MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu "nhà binh": Sáng "điểm tâm nhẹ" bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh

27-09-2019 - 16:00 PM | Sống

Chị Ngà rất yêu thương con nhưng lại không giống cách của bất kỳ người mẹ nào. Chị yêu con là mỗi ngày "điểm tâm nhẹ" cho các con 10km chạy bộ. Bất cứ bé nào tăng cân là mỗi chiều đi học về phải lao vào máy chạy 30 phút.

Mỗi buổi sáng, nếu đi ngang qua khu đô thị Bắc Từ Liêm, Hà Nội người ta không khó bắt gặp hình ảnh 3 cậu bé đang chạy bộ hăng say theo tiếng hô "một... hai" của mẹ.

Hình dáng người mẹ này không quá cứng cáp nhưng giọng nói thì chắc nịch thể hiện quyết tâm rất lớn. Chị là Nguyễn Thị Ngọc Ngà, 42 tuổi và 3 con của chị lần lượt 11, 14 và 16 tuổi.

Chị Ngà rất yêu thương con nhưng lại không giống cách của bất kỳ người mẹ nào. Chị yêu con là mỗi ngày "điểm tâm nhẹ" cho các con 10km chạy bộ. Bất cứ bé nào tăng cân là mỗi chiều đi học về phải lao vào máy chạy 30 phút. Tham gia tập luyện thể thao cùng các con, thậm chí khuyến khích cùng các con chinh phục 1 trong 20 ngọn núi cao nhất thế giới. Điều mà không phải bà mẹ nào cũng làm được.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 1.

Chị Ngọc Ngà và 3 con luyện tập thể thao mỗi ngày.

Không chỉ rèn luyện thể thao, trước đó, cộng đồng mạng phải choáng khi tiết lộ có lần sang Australia, chị đã để một người con trai khi đó 9 tuổi ở lại khách sạn trong khi cả nhà đi ăn. Cuối cùng, nhờ mảnh giấy ghi địa chỉ của mẹ, cậu bé đã tự đi đổi tiền, tự hỏi đường, rồi bắt taxi đến nhà hàng.

Cách dạy con theo kiểu "nhà binh" của chị Ngà khiến cả chồng chị cũng phải lên tiếng "Em đừng khắc nghiệt với con quá, kẻo chúng lại đâm ra ghét mẹ". Thế nhưng với chị, "nếu ghét mẹ mà làm cho chúng sống khỏe mạnh và tự tin thì cũng chẳng sao".

Cùng trò chuyện với người mẹ đặc biệt này:

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 2.

Chị Ngà cùng tập luyện với các con mỗi ngày.

- Chào chị. Chị cho biết điều gì đã kích thích và hướng chị đến cách dạy con theo cách cứng rắn như vậy?

Nếu để nói lý do mà tôi có cách giáo dục con khác lạ như vậy, thật sự có 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, chính là quá khứ bệnh tật của tôi. Tôi bị viêm cơ nhưng điều trị một thời gian không khỏi, tôi đến khám ở nơi khác mới phát hiện là thấp khớp và đã ảnh hưởng đến tim. Tôi nhớ khi ấy mình 9 tuổi nhưng chỉ nặng có 20,5 kg. Căn bệnh đó là nỗi ám ảnh cả tuổi thơ, theo tôi cả khi tôi lớn lên và bác sĩ còn khuyên tôi không nên lấy chồng sinh con nếu muốn sống.

Nhưng may mắn thay nhờ gặp được chồng mình - người đã cho tôi biết lợi ích của việc tập luyện thể thao với sức khỏe. Tôi đã quyết định một lần chống lại số phận. Tôi siêng tập thể thao chạy bộ, đánh tennis, tập gym… sức khỏe tôi dần khá hơn và tôi quyết định lấy chồng sinh con. Quá khứ ấy khiến tôi tin rằng chỉ có rèn luyện thể thao mới chính là cánh cửa để thay đổi số phận.

