rộng hơn. NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo các TCTD tích cực đầu tư cho các chủ tàu vay vốn lưu động để tạo điều kiện cho các chủ tàu làm ăn có hiệu quả và trả nợ ngân hàng...

Tuy nhiên, theo nhiều người để giảm áp lực thu nợ "tàu sáu bảy", vẫn là ý thức của người vay, của từng chủ tàu, phải thực hiện đúng theo những cam kết với ngân hàng khi đã được tạo điều kiện cho vay vốn  sắm tàu to, máy lớn để vươn khơi.

Theo Nghi Lộc

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên