MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Apple và bài học cay đắng tại Trung Quốc

27-04-2016 - 17:24 PM | Tài chính quốc tế

Việc chính quyền Trung Quốc gần đây ra quyết định cấm Apple cung cấp dịch vụ phim và sách trên các gian hàng ảo của hãng này là một cú sốc với ban lãnh đạo “quả táo”.

Theo Fortune, Trung Quốc hiện là thị trường iPhone lớn thứ hai thế giới của Tập đoàn Apple. Thực tế cho thấy rõ ràng Trung Quốc có ý nghĩa không nhỏ với tương lai của hãng công nghệ có trụ sở tại Cupertino, bang California, Mỹ.

Tổng doanh thu của Apple tại Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan) hiện chiếm khoảng 1/4 doanh thu bán hàng toàn cầu của Apple.

Những năm qua, Apple không ngừng đổ tâm sức vào việc chăm chút mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Chỉ nói riêng CEO của Apple, Tim Cook, kể từ khi nhậm chức năm 2011 tới nay đã có ít nhất bảy chuyến công tác tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Dù vậy, Trung Quốc dường như chưa thật sự tin tưởng thiện chí này của Apple.

Trong vụ việc cụ thể mà Trung Quốc cấm Apple phát hành phim và sách số qua các gian hàng ảo iTunes Movies và iBooks Store, có thể thấy Chính phủ Trung Quốc nhìn thấy ở đây mối nguy tiềm ẩn từ những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

Chưa kể là nhà cầm quyền Trung Quốc cũng lo ngại các sản phẩm của Apple dần dà sẽ lấn át thị trường nội dung số của Trung Quốc, đe dọa thị phần hứa hẹn lợi nhuận vô cùng màu mỡ cả trước mắt lẫn lâu dài.

Cú sốc với Apple trong việc này cũng là lời cảnh báo với các đại gia công nghệ khác của Mỹ đang háo hức muốn nhảy vào thị trường Trung Quốc.

Facebook và Twitter là hai trong số những đại gia đó và hiện cả hai đều đang bị chặn tại Trung Quốc. Tuy nhiên cả Facebook lẫn Twitter đều hi vọng sẽ giành được một miếng bánh thị phần ở đây trong tương lai gần.

Tuy nhiên theo Fortune, điều các lãnh đạo công nghệ như Mark Zuckerberg và Tim Cook cần nhận ra là bất kể việc họ nỗ lực thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc tới mức nào thì khả năng thâm nhập thị trường Trung Quốc cũng khó đi tới đâu.

Ở cấp độ cơ bản, Bắc Kinh muốn ngăn không cho các công ty nước ngoài chiếm lĩnh và chi phối lĩnh vực thông tin trong nước.

Thực tiễn này đang đẩy các doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào thế “đi cũng dở, ở không xong” vì Trung Quốc là một thị trường béo bở tới mức không thể phớt lờ.

Nếu họ không cố giành được sự ủng hộ của chính quyền nước này thì các đối thủ cạnh tranh của họ cũng sẽ làm việc đó. Việc để tuột thị trường Trung Quốc vào tay đối thủ là điều không thể chấp nhận.

Đối diện với những thách thức đó, các doanh nghiệp phương Tây, trong đó có các đại gia công nghệ Mỹ ở mọi lĩnh vực kinh doanh, cho tới nay đã áp dụng hai chiến lược tiếp cận chính.

Thứ nhất, họ chứng minh cho Bắc Kinh thấy giá trị thương mại của công ty họ sẽ mang lại cho Trung Quốc. Thứ hai, họ gây dựng mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, từ cú sốc mới nhất của Apple, có lẽ họ cần có thêm một chiến lược tiếp cận nữa để tự bảo vệ mình. Đó là tìm cách đoàn kết lại giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực kinh doanh để gây được sức ép lớn hơn chứ không nên chỉ trông chờ vào thiện chí vốn rất thất thường của nhà cầm quyền Trung Quốc.

D.KIM THOA

Tuổi trẻ

Trở lên trên