Giờ đây khi con còn nhỏ tôi đã quán triệt chúng phải có trách nhiệm với cuộc đời mình, trước hết là phải sống khỏe. Khỏe cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ nhưng quan trọng hơn hết phải nói không với bệnh tật.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 3.

"Quá khứ ấy khiến tôi tin rằng chỉ có rèn luyện thể thao mới chính là cánh cửa để thay đổi số phận".

Thứ hai, là do công việc của gia đình tôi có tiếp xúc nhiều với người Nhật nên tôi đã học từ họ cách nuôi dưỡng con sao cho khoa học và hợp lý nhất. Tôi ấn tượng với người Nhật khi họ tự cho con mình làm vệ sinh cá nhân khi mới một tuổi, tự đi học, tự làm mọi thứ vừa sức. Tôi cũng muốn các con mình học được đức tính tốt như vậy, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.

- Trong việc giáo dục con cái, chị làm thế nào để nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận thực hiện của các con?

Có thể nói tôi là một người nghiện con. Tôi có thể từ chối việc kiếm tiền để có thật nhiều thời gian ở bên các con, nhất là những ngày đầu tới tuổi mẫu giáo của lũ trẻ. Tôi biến mình thành một người bạn thật sự với chúng để đồng hành cùng chúng trong mọi hoạt động vui chơi, học tập hay cả chia sẻ tâm tư.

Tôi không ngại cùng con chơi các trò vận động như: bóng đá, bóng rổ, leo trèo hoặc các trò mạo hiểm. Tôi sẵn sàng nghe con chia sẻ những câu chuyện tế nhị của con trai khi bước vào tuổi dậy thì. Vì có thời gian ở bên con nên tôi hiểu con hơn, quan sát để hỗ trợ con phát triển sở trường tài năng, cân bằng những điểm yếu.

Tôi có thể tiếc tiền mua những đồ xa xỉ cho bản thân nhưng không bao giờ tiếc cả tiền và công sức để đầu tư mua cho con thật nhiều đồ chơi phát triển tư duy, nhất là sách phát triển IQ, EQ. Tôi khuyến khích con tìm tòi, khám phá. Thậm chí, con có thể làm hư hỏng đồ đạc trong gia đình. Bởi lẽ, có những kết quả không tốt như vậy con mới rút ra kinh nghiệm cho lần sau.

Đặc biệt hơn, tôi rất thích khoe những thành quả mà mẹ con tôi đã đạt được để luôn lấy đó là mục tiêu mà tiếp tục cố gắng. Thật may mắn là chồng tôi luôn ủng hộ và cho tôi toàn quyền rèn luyện chúng nên giữa hai vợ chồng không gặp mâu thuẫn gì.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 4.

Gia đình chị có những chuyến du lịch cùng nhau. Ảnh NN

- Không phải ai cũng có kinh nghiệm trong việc rèn luyện cho con. Chị có thể chia sẻ để có những bài tập chất lượng để dạy cho con thì chị đã làm thế nào?

Để có những bài tập chất lượng và khoa học cho con, tôi đã dành nhiều thời gian lên diễn đàn, tham gia box giáo dục đặc biệt học hỏi kinh nghiệm, quan điểm, chiêu thức, kiến thức kỹ năng… Để có bài tập chất lượng cho con tôi đã phải đến hàng chục trung tâm thể thao để gặp các chuyên gia và học những bài tập phù hợp nhất.

- Ngoài việc tập luyện ở nhà, được biết gia đình chị hay đi du lịch đó đây để chinh phục những độ cao mới. Chị có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của gia đình được không?

Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng cho gia đình tôi có lẽ là chuyến đi tháng 2/2016 tới núi Kinabalu ở Malaysia. Tôi cũng không ngờ thực hiện việc leo núi này lại vất vả đến thế. Cả nhà tôi vừa bay 3 chặng đến Malaysia thì ngay trong đêm phải di chuyển mấy tiếng đồng hồ đường đèo bằng ô tô để đến chân núi. Đêm đấy trời rét như cắt da cắt thịt, tới nơi thì trời sáng nên cả nhà ngủ có 2 tiếng đồng hồ.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 5.

