MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực tỷ giá chưa vơi bớt

29-06-2019 - 14:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá đã đảo chiều tăng trở lại vào cuối tuần này cho dù đồng USD trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng giảm nhẹ, cho thấy áp lực tăng tỷ giá những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn.

Tỷ giá đã tăng hơn 1%

Tỷ giá trung tâm đã đảo chiều tăng trở lại trong mấy phiên cuối tuần này. Theo đó mở cửa phiên giao dịch ngày 27/6, tỷ giá trung tâm đã được NHNN tăng khá mạnh tới 10 đồng lên 23.065 đồng/USD, đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng tổng cộng là 15 đồng. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần là 23.757 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.373 đồng/USD.

Giá mua – bán USD tại các ngân hàng cũng bật tăng mạnh trở lại sau khi quay đầu giảm nhẹ trong phiên chiều ngày 26/7. Theo đó, tỷ giá của các nhà băng đã tăng về ngang bắng với mức giá của sáng ngày 26/7, tức mua vào trong khoảng 23.245  - 23.265 đồng/USD; giá bán ra cũng giảm tương ứng xuống còn 23.370 – 213.385 đồng/USD.

Nhìn chung tỷ giá biến động khá lạ trong hai tuần gần đây. Sau khi tăng lên 23.074 đồng/USD, mức cao nhất kể từ đầu năm trong phiên giao dịch ngày 18/6, tỷ giá trung tâm lại được NHNN điều chỉnh giảm dần về mức 23.050 đồng/USD trong phiên ngày 25/6 để rồi lại đảo chiều phục hồi vào cuối tuần.

Mặc dù vậy, kể từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ giá trung tâm mới tăng 2 đồng/USD. Tuy nhiên, so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 240 đồng/USD, tương đương tăng 1,05%. Trong khi đó giá mua vào đồng bạc xanh của các nhà băng mới tăng khoảng 100 đồng/USD, tương đương tăng 0,4%; còn giá bán ra tăng khoảng 130 đồng/USD, tương đương tăng 0,5%.

Nhận định về diễn biến tỷ giá trong 2 tuần gần đây, một chuyên gia ngân hàng cho biết, biến động đó cũng phù hợp với đồng USD trên thị trường thế giới. Theo đó, chỉ số đồng USD trên thị trường thế giới cũng tăng lên cao nhất kể từ đầu tháng 6 trong phiên ngày 18/6 là 97,64 điểm. Nhưng kể từ đó, đồng bạc xanh đã đảo chiều giảm khá nhanh trở lại sau khi cuộc họp chính sách của FED kết thúc với việc cơ quan này phát đi tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, đồng bạc xanh lại có xu hướng phục hồi trong hai phiên gần đây do các nhà đầu tư lo ngại những rủi ro từ Hội nghị Thượng đỉnh G20. Trong phiên ngày 27/6, chỉ số đồng USD đã nhích lên 96,28 điểm.

Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ trong nước cũng không còn thuận lợi như những tháng đầu năm nữa khi mà cán cân thương mại đã chuyển sang thâm hụt, đặc biệt sau khi NHNN đã mua gom một lượng lớn ngoại tệ kể từ đầu năm.

Áp lực còn lớn

Theo TS. Cấn văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, áp lực lên tỷ giá vẫn còn rất lớn. Mặc dù điều chỉnh nhẹ trong thời gian gần đây, nhưng chỉ số đồng USD vẫn đang đứng ở mức rất cao và có thể đảo chiều tăng trở lại bất cứ lúc nào khi mà USD đang được các nhà đầu tư xem như một tài sản an toàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, bất ổn địa chính trị, kinh tế gia tăng.

Về trung và dài hạn, theo ông Lực, tỷ giá USD/VND phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... bên cạnh diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới. Đặc biệt, còn một yếu tố nữa không thể không nhắc tới, đó là diễn biến của đồng nhân dân tệ (CNY).

CNY đã sụt giảm rất mạnh sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại nóng lên với việc Chính quyền Mỹ nâng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Mặc dù sự điều chỉnh của đồng USD gần đây đã làm vơi đi nỗi lo CNY có thể xuyên thủ ngưỡng 7 CNY/USD. Thế nhưng, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu chính quyền Mỹ tiếp tục áp thuế lên toàn bộ 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, sẽ không nói trước được điều gì.

"Do kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp đồng CNY bị mất giá thì VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ", TS. Lực cảnh báo.

Nguồn lực dự trữ ngoại hối được tăng cường đã nâng cao khả năng can thiệp của cơ quan quản lý, trong khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ hỗ trợ cho tỷ giá cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức ép lên tỷ giá vẫn còn rất lớn và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định hiện nay, ông Lực cho rằng, tỷ giá có thể sẽ tăng 2-3% trong năm 2019.

Trong khi đó TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) lại cho rằng, tác động của diễn biến đồng CNY đến tỷ giá trong nước đang bị thổi phồng. Ông dẫn chứng, năm 2018, CNY từng giảm giá khoảng 10% so với USD nhưng trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND chỉ tăng hơn 2%. Tuy nhiên, theo ông Độ, 2% cũng là mức điều chỉnh tỷ giá dự kiến cho cả năm nay. Điều này thuận lợi cho công tác điều hành các chính sách vĩ mô, ổn định kinh tế và đặc biệt là kiềm chế lạm phát.

Trong bối cảnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là doanh nghiệp nên chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. "Hiện các ngân hàng đều cung cấp các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, trong đó có thể kể tới như công cụ mua – bán ngoại tệ kỳ hạn và hoán đổi", một lãnh đạo ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết.

Theo Hà Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên