MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Arirang – Thương hiệu karaoke vang bóng chính thức "bán mình" sau thời gian dài cầm cự

22-08-2019 - 08:44 AM | Doanh nghiệp

Công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ hàng điện tử tồn kho theo hiện trạng với giá không thấp hơn 25 tỷ đồng, bao gồm thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi karaoke cho bên mua để tiếp tục quyền sản xuất và duy trì dịch vụ cho khách hàng.

Liên tục sa sút kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp, mới đây Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco, MSC) đã chính thức thông qua việc bán lại thương hiệu karaoke vang bóng Arirang, song song thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho. Trước đó do kinh doanh liên tục kém sắc, Maseco lần lượt thoái vốn khỏi các đơn vị điện tử trực thuộc hệ thống, mới đây Công ty cũng chính thức thông báo sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh này - tương tự với nông nghiệp - sau thời gian dài cầm cự, thậm chí nỗ lực chuyển đổi công nghệ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng cường các dịch vụ hậu mãi…

Chuyển nhượng toàn bộ hàng điện tử tồn với giá không thấp hơn 25 tỷ đồng

Ghi nhận, Công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ hàng điện tử tồn kho theo hiện trạng với giá không thấp hơn 25 tỷ đồng, bao gồm thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi karaoke cho bên mua để tiếp tục quyền sản xuất và duy trì dịch vụ cho khách hàng.

Bên mua cũng thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo trì các sản phẩm công ty đã bán cho khách hàng. Ngoài ra, Maseco ủy quyền cho tổng giám đốc phê duyệt các phương án thanh lý tài sản cố định, công cụ dụng cụ khác có giá trị còn lại dưới 20 triệu đồng.

Sớm được thành lập những năm đầu 90, khá thành công với thương hiệu điện tử Arirang, từ âm li, loa, micro, dàn karaoke… đến tivi. Giai đoạn đỉnh cao, Công ty không chỉ dừng lại tại mặt hàng điện tử gia dụng, mà còn mở rộng sang làm nông nghiệp (hạt tiêu…) cũng như bất động sản (thông qua hình thức cho thuê mặt bằng, văn phòng cao ốc).

Thời thế chóng đổi, tương tự nhiều thương hiệu vang bóng một thời khác, Arirang nhiều năm gần đây dần biến mất trên thị trường, kỹ thuật thiết bị lỗi thời, kinh doanh chủ quản theo đó cũng lao đao. Chưa kể, mảng nông nghiệp cũng khốn khó, trong đó mặt hàng chủ lực là tiêu vấp phải đợt lao dốc thị giá mạnh sau giai đoạn tăng nóng "ngắn ngủi".

Kết quả, năm 2018 doanh thu kinh doanh nông sản của Maseco bị thua lỗ nặng (do biến động giá cả thị trường); đồng thời ngành hàng điện tử cũng sa sút trầm trọng vì lỗi thời không còn phù hợp với nhu cầu thị trường hư hỏng, chậm luân chuyển.

Chuyển hướng san một số dòng sản phẩm gia dụng

Từng là doanh nghiệp mạnh nhất trong lĩnh vực karaoke với tốc độ phát triển nhanh chóng, từ đơn vị tại Tp.HCM đã nhanh chóng mở rộng kinh doanh ra Hà Nội, Đà Nẵng và các khu vực Đông Nam bộ khác, tuy nhiên thời gian gần đây việc kinh doanh bất động sản lại là nguồn sống chính của Công ty, mặc dù không "đáng kể" so với nhiều doanh nghiệp nhà đất khác.

Hoạt động kinh doanh bắt đầu đi ngược chiều từ năm 2012, lợi nhuận sau thuế từ mức gần trăm tỷ giảm mạnh chỉ còn khoảng 20 tỷ đến cuối năm 2017 – đây cũng là năm Maseco chính thức niêm yết lên sàn HNX với quyết tâm đưa vị thế doanh nghiệp trở lại.

Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 năm giao dịch, cổ phiếu MSC bị đưa vào diện cảnh báo khi tình hình kinh doanh giảm sút mạnh. Năm 2018 đặt kế hoạch lãi vài chục tỷ tuy nhiên thực tế ghi nhận thua lỗ nặng nề. Năm này kiểm toán có loại trừ ý kiến liên quan đến việc trích lập dự phòng hàng tồn kho với giá trị hơn 38 tỷ đồng, từ đó làm giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối một khoản tương ứng.

Giải trình điều này, Công ty cho biết tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị hàng tồn đạt 175 tỷ, do mặt hàng điện tử chiếm đa số trong khi dòng đời ngắn, mau lạc hậu... để có thể giải phóng là điều không dễ dàng nên đã chủ động trích lập dự phòng tổn thất dự kiến hàng tồn có giá trị 80,5 tỷ đồng. Do vậy, lãnh đạo khẳng định việc trích lập là đúng với tình trạng giá trị của doanh nghiệp.

Arirang – Thương hiệu karaoke vang bóng chính thức bán mình sau thời gian dài cầm cự - Ảnh 1.

Ngược lại, từ năm 2015 thương hiệu ArirangLife chính thức ra mắt với dòng sản phẩm nhà bếp như ấm đun siêu tốc, máy xay sinh tố... ArirangLife được bảo trợ từ thương hiệu mẹ Arirang, đồng thời kế thừa hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng của doanh nghiệp mẹ. Như vậy, thương hiệu karaoke vang bóng một thời Arirang hiện chỉ còn tồn tại với sản phẩm nhà bếp.

Về tài sản, liên tục bán ra để duy trì kinh doanh, tính đến cuối năm 2018 tổng tài sản Công ty giảm hơn 61%, từ mức 904 tỷ về chỉ còn 352 tỷ đồng.


Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên