MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba kịch bản cho Thị trường chứng khoán 2018

Ngay cả trong thị trường uptrend, nếu lựa chọn không đúng, vẫn có khả năng thua lỗ. Tuy nhiên, nước nổi bèo nổi, mặt bằng giá cổ phiếu sẽ thay đổi khi Index lên tầm cao mới. Và lựa chọn cổ phiếu nên như thế nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 đã chứng kiến một sự tăng trường rất mạnh mẽ. Về mặt điểm số, Vn-index đã tăng 40%, thanh khoản thị trường luôn giữ ở mức 5000 tỷ. Đâu là nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng này? Điều gì sẽ chờ đón trong năm 2018? Chúng tôi xin được chia sẻ những ý kiến của ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc CN HCM, CTCP CK SHS.

NĂM 2017 MỞ ĐẦU CHO CHU KỲ TĂNG TRƯỞNG CỦA TTCK VIỆT NAM

Hơn mười năm trước, ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1.170 điểm nhưng sau đó là quá trình lao dốc không phanh. Trong suốt giai đoạn này cho đến năm 2015, VN-Index chỉ loanh quanh ở vùng đáy 300 - 550 điểm. Chỉ số có xu thế tăng tích cực hơn trong năm 2016, nhưng kết năm, VN-Index vẫn dừng chân ở mốc 664,87 điểm. Thị trường chỉ thực sự khởi sắc trong năm 2017, khi đã có năm tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Không chỉ tăng về mặt điểm số hay thanh khoản, mà qui mô vốn hóa đã có bước đột phá mạnh mẽ. Mục tiêu 70% GDP vào năm 2020 đã đạt được sớm 3 năm. Để đạt được những thành quả này, là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, có 3 nguyên chính như sau:

Thứ nhất: Kinh tế thế giới, cũng như TTCK toàn cầu liên tiếp lập kỷ lục. Kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nền kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Chứng khoán lập đỉnh cao. Điều này đã hỗ trợ và ủng hộ xu hướng cho toàn thế giới, trong đó có Việt nam.

Thứ hai: kinh tế cũng như chính trị trong nước rất ổn định. Các vấn đề như Lam phát, Lãi suất, Tỷ giá, đều rất thuận lợi. Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục, GDP đạt 6,81%. Đặc biệt, sự thành công của hội nghị APEC đã nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo niềm tin cho giới đầu tư.

Thứ ba: với sự dẫn dắt của dòng tiền ngoại, tiền đã được đổ vào TTCK rất mạnh mẽ. Cán cân cung cầu đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã có những bước tiến trong hoạt động SX-KD. Nhờ đó, nội tại doanh nghiệp, cũng như nhiều chỉ số cơ bản để đánh giá cổ phiếu đã trở lên rất hấp dẫn. Những cuộc thoái vốn lớn cũng tác động vào chỉ số, tạo ra tâm lý tích cực được lan tỏa rộng.

Như vậy, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, cho dù không phải là quá thuận lợi, nhưng Chứng khoán đã trở thành một điểm đến được giới đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên chọn lựa. Về phương diện kỹ thuật, sau giai đoạn tạo đáy dài hạn, Vn-index đã vững vàng tiến bước đi lên. Cho dù điểm số có tăng 40%, nhưng thực sự đây mới chỉ là khởi đầu cho giai đoạn mới của TTCK Việt nam.

BA KỊCH BẢN CHO TTCK VIỆT NAM NĂM 2018

Cho dù hầu hết NĐT trên thị trường đang có cái nhìn rất lạc quan, nhưng chúng ta luôn đưa ra những kịch bản khác nhau, với những dự báo về xác suất tương ứng.

Kịch bản 1: Sau khi bước vào năm mới, những khó khăn về dòng tiền trong tháng 12/2017 đã chấm dứt. Dòng tiền mới từ các tổ chức tài chính như CTCK, quỹ đầu tư đã có thể được bắt đầu lại. Vn-index sẽ chạm ngưỡng tâm lý quan trọng 1.000 điểm ngay trong đầu tháng 1. Sau khi vượt qua mốc 1.000 điểm, thị trường được cởi bỏ tâm lý, Vn-index sẽ công phá đỉnh 1.170 trong quí 1/2018. Quí 2 là quí thường có nhiều thông tin tích cực, bao gồm KHKD năm mới, chia thưởng, trả cổ tức.