Kết quả đó là niềm tự hào và hạnh phúc cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả gia đình.

Sáng sớm dậy đã leo núi, mới đầu ai cũng hứng thú nhưng tới gần độ cao 2.000m thì bé út xuống sức vì không khí dần loãng ra. Tôi cứ phải liên tục động viên, dùng chiêu đánh trống lảng, kể câu chuyện hay ho hay những tấm gương chiến thắng để cổ vũ con. Có nhiều lúc con đòi cõng nhưng tôi không cho vì muốn con tự mình vượt qua.

Kết quả cả cuộc hành trình dài là cả gia đình tôi chinh phục độ cao 3.500m của 1 trong 20 ngọn núi cao nhất thế giới. Khi đó bé út mới hơn 7 tuổi, bé giữa hơn 10 tuổi và bé cả 12 tuổi. Kết quả đó là niềm tự hào và hạnh phúc cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả gia đình.

- Phản ứng của mọi người đối với cách dạy này của chị thế nào?

Tôi tự nhận mình là người cá tính, thích khác người, thích làm được việc mà mọi nguời thấy khó và cách rèn con của tôi cũng vậy. Nhiều người hay gàn tôi và bảo việc này quá sức không thể làm được thì tôi lại càng thấy kích thích, càng khám phá và thực thi cho được thì thôi.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 6.

Dù trời mát hay tối khuya cả nhà vẫn đi bơi.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 7.

Họ "khiếp vía" khi biết tôi rèn cho các con bản năng chịu lạnh. Trời mát hay tối khuya cả nhà tôi vẫn đi bơi, trời rét vẫn tắm nước lạnh, mùa đông vẫn mặc áo phong phanh không khác gì mùa hè. Các con tôi không biết dùng kháng sinh là gì, chúng nói không với thuốc. Nếu sốt cảm thông thường thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và đúng là chúng không bao giờ phải dùng đến thuốc.

Việc chịu rét của mẹ con tôi ai cũng phải sợ. Nhưng tôi tin kỹ năng biết lắng nghe cơ thể của bản thân tôi sẽ có sự điều chỉnh phù hợp cho bản thân và cho con. Tôi và các con có thể chạy bộ hay đi bộ cả vài chục cây số, có thể bê vác, vận động mà không nề hà gì.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 8.

Các chuyến đi đầy thử thách của gia đình.

Cuối cùng, chị có thể muốn nhắn nhủ điều gì đến các bậc phụ huynh hiện nay không?

Lời khuyên của tôi cho các ông bố, bà mẹ chính là đừng nên ôm ấp bao bọc các con quá mức. Hãy để các con đối mặt với những gian nan thử thách để các con luyện được thể lực, tinh thần, ý chí, bản lĩnh và cả tư duy chiến thuật của bản thân. Đặc biệt là đối với các cậu con trai.

Bà mẹ Hà Nội dạy con theo kiểu nhà binh: Sáng điểm tâm nhẹ bằng 10km chạy bộ, trời rét vẫn tắm nước lạnh - Ảnh 9.

Chị Ngà luôn khuyên mọi người đừng bao bọc con quá mức.

Bố mẹ cần gần con để hiểu con, động viên, khai thác, phát huy sở trường và các tài năng còn tiềm ẩn trong mỗi đứa con. Hãy tin các con làm được những thứ mà ta nghĩ là không thể, đừng suy nghĩ quá cao siêu, hãy nghĩ đơn giản và hành động. Đừng làm thui chột đi khả năng tiềm ẩn của con.

Cảm ơn chị. Chúc chị và gia đình có thật nhiều sức khỏe!


Theo Nhung Lê

Helino

Trở lên trên