Dự báo Chứng khoán Việt Nam sẽ tạo đỉnh 1.350, tức đạt mốc tăng khoảng 35% trong khoảng tháng 6-tháng 7 năm 2018. Ngược lại với quí 2, quí 3 là quí không có tin tức hỗ trợ. Cho nên, thị trường sẽ có giai đoạn điều chỉnh khoảng 3 tháng, có thể quay trở lại dưới 1.200 điểm. Năm 2018 sẽ kết thúc trong khoảng 1.250 điểm. Xác suất cho kịch bản này là 50%.

Kịch bản 2: trước Tết âm lịch, Vn-index lập kỷ lục mọi thời đại. Kỳ xét nâng hạng cho TTCK VIệt Nam của MSCI dự kiến vào tháng 5 và tháng 11. Nếu những thông tin được lan truyền ra trước về khả năng thành công, thì tâm lý tích cực được lan tỏa với việc Việt Nam được xem xét nâng hạng trong năm 2019. Dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh. Việc có phiên giao dịch khớp lệnh lên đến 10.000 tỷ đã trở thành bình thường. Vn-index liên tiếp lập ra những đỉnh cao mới, trong đó có việc chạm mốc 1.500 điểm. Xác suất cho kịch bản này là 30%.

Kịch bản 3: tâm lý thị trường chưa hoàn toàn ổn định trước những “cú sốc” về những cuộc bắt bớ, hay khởi tố một vài nhân vật quan trọng. Dù thị trường có vượt đỉnh 1.170 điểm, nhưng dòng tiền không vào trên diện rộng. Sau khi chạm mốc 1.200 điểm, Vn-index đã có sự điều chỉnh mạnh. Cho dù cuối năm có sự ổn định trở lại, nhưng điểm số chỉ quanh mốc 1.050 điểm. Xác suất cho kịch bản này là 20%.

Cho dù kịch bản nào xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn tin năm 2018 vẫn tiếp bước đà tăng của năm 2017. Chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn trở thành điểm thu hút dòng tiền so với các kênh đầu tư khác.

SỰ LỰA CHỌN ĐẦU TƯ

Ngay cả trong thị trường uptrend, nếu lựa chọn không đúng, vẫn có khả năng thua lỗ. Tuy nhiên, nước nổi bèo nổi, mặt bằng giá cổ phiếu sẽ thay đổi khi Index lên tầm cao mới. Nếu để lựa chọn 3 nhóm ngành có thể mang lại sự hiệu quả ưu việt nhất, chúng tôi xin được đề cử như sau:

Thứ nhất: DẪN SÓNG. Để vượt đỉnh, dứt khoát phải có cổ phiếu leader. Nếu trong 2017, chúng ta có SAB,VIC,VNM, thì năm 2018 dự báo có thể sẽ là PLX, ACV, GAS, VCB, VRE, MSN. Ngoài ra, có thể có những tên tuổi lớn, với vốn hóa “khủng” như Thaco, Ecopark, Mobiphone chào sàn. Đây có thể là những tác nhân làm chỉ số tăng cao.

Thứ hai: HÁI QUẢ NGỌT. Có những doanh nghiệp trong vài năm gần đây, đã kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu tái cấu trúc, xây dựng và phát triển dự án kinh doanh. Năm 2018 là năm kỳ vọng sẽ thu được những thành quả từ những cải tổ này. Có thể kể đến các nhóm như ngân hàng, nhóm sản xuất, nhóm bất động sản.

Thứ ba: RŨ BÙN TỎA SÁNG. Một vài doanh nghiệp, thậm chí cả nhóm ngành, đã bị tác động tiêu cực trong 2-3 năm qua. Nhưng có thể, với sự thay đổi về tư duy chiến lược, cộng hưởng với những yếu tố khách quan, sẽ có sự thăng hoa trong năm 2018.

Mỗi nhà đầu tư đều có những khẩu vị đầu tư khác nhau. Thế nhưng bất kỳ hành động “xuống tiền” nào cũng nên cân nhắc hết sức cẩn thận. Hãy tìm hiểu và nghe những tư vấn tốt nhất. Không có thành công nào lại đến dễ dàng.

Bên cạnh những thuận lợi, 2018 là năm bản lề để giải quyết dứt điểm những tồn tại, những “ung nhọt” của nền kinh tế Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Cho dù còn nhiều thách thức, nhưng chúng tôi luôn tin vào thị trường chứng khoán sẽ phát triển rực rỡ.

Nguyễn Hồng Điệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên